Chính phủ Nam Sudan và quân nổi dậy đã ký một thỏa thuận ngừng bắn, song hai bên vẫn liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.


Một nhóm vũ trang tại Nam Sudan (Ảnh: AFP) Nam Sudan, quốc gia trẻ nhất thế giới đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nguy hiểm, đẩy những căng thẳng sắc tộc và tôn giáo lên mức cao trào. Cộng đồng quốc tế hôm 23/4, đã bày tỏ lo ngại và kêu gọi một hành động cứng rắn nhằm chấm dứt vòng xoáy bạo lực tại quốc gia châu Phi này.
Tại phiên họp kín ngày 23/4 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, người đứng đầu phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan Hervé Ladsous đã trình báo cáo về tình trạng thảm sát dân thường tại Nam Sudan, trong đó nhấn mạnh, vòng xoáy bạo lực tại quốc gia trẻ nhất thế giới này cần phải chấm dứt ngay lập tức.
Tuần trước, lực lượng nổi dậy tại Nam Sudan đã chiếm giữ thành phố chiến lược Bentiu, thủ phủ của bang dầu mỏ Unity, tấn công căn cứ của Liên Hợp Quốc tại đây và thảm sát hàng trăm dân thường trong các vụ thanh trừng sắc tộc.
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi xung đột bùng phát hồi cuối năm ngoái giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Salva Kiir với nhóm nổi dậy do cựu phó Tổng thống Riek Machar đứng đầu. Cuộc xung đột đã làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo giữa cộng đồng người Dinka của Tổng thống Kiir và người Nuer của ông Machar.
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Ladsous nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế không thể "làm việc theo cách thông thường". Vụ tấn công nhằm vào căn cứ Liên Hợp Quốc hồi tuần trước và việc thảm sát dân thường tại đây là một dấu hiệu cho thấy sự leo thang nghiêm trọng của xung đột và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Căng thẳng sẽ chưa thể chấm dứt chừng nào các bước đi khẩn cấp không được thực hiện.
Ông Ladsous nói: “Tôi cho rằng, vòng xoáy bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ cuối năm ngoái cần phải chấm dứt ngay lập tức. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy không bên nào cho thấy sự sẵn sàng nhằm chấm dứt thù địch. Thỏa thuận đạt được cách đây 3 tháng vẫn chưa được thực thi. Các bên chưa thực sự muốn tham gia các cuộc đối thoại”.
Chia sẻ quan điểm này, Đại sứ Nigeria tại Liên Hợp Quốc và là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng này, bà Joy Ogwu cho biết, tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều nhất trí sử dụng nguyên tắc răn đe để gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới các bên liên quan để họ buộc phải chấm dứt thù địch nếu không sẽ phải chịu trừng phạt.
Bà Ogwu nói: “Trách nhiệm của tất cả các quốc gia là bảo vệ dân thường và đảm bảo an toàn cho họ trên chính lãnh thổ của mình. Và chúng tôi nhấn mạnh rằng, sự bất khả xâm phạm của các thể chế Liên Hợp Quốc tại các nước thành viên là thiêng liêng. Mọi sự tấn công hay sát hại dân thường tại những cơ quan này là không thể chấp nhận và không được phép xảy ra”.
Bà Ogwu cũng cho biết thêm, khả năng trừng phạt đã được các nước thành viên thảo luận và một thông cáo báo chí chung về vấn đề này sẽ sớm được công bố, trong đó có các đề xuất về những hành động mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.
Hồi cuối tháng 1 vừa qua, dưới sự trung gian của Cơ quan Phát triển liên Chính phủ Đông Phi (IGAD), Chính phủ Nam Sudan và quân nổi dậy đã ký một thỏa thuận ngừng bắn, song hai bên vẫn liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Giao tranh liên tiếp giữa các phe phái khiến hàng nghìn người thiệt mạng và gần 1 triệu người phải đi lánh nạn. Tình trạng bạo lực không ngừng leo thang đã làm dấy lên lo ngại về tương lai hòa bình của quốc gia non trẻ nhất thế giới này


theo vovnews