Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Người ta chỉ tạo nên hạnh phúc của mình do việc săn sóc đến hạnh phúc của người khác.
Bernardin De Saint Pierre
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: Nguyễn Triệu Luật - Tiểu thuyết lịch sử - Văn hóa lịch sử tiểu thuyết

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Nguyễn Triệu Luật - Tiểu thuyết lịch sử - Văn hóa lịch sử tiểu thuyết

    .

    Nguyễn Triệu Luật
    Tiểu thuyết lịch sử - Văn hóa lịch sử tiểu thuyết
    Lê Văn Ba


    Nguyễn Triệu Luật nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm Ba Mươi thế kỷ trước. Bẵng đi một thời gian dài không thấy nhắc tên ông. Rất mừng trong Từ điển văn học Việt Nam (bộ mới) xuất bản năm 2003 có mục từ Nguyễn Triệu Luật (vần N). Mừng nhiều hơn khi thấy thành phố Hồ Chí Minh có tên đường phố Nguyễn Triệu Luật (quận Bình Tân). Càng mừng vì hôm nay, Hội nhà văn Hà Nội, mở cuộc hội thảo về tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật, nhà văn Nguyễn Triệu Luật, nhà cách mạng Nguyễn Triệu Luật.

    Nguyễn Triệu Luật (1903-1946), bút hiệu Dật Lang, Phất văn nữ sĩ, quê làng Du Lâm huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh cũ, nay thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội.

    Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, ông được bổ đi dạy học ở Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang.

    Dòng dõi đại nho (ông nội là tiến sĩ Nguyễn Tư Giản, nổi tiếng hay chữ, làm quan tới thuợng thư Bộ Lại thời Tự Đức), Nguyễn Triệu Luật ham học, ham đọc và say sưa viết. Ông đã cho in nhiều bài báo, bài nghiên cứu giá trị như Bàn góp về truyện Kiều, Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ, Một cách để gây cho dân tộc ta một cái nguyên tắc tinh thần, Báo tiếng Tây Mercure de France với văn tự Việt Nam…Ông biên dịch (tiếng Pháp) cuốn sách Tâm lý học dày ngót hai trăm trang, truyện ngắn Một cái hờn xuân giữa tiết thanh minh ở Yên Kinh bảy mươi năm trước đây…Tất thảy đều cho thấy một nhà trí thức trẻ tuổi hiểu nhiều biết rộng.

    Nguyễn Triệu Luật (NTL) đã có thể làm một nhà giáo mô phạm, nhà văn học sử nổi tiếng như Dương Quảng Hàm, trở thành một nhà nghiên cứu uyên bác ở Đông phương bác cổ học viện, hoặc một nhà báo lỗi lạc trong các nhóm Thanh Nghị, Đông Dương Tạp Chí…

    Nhưng NTL chọn con đường trở thành nhà văn, nhà viết tiểu thuyết lịch sử.

    Cơn cớ vì đâu?

    Trong lời giới thiệu Tuyển tập tiểu thuyết lịch sử của NTL Giáo sư Đinh Xuân Lâm lý giải như sau:

    "Có thể nói rằng từ sau khởi nghĩa Yên bái thất bại (1930), tiểu thuyết lịch sử nở rộ là một biểu hiện của nền văn học yêu nước, một phương tiện để ký thác tình cảm yêu nước của một số người cầm bút. Và tiểu thuyết lịch sử được người đọc tìm đến chính là để tìm thấy ở đấy một niềm an ủi, một ý chí tự hào và lòng hy vọng thầm kín vào tiền đồ đất nước."

    Hồi đó không phải chỉ có tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật mà còn có của Lan Khai, Phan Trần Chúc, Đào Trinh Nhất…kể cả Ngô Tất Tố với các cuốn Gia định tổng trấn Tả quân Lê Văn Duyệt, Vua Tây chúa Nguyễn, Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ, Lịch sử Đề Thám…

    Trong 80 năm người Pháp đô hộ Việt Nam đã có biết bao cuộc nổi dạy và tiếp theo là những cuộc đàn áp đẫm máu: Chống sưu thuế ở miền Trung, Xô Viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Nam Kỳ …Tại sao sau những diễn biến long trời lở đất bốc cao lửa đỏ và chan hòa máu tươi này không thấy “nở rộ” tiểu thuyết lịch sử?

