.

Vì sao một giàn khoan có thể gây bạo loạn
chống Trung Quốc ở Việt Nam?

Tác giả: Hilary Whiteman
Người dịch: Đỗ Quyên



Đôi lời: Trong các vấn đề quốc tế, báo chí quốc doanh ở Việt Nam lâu nay vẫn còn giữ một “căn bệnh” của truyền thông thời chiến, đó là bệnh thành tích, bệnh “tự khen” hoặc thổi phồng đánh giá của cộng đồng quốc tế theo hướng khen mình, ví dụ “thế giới ủng hộ”, “quốc tế đứng về phía Việt Nam”, v.v.

Gần đây, khi tình hình quan hệ Việt-Trung và tranh chấp trên Biển Đông đã đẩy Đảng và Nhà nước đến mức buộc phải đề cập đến “Công hàm Phạm Văn Đồng 1958”, truyền thông nước nhà cũng vẫn tiếp tục tìm cách nhấn mạnh “thế giới ủng hộ Việt Nam”, “không nước nào công nhận chủ quyền Hoàng Sa của Trung Quốc”… Trong khi đó, cụ thể thế giới đã có những quan điểm gì về vấn đề Hoàng Sa và Công hàm Phạm Văn Đồng, thì không thấy báo chí nào đưa tin rõ ràng, đầy đủ.

Vào ngày 15/5, ông Sam Bateman, một học giả Singapore, đã có bài phân tích, cho rằng Công hàm Phạm Văn Đồng làm hại đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Bốn ngày sau, CNN đã có một bài viết về tranh chấp chủ quyền Việt Nam-Trung Quốc, trong đó trích dẫn trực tiếp ý kiến của ông Sam Bateman.

Điều này cho thấy, thực sự quốc tế không hoàn toàn ủng hộ ta như ta vẫn tưởng, và nhiệm vụ của giới truyền thông cũng như giới nghiên cứu nước nhà là phải cung cấp đầy đủ thông tin xác thực, khách quan cho người đọc, đẩy mạnh đấu tranh pháp lý mới mong phần nào hóa giải Công hàm tai hại này. Lừa mị nhau bằng những thông tin một chiều kiểu “thế giới ủng hộ” sẽ chẳng mang lại kết cục nào tốt đẹp.




Hong Kong – Khi công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu đến khu vực tranh chấp trên Biển Đông (nguyên văn: South China Sea – biển Hoa Nam), sự kiện đó đã châm lửa vào một xung đột âm ỉ kéo dài giữa Trung Quốc và nước láng giềng cộng sản Việt Nam.

Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh hẳn phải biết động thái này sẽ gây ra một phản ứng nào đó, nhưng rõ ràng Bắc Kinh không lường trước được là họ sẽ phải sơ tán hàng nghìn công dân Trung Quốc đang tuyệt vọng, để giúp dân tránh xa những cuộc biểu tình bạo lực ở Việt Nam.

“Toàn bộ câu chuyện dường như đầy những tính toán sai lầm, có lẽ của cả hai phía, nhưng nó cho thấy khu vực này mong manh và dễ xáo động đến như thế nào” – Alexander Neill, nghiên cứu viên cao cấp tại Đối thoại Shangri-La và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) phân nhánh châu Á, nhận định.

Mấu chốt của vấn đề hiện nay là giàn khoan dầu được đặt ở vùng biển mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền. Việt Nam lên án việc triển khai giàn khoan dầu ở đây là “bất hợp pháp”, trong khi đó Trung Quốc khẳng định họ có đầy đủ quyền để khoan dầu, và họ chỉ trích chính quyền Việt Nam là đã không đảm bảo được an toàn cho công dân Trung Quốc.

Để hiểu vấn đề, chúng ta cần phải xem xét vị trí chính xác của giàn khoan dầu.

Giàn khoan nằm ở đâu?

Vào đầu tháng 5, Bắc Kinh thông báo giàn khoan HD-981 sẽ được trên biển để làm công tác thăm dò dầu khí cho đến giữa tháng 8. Thuộc sở hữu của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, giàn khoan đóng tại lô 143, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía đông, và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 180 hải lý về phía nam, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).



