HOÀNG SA-ÐÀ NẴNG - Việt Nam vừa lên tiếng tố cáo chiến hạm Trung Quốc chĩa súng hăm dọa các tàu dân sự của Việt Nam hiện diện trong khu vực đang tranh chấp.

Ông Hà Lê, cục phó Cục Kiểm Ngư của Việt Nam kể với AFP rằng, khi tàu kiểm ngư của Việt Nam đến gần các chiến hạm Trung Quốc bảo vệ giàn khoan 981, những chiến hạm nay đã mở bạt che súng, quay và chĩa súng vào các tàu kiểm ngư của Việt Nam.


Trung Quốc tuyên bố giàn khoan 981 đã tìm được một mỏ khí ở khu vực đang tranh chấp. Quan hệ Việt-Trung được dự đoán sẽ căng thẳng hơn và không loại trừ có xung đột vũ trang.

Ðối với sự kiện này, báo chí Nhật tường thuật, có ít nhất 8 tàu của Trung Quốc đã bao vây và chĩa súng vào một tàu cảnh sát biển của Việt Nam ở khu vực chỉ cách giàn khoan dầu 981 chừng 6 cây số.

Một phóng viên của tờ Yomiuri Shimbun, Nhật, có mặt tại hiện trường, tường thuật là một tàu của Trung Quốc đã tiến sát tàu của Việt Nam và khi cách tàu Việt Nam khoảng 200 mét thì chĩa súng vào tàu của Việt Nam.

Từ đầu tháng 5 đến nay, Trung Quốc đã đưa hàng trăm tàu các loại (chiếm hạm, tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, tàu vận tải) đến khu vực quần đảo Hoàng Sa để bảo vệ giàn khoan 981 - được kéo vào vùng biển cách đảo Lý Sơn khoảng 119 hai lý để thăm dò dầu khí.

Các tàu của Trung Quốc liên tục đâm, dùng vòi rồng để tấn công vào các tàu của Việt Nam. Hôm 26 tháng 5, 40 tàu đánh cá của Trung Quốc đã bao vây một tàu đánh cá của Việt Nam, sau đó một trong 40 tàu đánh cá của Trung Quốc đã đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam.

Cũng trong ngày hôm qua, Reuters dẫn nguồn từ giới chuyên gia dầu khí Trung Quốc, cho biết, giàn khoan 981 đã tìm được một mỏ khí ở khu vực đang tranh chấp mà trữ lượng đủ để đưa vào khai thác.

Nếu thông tin đó chính xác thì đây là mỏ khí đầu tiên mà Trung Quốc tìm ra trong khu vực tranh chấp trên biển Ðông.

Hôm 27 tháng 5, Công ty Dịch vụ Dầu mỏ thuộc Tổng Công ty Dầu mỏ Hải dương Trung Quốc (CNOOC), tuyên bố, kế hoạch thăm dò dầu khí đã xong “giai đoạn một” và đã thu được các dữ liệu địa chất cần thiết. Sau ba tuần được neo ở vị trí cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 119 hải lý, Công ty Dịch vụ Dầu mỏ thuộc CNOOC đã cho dịch chuyển giàn khoan 981 về hướng Nam Tây Nam và nay, giàn khoan nay đang cách vị trú cũ khoảng 30 hải lý.

Ông Ngô Thế Xuân, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Nam Hải (biển Ðông) của Trung Quốc, tuyên bố với Reuters rằng, địa điểm mà giàn khoan 981 đang hoạt động có thể là một mỏ khí đốt. Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khảo sát địa chất ba chiều rồi mới đưa giàn khoan 981 tới.

Hồi 2013, cơ quan năng lượng Hoa Kỳ nhận định, các bằng chứng địa chất cho thấy quần đảo Hoàng Sa không có tiềm năng lớn về dầu khí. Tuy nhiên ông James Hubbard, làm việc cho bộ phận nghiên cứu dầu khí Châu Á của ngân hàng Macquarie ở Hồng Kông thì tin rằng, khu vực gần quần đảo Hoàng Sa có thể có các mỏ khí lớn.

Trong hai năm 2011 và 2012, khi hợp tác với Exxon Mobil, mộ tập đoàn dầu khí của Hoa Kỳ, Việt Nam từng tìm thấy hai giếng khí ở lô 118 và 119 thuộc khu vực tranh chấp. Ngay sau đó, Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo các công ty dầu khí không được thăm dò ở vùng có tranh chấp.

Trò chuyện với các hãng tin phương Tây, một viên chức ngành dầu khí của Trung Quốc nói rằng, tin từ nhóm khảo sát, đang điều hành hoạt động của giàn khoan 981 cho biết, triển vọng tìm thấy dầu khí là “khá tốt,” họ chỉ chưa biết trữ lượng thế nào.

Nếu kết quả thăm dò dầu khí của giàn khoan 981 thật sự tốt, Trung Quốc sẽ đặt cơ sở khai thác và điều tàu đặt đường ống. Quá trình này có thể mất vài năm trong khi việc khai thác có thể kéo dài hàng chục năm.

Ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, dự đoán, chắc chắn căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung sẽ lên đến đỉnh nếu Trung Quốc tìm thấy dầu ở khu vực này.

Ông Lâm Bá Cường, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế Năng Lượng ở Ðại Học Hạ Môn, Trung Quốc, dự đoán, sẽ có thêm nhiều va chạm, nhiều xung đột và “không loại trừ khả năng xung đột vũ trang.” (G.Ð)

Theo Người Việt