    Nhớ lại ngày ấy Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ) phát triển nhanh trong giới nhà giáo, nhà binh, các đô thành, thị trấn…Trong số này có nhà thơ Nhượng Tống, nhà văn Nguyễn Triệu Luật, nhà thơ Trúc Khê Ngô Văn Triện, nhà thơ Phạm Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch, Nguyễn Khắc Nhu…đứng đầu là Nguyễn Thái Học lúc này đang học trường cao đẳng thương mại…Đây là những người trong Nam Đồng thư xã, tổ chức tiền thân của VNQDĐ. Hệ thống VNQDĐ lỏng lẻo và lộ liễu nên sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại đã có hàng nghìn người bị bắt (trong hồi ký viết về Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống nói con số lên tới 3000 người).

    Thực dân Pháp mở một chiến dịch khủng bố hết sức dã man hòng làm cho người dân Việt Nam khiếp sợ và dằn mặt những ai còn nuôi chí lật đổ chính quyền thống trị.

    Ngày 17 tháng 6 năm 1930 tại thị xã Yên Bái, thực dân Pháp xử chém 13 người cầm đầu VNQĐ trong đó có đảng trưởng Nguyễn Thái Học.

    Trước đó, ngày 8 tháng 3 năm 1930 cũng tại đây chúng đã chém Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiệp, Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoằng.

    Ngày 22 tháng 11 năm 1930, Nguyễn Văn Toại và 4 đảng viên VNQĐ bị xử chém tại Phú Thọ.

    Tháng 12 năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp, tức Ký Con, và 6 người nữa bị xử chém tại cổng nhà tù Hỏa Lò Hà Nội.

    Ngày 23 tháng 6 năm 1931, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Giáo, Trần Nhật Đồng và một số đảng viên VNQDĐ bị xử chém tại Hải Dương.

    Ngày 23 tháng 6 năm 1931, Lê Hữu Cảnh bị hành hình trước cổng Hỏa Lò Hà Nội.

    Không rõ tháng năm, Lương Ngọc Tốn, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Quang Triều, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Trọng Bằng, Phạm Văn Khuê bị hành hình trước ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội.

    Đó là chưa kể những vụ tàn sát đẫm máu ở Phượng Dực (Thái Bình), Vĩnh Bảo (thời gian này thuộc tỉnh Hải Dương), chưa kể những vụ Nguyễn Khắc Nhu đập đầu tự sát trong ngục thất Hưng Hóa (11 tháng 2 năm 1930); Đỗ Thị Tâm nuốt giải yếm tự sát trong ngục thất Hà Nội (7 tháng 9 năm 1930); Sư Trạch tự sát tại ngục thất xứ Guyanne thuộc Pháp (Năm 1936)…

    Thời gian này NTL cũng bị bắt, bị tù. Năm 1932 mới được về nhà “hồi dân quản thúc” (lời NTL) dần dà mới ra Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Ông làm báo, viết văn rồi tiếp tục nghề dạy học (trường tư, ở tận Nghệ An), vừa hết sức “giữ mình” vừa đeo đuổi ý chí muốn làm gì đó tiếp tục con đường yêu nước, cứu nước không chịu bỏ dở nửa chừng.

    Như lời giáo sư Đinh Xuân Lâm nói, đó chính là hoàn cảnh, là môi trường thúc đẩy nhiều nhà văn trong đó có NTL đến với tiểu thuyết lịch sử (tất nhiên còn phải kể thời gian này đô thị, thị dân phát triển, chữ quốc ngữ phổ thông, máy in xử dụng ngày càng rộng rãi..).

    Nhưng để trở thành một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, còn phải có những điều kiện.

    *NTL đã là một thày giáo dạy văn.
    *NTL là một nhà giáo dạy sử.
    *NTL là con nhà gia thế, dòng giõi đại nho. Hơn mọi người ông được thấm đẫm trong lòng từ ngày thơ bé hồn cốt lịch sử một thời vua chúa với cả tầng sâu văn hóa, kiến trúc, y phục, ngôn ngữ giao tiếp, phong cách sống …

    Chính cái điều “hơn mọi người” này đã mang lại cho tiểu thuyết lịch sử của ông môt hấp lực riêng trong rất nhiểu TTLS đang “nở rộ”. Và đó cũng chính là đóng góp lớn lao của NTL.

    Trước hết, NTL vào nghề viết tiểu thuyết lịch sử với đường hướng, lựa chọn rõ ràng.