Giàn khoan HD 981 định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15029’ vĩ độ bắc, 111012’ độ kinh đông,
cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Ảnh: Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam

Theo phân tích của các chuyên gia thuộc CSIS, có lẽ Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các quyền của Trung Quốc ở địa điểm này dựa trên mặc định rằng giàn khoan nằm chỉ cách quần đảo Paracel – mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ – có 17 hải lý về phía bắc, cho phép họ có quyền xác định thềm lục địa riêng trong khu vực.

Trung Quốc gọi quần đảo Paracel đang tranh chấp đó là quần đảo Tây Sa, còn ở Việt Nam, nơi này được gọi là quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam thì nói vị trí của giàn khoan nằm chính xác trong thềm lục địa của Việt Nam, hơn thế nữa, còn là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Hà Nội đã yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan về, đưa tàu ra khỏi khu vực và cùng đàm phán để giải quyết vấn đề.

Trung Quốc dùng tàu hải quân và máy bay chiến đấu hộ tống đưa giàn khoan ra vị trí hiện tại, kéo theo Việt Nam cũng triển khai tàu đến khu vực, làm căng thẳng leo thang trên biển. Phía Việt Nam buộc tội tàu Trung Quốc đã đâm va và phun vòi rồng vào tàu của họ. Phía Trung Quốc nói, tất cả các đụng độ đều do Việt Nam khiêu khích.

Xung đột trên đất liền

Cách rất xa nơi xảy ra đụng độ trên biển, những cuộc biểu tình đầy bạo lực cũng đã bùng nổ ở nhiều nhà máy do người Trung Quốc và Đài Loan sở hữu hoặc điều hành, chủ yếu ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Bình Dương.

Những người biểu tình đập phá cổng, đốt công ty, tấn công tất cả những gì có vẻ có nguồn gốc Trung Quốc, kể cả dân chúng.

Vào hôm chủ nhật, 18/5, Trung Quốc điều máy bay đến sơ tán 290 công dân, trong đó có 100 người bị thương trong vụ bạo lực mới nhất.

Video do truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc công chiếu, cho thấy tại sân bay Thành Đô, một số người đi khập khiễng hoặc đang được di chuyển từ máy bay y tế xuống đất, nhiều người chân tay bị băng bó. Cơ quan chức năng cho biết có 2 công dân Trung Quốc đã bị thiệt mạng trong xung đột trước đó.

Tân Hoa Xã thông báo, khoảng 7000 người Trung Quốc đã lên tàu hoặc chuẩn bị lên tàu chạy trốn trong tuần (từ 18 đến 25/5). Một bài xã luận đầy giận dữ trên trang mạng của Tân Hoa Xã tuyên bố, các cuộc biểu tình do “những phần tử bạo động phi lý trí” sẽ không bao giờ có thể củng cố “yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Hà Nội đối với biển đảo của Trung Quốc trên biển Hoa Nam”.

Ai đúng ai sai?

Trong khi có nhiều nhà bình luận cho rằng Việt Nam có đầy đủ quyền để có thể cảm thấy phẫn nộ về giàn khoan dầu của Trung Quốc, có ít nhất một nhà phân tích khẳng định vấn đề không hề rạch ròi như một số người tưởng.

“Gần gũi về địa lý không thôi thì không phải là một cơ sở rõ ràng cho việc ra yêu sách chủ quyền hay quyền chủ quyền”

Sam Bateman viết trên tờ Eurasia Review.

Bateman, một nghiên cứu viên cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, cho biết yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa bị “suy yếu nghiêm trọng” vì miền Bắc Việt Nam vốn đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, và cũng không phản đối gì từ năm 1958 đến năm 1975.

Vào năm 1974, hai nước đánh nhau trong trận Hải chiến Hoàng Sa. Trận này kết thúc với thắng lợi thuộc về Trung Quốc và họ kiểm soát hoàn toàn cả các đảo Hoàng Sa lẫn vùng biển bao quanh đó.

Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, các lãnh đạo của nước này đã công khai nhắc lại chủ quyền của nước mình với quần đảo, nhưng vấn đề chính thì vẫn không giải quyết được. Vào tháng 1 năm nay, các nhà hoạt động ở Việt Nam đã hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc và đặt hoa tưởng niệm hơn 70 lính Việt Nam bị thiệt mạng trong trận giao chiến 40 năm về trước.

Động cơ của Trung Quốc là gì?

Xét bề ngoài thì dầu lửa có vẻ là lý do tại sao Trung Quốc đặt chân vào vùng biển tranh chấp, tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng rõ ràng chính trị mới là cái chính.

“Với những động thái kiểu này – đặt một giàn khoan dầu vào một địa điểm như thế – bạn có thể nói rằng nó tạo cho Trung Quốc toàn quyền hành động để mở rộng hoạt động của hải quân trong khu vực và thể hiện sức mạnh xa hơn nữa trên Biển Đông” – Neill nói.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc nhúng vào những việc nhạy cảm trong khu vực, bằng cách gây ồn ào và cố ý xâm nhập vào những địa điểm đang tranh chấp. Từng có những vụ đụng độ căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc xoay quanh chủ quyền của quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư trong mấy năm gần đây, và Trung Quốc đã cãi vã với Philippines về những yêu sách chủ quyền đối kháng tại bãi cạn Scarborough.

Trong một tuyên bố ra ngày 7/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá động thái mới nhất của Trung Quốc là “một phần nhỏ trong lối hành xử của Trung Quốc nhằm xúc tiến các yêu sách chủ quyền của mình đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp, theo một cách phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trung Quốc phản ứng như thế nào?

Sự hung dữ trong các cuộc biểu tình của người Việt Nam có vẻ đã khiến Trung Quốc rất ngạc nhiên, và Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng sự không hài lòng của họ với cách Việt Nam xử lý tình hình.

Hôm 18/5, Trung Quốc tuyên bố họ đã ngừng một số chương trình trao đổi song phương với Việt Nam. Họ cũng cảnh báo công dân của nước mình rằng đến Việt Nam là không an toàn, đồng thời, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin, nhiều công ty du lịch Trung Quốc đã hủy tour đến Việt Nam.

Trung Quốc còn cảnh báo về các hình thức trừng phạt khác (nhưng chưa nói cụ thể là hình thức gì), có ý ám chỉ rằng họ sẽ sử dụng đòn kinh tế. Theo báo chí Trung Quốc, năm 2013, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt hơn 50 tỷ đô-la, và Việt Nam phụ thuộc rất chặt chẽ vào đầu tư nước ngoài.

Bình luận của Tân Hoa Xã:

“Chính quyền Viêt Nam nên đến bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn, đừng để bị sa lầy trong chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhằm tránh làm bạo lực leo thang và phức tạp hóa tình hình biển Hoa Nam”.

“Nếu Việt Nam ngừng ngay lập tức bạo lực và tất cả các hình thức khiêu khích khác, thì sẽ có thể hợp tác với Trung Quốc để khai thác đầy đủ tiềm năng của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính và chuyển giao công nghệ”.

Việt Nam phản ứng ra sao?

Chính phủ Việt Nam, mặc dù vẫn yêu cầu Trung Quốc phải đi khỏi khu vực tranh chấp, nhưng cũng cho biết là họ đã tiến hành các bước ngăn ngừa biểu tình. Họ gọi các cuộc biểu tình là “hành động tự phát” bởi các cá nhân “lợi dụng tình hình để gây rối trật tự công cộng”.

Hàng trăm người đã bị bắt, và chính quyền đã hứa với các nhà đầu tư nước ngoài rằng việc bảo đảm an ninh cho giới đầu tư nước ngoài có một “tầm quan trọng đặc biệt”.

Mọi chuyện có thể kết thúc như thế nào?

Alexander Neill thuộc IISS dự đoán, quan hệ giữa hai nước sẽ căng thẳng một thời gian, nhưng chắc chắn là mối giao thương giữa hai nước sẽ mở ra một lối thoát để đi lên phía trước.

“Tôi nghĩ là có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng quan hệ đảng-đảng, tức là quan hệ giữa hai đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam với nhau, có một sự thông hiểu nhau rất sâu sắc. Tôi không nghĩ điều đó chắc chắn đúng. Tôi cho là mối quan hệ này chỉ có tính chất trang điểm bề ngoài”.

“Cốt lõi của mối bang giao là nằm ở thương mại, cho nên thương mại có thể là lĩnh vực sẽ mở ra lối thoát, hay là lĩnh vực mà tại đó, các kênh truyền thông sẽ lên tiếng nhiều hơn là chỉ trích nhau về chính trị”.

“Chính quyền Việt Nam không thể chịu được việc để mất đi lượng lớn vốn đầu tư vào nền kinh tế của mình”.

Nguồn: CNN
19-5-2014
anhbasam online