    Khởi đầu là năm 1935 nhà giáo NTL phê phán kịch liệt tác giả cuốn sách Vua Hàm Nghi:

    “Ông Phan Trần Chúc bôi nhọ lịch sử”.

    Trong cuốn sách ngót 100 trang khổ nhỏ này, NTL chẳng những viện dẫn những cái dốt ( từ của NTL) của họ Phan mà còn vạch trần những đánh giá sai lầm về lịch sử dân tộc, về những nhân vật trong lịch sử dân tộc, NTL kết tội “ông Phan Trần Chúc bôi nhọ vua Hàm Nghi đến thế là cùng”! Muốn phê phán người thì mình phải có sự hiểu biết hơn người. Tác phẩm phê phán ông Phan Trần Chúc có tác dụng như một “cú hích” thúc đẩy NTL mạnh dạn dấn thân.

    NTL không chỉ một lần “tuyên ngôn” về mục đích, nghệ thuật viết tiểu thuyết lịch sử của mình. Trong Lời nói đầu cuốn Bà Chúa Chè: Viết tiểu thuyết lịch sử không cần theo phép của sử học..Tác giả chỉ phải tưởng tượng ra một chuyện “có thể có” ở một thời đại rồi đem chuyện ấy lồng vào khung thời đại ấy, mục đích là lấy một chuyện không đâu mà làm sống một thời đại… Hoặc như trong Lời tựa cuốn Ngược đường Trường Thi, ông ví người viết tiểu thuyết lịch sử giống như nhà kim hoàn trộn lẫn vàng với bạc, với đồng. Vàng thuần thì dễ mòn, đồng thuần tuy cứng nhưng rẻ quá, không có giá, nay đem trộn lẫn với nhau – một sự hóa hợp chứ không phải hỗn hợp- thì vẫn có giá. Có giá vì không lừa ai, có giá vì không ai thấy nổi vết hàn gắn. Chín phần vàng không bị hạ giá bởi một phần đồng cho nên vẫn chân giá, tạo ra một giá trị mới…

    Việc chọn giai đoạn lịch sử để viết cũng vậy. NTL lý giải Con người ta có ruột gan ra thì chuyện người xa muôn dặm, ngàn năm cũng cũng đủ cảm.. Mà không có ruột gan chi thì chuyện trong nhà, trước mắt, ruột thịt cũng vẫn thờ ơ…

    Viết tiểu thuyết lịch sử để lấy chuyện xưa mà nói nay. NTL mong muốn bạn đọc nhìn vào quá khứ để thấy lại lịch sử dân tộc, thức dạy lòng yêu nước. Có thể nói những suy nghĩ của ông từ cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn nguyên giá trị, vẫn là những chỉ dẫn đáng để cho giới viết truyện lịch sử, tiểu thuyết lịch sử, làm phim lịch sử hôm nay tham khảo.

    Phải chăng, vì nhiều điều “mới mẻ” như vậy nên ngay sau khi tác phẩm Bà Chúa Chè ra đời, NTL đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa Vũ Ngọc Phan và Trúc Khê Ngô Văn Triện về sự khác nhau giữa ký sự lịch sử và tiểu thuyết lịch sử, về nhân vật cô gái xinh đẹp, chung tình, gần gũi nhân dân, có bản lĩnh và số phận đáng thương là Đặng Thi Huệ trong Bà chúa chè, khác hẳn hình ảnh vương phi Đặng Thị Huệ trong Hoàng Lê nhất thống chí.

    Trở lại câu hỏi đâu là thế mạnh, là điều làm nên sự khác biệt của TTLS NTL?

    NTL dẫn giải: thời cổ đại người ta dựng lên những lâu đài cung điện, đình chùa…bằng những tảng đá, khối gỗ, viên gạch... Đấy chính là những “trang sử” để lại cho đời sau. Rồi khi có giấy, có chữ viết, máy in…thì “cái này diệt cái kia”, khi có sách báo, những phương tiện thông tin, lưu trữ , truyền bá thông dụng tối tân rồi thì (như ở nước ta) người ta lãng quên dần, bỏ mặc cho những phế tích đổ nát, nhiều đình chùa được phục dựng thì cái nào cũng giống như cái nào…

    Với NTL không phải “cái này diệt cái kia” mà phải là “cái này phục vụ cái kia, bù đắp cho cái kia”.

    NTL đã khắc khoải, thiết tha, da diết bao đêm ngày vì suy nghĩ trăn trở trên đây. Và ông đã viết như ông đã nghĩ: dùng văn chương phục dựng lại cho người hôm nay chiêm ngưỡng tự hào cái hôm qua chỉ còn là ảo ảnh, nỗi niềm hoài cổ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương (Thơ Bà huyện Thanh Quan).

    Chính vì thế, đọc tiểu thuyết lịch sử của NTL người đọc thấy hết sức thú vị và tài tình cái sự kể về không khí nhiễu nhương một thời lịch sử đặc biệt nước nhà vừa có vua vừa có chúa, Đàng trong Đàng ngoài, loạn kiêu binh…Đó là những kẻ đào hố, sa hố, ông Trịnh Khải chạy quanh toan lấp hố thì bị anh chàng Cống Chỉnh ở đâu tới xô Chúa ngã xuống hố - Thú vị vì được nhà văn đưa đi thăm lại cung vua Lê, phủ chúa Trịnh, được ông dẫn chơi Hà Nội 36 phố phường, đi một vòng quanh Hồ Tây, ngược đường Trường Thi đầu này là trường thi bến cỏ Cổ Tân cạnh nhà hát Lớn bây giờ, đoạn giữa là trường thi cạnh Giám, nền cũ của Văn Miếu thời nhà Lý, và cuối là trường thi chỗ góc con đường cửa ô Cầu Giấy đi ngã tư Khâm Thiên …

    Đọc tiểu thuyết lịch sử của NTL người đọc được “chứng kiến” cảnh các ông đồ lều chõng chen lấn nhau vào dựng lều làm bài thi, giữa buổi nhai cơm nắm với chả ba họ, “tham dự” một ngày giỗ hết đại tường nhà Chúa, dự lễ khai bút sớm mồng một tết trong một gia đình nho giáo, cùng thưởng thức chén trà với ông quan về hưu dưới gốc liễu bên hồ sen, lại rùng rợn thấy hiện ra cảnh Sơn Lăng vắng vẻ giam giữ hàng trăm cung nữ trẻ đẹp bị ép “thủ tiết” với cái xác chết lạnh giá của ông vua nằm trong quan tài…

    NTL viết tiểu thuyết-lịch sử, cũng có thể nói ông làm tiểu thuyết – văn hóa – lịch sử. Một cách làm sáng tạo, độc đáo của riêng ông. “Ông đã tự mình mở ra một dòng sáng tác tiểu thuyết rất đáng trân trọng”. (Nguyễn Vinh Phúc). Nhà văn tài tử và tinh tế về những quá khứ vang bóng một thời là Nguyễn Tuân phải kêu lên rằng “Ông NTL đã “có công phục sinh những cái gì đã chết gần ba trăm năm nay”. Lan Khai cũng là một cây bút có hạng về tiểu thuyết lịch sử hồi này thán phục: Đọc tiểu thuyết của NTL tức là xem những bức ảnh. Người mất rồi, cảnh khác rồi, nhưng hình ảnh vẫn là những người và cảnh đã có thực. Bên trong NTL là một nhà khảo cổ học. Cái “ngòi bút có linh hồn” của NTL rất đáng giúp cho người dạy, người học lịch sử hôm nay đang chán với môn sử nước nhà.

    Nhưng, người viết khác, đòi phải có người đọc khác.

    Đọc truyện Nguyễn Triệu Luật ta vừa thích thú vừa “khó chịu” vì cứ nhiều lúc phải dừng lại ở giữa trang hoặc để xem chú thích ở cuối trang. Đó là những lễ nghi điển tích, về cung vua phủ chúa thuở ấy bây giờ là góc đường này, cuối vườn hoa kia, là những chú giải về ngôn ngữ người xưa …Vậy nên từ năm 1939 nhà nghiên cứu Hiên Chi đã có lời khuyên người đọc tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật đừng để cốt truyện ly kỳ hấp dẫn lôi cuốn mà phải nhâm nhi, ngẫm nghĩ, vừa thưởng thức, vừa khám phá. “Có thế ta mới “lồng” tâm hồn ta vào trong truyện được…Hãy đọc Hòm đựng người. Đọc kỹ mà xem!”

    Và viết tiểu thuyết lịch sử, NTL nhằm ký thác tâm sự mình. Nguyễn Huy Tưởng thú nhận “Cầm bút chẳng qua một bệnh với Đan Thiềm”. Anh giáo Thứ trong Sống Mòn là hình ảnh cuộc đời vật vã của nhà văn Nam Cao. NTL đã tham gia VNQDĐ đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho nước nhà. Ước vọng của NTL phản ánh rõ rệt trong ước vọng “đảo hành, nghịch thi” của cô gái hái chè Đặng Thi Huệ. Ước vọng ấy mãnh liệt cho đến chết vẫn không hề thay đổi. Điều này được chính cô nói “con vẫn cho làm phải” trong buổi cuối cùng ở nhà giam Hộ tăng đường, khi được phép gặp người cha đến thăm con gái sau mười hai năm xa cách.

    Trong Bà Chúa Chè in lần đầu của NXB Tân Dân năm 1939 có đoạn NTL viết thẳng tuột ‘Năm xưa trứ giả dây vì một rớp án chính trị đã cùng anh em bị bắt giam…” làm cho người đọc có thể suy diễn cái đoạn bịa ra chuyện Đặng vương phi vượt ngục là mấy trang nhà văn hồi tưởng lại một lần mình trốn trại không thoát? Viết để giải tỏa ẩn ức, viết để tri ân những người đã giúp mình thay lốt vượt tường. Đặc biêt là cái đoạn ông viết về những người cai tù lúc đầu độc ác thô bỉ tục tằn lắm, “sau lâu họ thấy người bị nạn có thái độ ung dung nho nhã, cứng cát và vẫn mềm mỏng, vui cười mà vẫn nghiêm khắc, tự nhiên cái hình ảnh chú cai chú đội trong óc họ mất đi. Rồi dần dần họ trông người bị nạn không thấy cái gì đáng ghét nữa. Hơn nữa họ lại thấy đáng thương, đáng kính”. Đây là suy nghĩ của một người giác ngộ cách mạng ở thế kỷ 20 chứ đâu phải của cô gái hái chè, Tuyên phi Đặng Thị Huệ vợ Tĩnh Đô vưong Trịnh Sâm!

    NTL đã để lại cho chúng ta cả một gia tài văn chương (về tiểu thuyết, báo chí, nghiên cứu, dịch thuật…), nhưng về cuộc đời nhà văn thì kể cả vợ, con trong gia đình đều không biết nhiều, biết rõ.

    Tham gia sáng lập VNQDĐ, nhưng nhà cách mạng NTL giữ vai trò gì, đóng góp những gì trong quá trình hoạt động? Khởi nghĩa Yên Bái nổ ra, ông có hành động cụ thể gì? Khi bị bắt, ông bị kết án bao nhiêu năm tù?, bị giam cầm đày ải trong những nhà tù nào? Nhiều nhà chính trị trong quá trình hoạt động đã giấu kín hoặc tìm cách lảng tránh mỗi khi có người hỏi về những “khúc quanh, góc khuất” của đời mình, vì nhiều lý do tế nhị, nhạy cảm, và cam chịu thiệt thòi.

    NTL là người có số phận như thế. Ông Nguyễn Triệu Căn, con trai nhà văn NTL kể rằng không ít lần ông hỏi bà nội “Sao nhà mình nghèo thế”? Ông hỏi, vì được nghe kể đời cụ nội mình, cơ ngơi quan thượng thư to rộng lắm. Nhưng lần nào cũng thế, bà nội trả lời trong tiếng thở dài buồn bã: "Bà phải bán hết ruộng nương nhà cửa để “chạy” cho bố con…"

    Sau này lớn lên, anh Nguyễn Triệu Căn đi học ở trường trung học phổ thông Lương ngọc Quyến (Thái nguyên). Khi anh khai lý lịch vào Đoàn thanh niên, bí thư đoàn nhà trường đã trả lại bản khai, yêu cầu anh phải viết rõ bố là Việt gian, tham gia VNQDĐ phản động. Nguyễn Triệu Căn cãi lại và nói dù cho bị đuổi học, về làm ruộng, chứ nhất định cha mình không phải người xấu.

    May quá, ông hiệu trưởng là học trò của thày Luật năm trước đã nói đỡ cho anh Căn. Đúng là đã có một thời như thế. Và chính vì thế, năm 2009 ông Căn vào thành phố Hồ Chí Minh được người quen cho biết trong này có phố Nguyễn Triệu Luật thì ông già theo nghiệp truyền gia mô phạm bất ngờ đến mức không tin. Con cháu người quá cố đã nhiều lần tìm đến, lặng nhìn tấm biển đề phố Nguyễn Triệu Luật thiêng liêng kính cẩn như đứng trước bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám khắc tên ông mình, bố mình. Đường NTL ở quận Bình Tân, một quận mới thành lập năm 2003, đất của huyện Bình Chánh và một phần quận Tân Bình tách ra. Vậy là nhà nước, chính quyền đã công nhận, nhân dân đã không quên.

    Nhà văn NTL, sinh thời vẫn linh cảm số phận mình còn nhiều gian truân đợi mình ở cuối đời.

    Năm 1940, lần thứ hai NTL bị thực dân Pháp bắt đưa đi an trí ở một trại miền núi Hòa Bình.

    Rồi Nhật đảo chính Pháp, ông được ra tù. Cách mạng tháng Tám thành công…NTL mất tích năm 1946. Trải qua biết bao biến cố, cho đến hôm nay…

    Trong tiểu thuyết lịch sử Ngược đường Trường Thi có nhân vật chính là ông giáo già Nguyễn Lý Viên. Nguời ấy là ai? Là tác giả, NTL! Nguyễn Lý Viên nói lái là Viễn Lý Nguyên, (như kiểu ngày nay ta thường diễu Nguyễn Y Vân là Vẫn Y Nguyên) có nghĩa xa xưa (ta) gốc họ Lý, cháu nội quan đại thần Nguyễn Tư Giản, dòng dõi tôn thất nhà Lý, thoát chết khỏi mả xập, phải đổi sang họ Nguyễn để tránh cái họa Trần Thủ Độ.

    Riêng cuộc đời, thời đại, và cái tên Nguyễn-Triệu-Luật-Viễn-Lý-Nguyên đã đầy ắp chất liệu lịch sử tiểu thuyết, “một cõi đi về”!
    ***

    Đọc NTL thấy cảm, thấy nhiều điều thú vị là vì thế. Lại xin dẫn một thí dụ nhỏ: Chúng ta đều biết trong nghìn năm Bắc thuộc và trăm năm Pháp thuộc, ngoại bang tìm mọi cách đồng hóa, tiêu diệt bản chất con người Việt, nền văn hóa Việt. Nhưng chỉ một đoạn ngắn NTL cho thấy người Việt đã mặc nhiên đồng hóa cả trăm nghìn người tộc Hán. Cụ thể sau đây: Đời chúa Trịnh Văn tổ nghị vương (Trịnh Tráng 1653-1657) nước Tàu mất vào tay giống Mãn Châu, dân Tàu phải dóc tóc bện bím bỏ lối y phục nhà Minh theo y phục người Mãn.

    Qua một trăm năm…Những người Tàu sang ở An Nam đến đời chú Phan Tự Minh thì vào làng ta, ăn mặc theo lối ta, hóa người An Nam trăm phần trăm. Chú đã gọi cam Thiều châu là cam Tàu, cam Đồng Dụ là cam ta. Đối với việc xẩy ra trong nước từ cung vua Lê phủ chúa Trịnh cho tới những việc hàng ngày khác con tim khối óc chú cũng rung động như bất cứ người An Nam nào.. Khi rỗi chú cũng bàn mỏng bàn dày, lo xa lo gần việc nước ta, trong khi chú vô tâm với hết thảy những việc xẩy ra bên Bắc quốc.

    NTL không hằn thù dân tộc mà qua sự kiện lịch sử nhằm đề cao dân tộc, văn hóa dân tộc, truyền thống lôi cuốn, hòa nhập, hòa đồng của người Việt Nam, xem đó là nhiệm vụ thiêng liêng của người cầm bút viết tiểu thuyết lịch sử.
    Thứ năm, 01 Tháng 11 2012
    L.V.B.
    Địa chỉ: Lê Văn Ba, 14 Trần Nhân Tông HN.
    38226098 - 0977278937

    Code:
    http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/nguyen-trieu-luat-tieu-thuyet-lich-su-van-hoa-lich-su-tieu-thuyet
    Last edited by khieman; 05-15-2014 at 09:21 PM.

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-20-2014, 06:29 AM
  2. Bộ Văn hóa có công văn đề nghị giám sát Táo Quân
    By duyanh in forum Văn Hóa - Văn Nghệ
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 01-17-2014, 02:59 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •