Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Yêu là vui vì hạnh phúc của người khác, là coi hạnh phúc của người kia như hạnh phúc của chính mình.
G.W. Leibnitz
Results 1 to 3 of 3

Chủ Đề: Cúng dường – Cầu an – Cầu siêu

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Cúng dường – Cầu an – Cầu siêu

    .
    Cúng dường - Cầu an - Cầu siêu
    Hỏi:

    …”… Tuy gia đình theo đạo Phật nhưng ngoài bà tôi ra, bố mẹ và các anh chị em tôi rất ít khi tới chùa. Năm ngoái, nhân làm lễ cầu siêu cho ông tôi mới mất, cả gia đình tôi đều tham dự một buổi lễ cúng dường trai tăng. Có điều khó hiểu, xin Chương Trình Tuệ Đăng giải đáp giúp. Đó là tôi thấy trước khi các Tăng Ni ăn cơm, có mấy Phật tử, trong số đó có cả bà tôi, quỳ xuống xụp lạy các sư ngay trước bàn ăn. Tôi rất lấy làm khó chịu khi nhìn thấy bà mình xì xụp lễ lạy người ta như thế. Bà tôi bảo vì bà tôi “cúng dường trai tăng” nên phải “cúng” các vị sư, tức là Tăng. Chẳng lẽ đạo Phật lại phân chia giai cấp như triều đình phong kiến vậy sao?

    Bà tôi bảo rằng năm nay là giỗ đầu ông tôi, bà tôi muốn cúng dường trai tăng như năm ngoái. Mấy anh chị em tôi đều không muốn tham dự nữa. Xin quý vị cho biết ý kiến…”…

    P.T.

    Đáp:

    Trong một kỳ trước, chúng tôi đã trình với quý vị rằng đạo Phật rất trọng giới tu sĩ. Tại sao vậy?

    Xin thưa rằng, vì tu sĩ đạo Phật có nhiệm vụ phải hoàn tất rất là lớn lao, chứ không phải là chỉ làm chuyện cúng tế, cầu xin các đấng bề trên giúp cho tín đồ. Việc cúng tế cầu xin này không hề là mục tiêu của đạo Phật, tức là đạo Giác Ngộ, mà chỉ là chuyện phụ, trên đường hoằng truyền Phật pháp, nhà Phật vì tùy thuận theo ý muốn của chúng sinh nên làm những chuyện đó mà thôi. Nhiệm vụ chính của Tăng Ni nhà Phật là dạy chúng sinh thực hành các môn tu theo Phật pháp, làm công tác người cầm đuốc soi đường cho chúng sinh tu hành cho tới giác ngộ giải thoát khỏi vòng luân hồi triền miên sinh tử.

    Chúng tôi cũng đã thưa rằng “… các vị Sư trong nhà Phật được tôn là Trưởng Tử Như Lai, là con lớn của đức Phật — với ý nghĩa về mặt tinh thần – có nhiệm vụ dìu dắt đàn em là tất cả chúng sinh đang còn lạc lõng trong biển luân hồi sinh tử.
    Trưởng Tử Như Lai là người noi theo gương giáo hóa chúng sinh của đức Phật, làm công việc đức Phật ủy thác, là Đạo Sư. Vì thế, từ ngữ Sư trong nhà Phật rất cao quý. Vì sứ mạng cao quý như thế cho nên trong đạo Phật, giới Tăng Ni tu sĩ được coi là một trong Tam Bảo."

    Nhiệm vụ của Phật tử, gọi là cận sự, tức cư sĩ, là phải cung kính cúng dường chư Tăng Ni 4 món cần thiết trong đời sống, gọi là “Tứ sự cúng dường” gồm y phục, thực phẩm, nơi ở và thuốc men.

    Tại sao lại phải đặc biệt cung kính khi cúng dường?

    Đó là để tỏ rõ lòng tôn kính vị Sư, bậc Thày dẫn dắt ra khỏi biển sinh tử, trở lại Bản Thể Chân Tâm, chấm dứt mọi nỗi thống khổ trong cuộc đời.

    Cho nên đôi khi chúng ta trông thấy trong những buổi lễ dâng y, hoặc trai tăng, thí chủ dâng lễ vật đồng thời còn xụp lạy những Tăng Ni thọ nhận, cũng là vì theo truyền thống cung kính cúng dường đó.

    Như thế, chúng ta minh định rõ vai trò cao quý của chư Tăng Ni trong nhà Phật, để có thể ứng xử với nhau cho đẹp và tương xứng với vị trí của Tăng Ni và cư sĩ khi giao dịch với nhau.

    Nhưng thế nào là “tương xứng với vị trí của Tăng Ni và cư sĩ khi giao dịch”?

    Trước nhất, chúng tôi xin minh xác rằng từ “cúng” trong cúng dường không có nghĩa là cúng bái. Cúng dường là do chữ cung dưỡng mà đọc trại ra. “Cung dưỡng” có nghĩa là “cung cấp và nuôi dưỡng”. Cúng dường trai tăng nghĩa là mời chư tăng thọ nhận một bữa cơm trước giờ Ngọ, không hẳn phải là cơm chay, chỉ cần ăn trước giờ ngọ nên gọi là Ngọ trai.

    Do truyền thống “Tam Bảo gồm Phật, Pháp và Tăng" là phước điền của chúng sinh, thọ nhận bất cứ loại thực phẩm nào do thí chủ phát tâm cúng dường, để chúng sinh trồng cây phước, vì thế không từ chối tấm lòng của chúng sinh, không chọn lựa khi thọ nhận phẩm vật được cúng dường” nên đôi khi chúng ta thấy các sư Nam Tông thọ Ngọ trai bằng thực phẩm từ thịt chúng sinh, miễn là thịt đó từ con vật không vì lý do mình muốn ăn mà nó bị giết, không trông thấy nó bị giết và không nghe thấy tiếng nó kêu khi bị giết,…, gọi là Tam Tịnh Nhục.

    Như thế, cúng dường có nghĩa là cung dưỡng, là cung cấp và nuôi dưỡng. Nghĩ rằng vì “cúng dường trai tăng” nên phải lạy sống các sư là sai lầm.

    Nhà Phật quý trọng Tăng Ni, tôn là Trưởng tử Như Lai, vì quý vị đó có công tiếp nối hạnh Phật mà chỉ đường cho chúng sinh tu tập ra khỏi cơn mê trong vòng luân hồi khổ não, giác ngộ lại bản thể Chân Tâm.

    Nhưng kính trọng không có nghĩa là phải lạy sống. Người thời phong kiến làm thế vì họ có hủ tục người dưới lạy người trên, vua chúa ngồi cho triều thần, cung nữ, thái giám lạy. Hủ tục đó thiết tưởng nên dẹp bỏ.

    Có người cho rằng lạy như thế để tập đức khiêm cung. Thực tế, nếu muốn lạy để luyện tập đức khiêm cung thì nên lạy những người ngang hàng hoặc địa vị thua kém mình. Còn nếu không lạy tất cả mọi người một cách bình đẳng như Thường Bất Khinh Bồ Tát gặp ai cũng lạy, mà chỉ đặc biệt lạy những người cao cấp hơn mình, về thần quyền hoặc thế quyền, thì chỉ có thể làm tăng trưởng thói bợ đỡ, nịnh trên nạt dưới, không thể do lạy mà tập được đức khiêm cung.

    Để quý vị thấu triệt vấn đề cúng dường Tam Bảo, chúng tôi xin kính gửi một bài pháp do hòa thượng Thích Thanh Từ giảng về đề tài Cúng Dường Tam Bảo, trích trong cuốn Bước Đầu Học Phật.

    Thày dạy như sau:

    …”… Cúng dường là nuôi dưỡng khiến Tam Bảo hằng còn ở đời. Tất cả những sự bảo bọc giúp đỡ gìn giữ để Tam Bảo thường còn, đều gọi là cúng dường.

    Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng:

    - Phật đã quá khứ, chỉ còn lại hình tượng.
    - Pháp bắt nguồn từ chữ Phạn đến chữ Hán còn nằm sẵn trong kho tàng nhà chùa.
    - Tăng là những tu sĩ tu theo Phật học chánh pháp. Chính những vị này có bổn phận gìn giữ hình tượng Phật còn, phiên dịch giảng giải chánh pháp.

    Tam Bảo đều quí kính, song hệ trọng nhất là Tăng. Nếu không có Tăng thì ai gìn giữ chùa chiền, ai giảng dạy chánh pháp? Thế nên, cúng dường Tam Bảo là nói chung, mà hệ trọng là Tăng. Tăng chúng còn là Tam Bảo còn, Tăng chúng mất thì Tam Bảo cũng vắng bóng. Vì thế mọi sự cúng dường đều đặt nặng vào Tăng, với mục đích Tam Bảo tồn tại ở nhân gian.

    Thế mà có những người cúng dường một cách lệch lạc mất hết ý nghĩa cúng dường. Như có một Phật tử đi chùa đến thầy Trụ trì xin cúng năm đồng, liền đó được nghe hỏi “cầu cái gì”, Phật tử ngơ ngác. Thầy Trụ trì hỏi thêm “cầu an hay cầu siêu”, Phật tử bóp đầu suy nghĩ đáp “cầu siêu”, rồi biên một dọc tên vào sổ cầu siêu. Phật tử này như thế, Phật tử khác cũng thế. Ðã thành thông lệ, cúng chùa là phải cầu siêu hay cầu an.

    Cầu an cầu siêu cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho thân thuộc mình, sự cúng ấy quả là vì mình. Vì mình mà đi chùa, vì mình mà cúng chùa, đích thực là tham lam ích kỷ.

    Nếu mang một tâm niệm tham lam ích kỷ đến với đạo thì chưa xứng đáng một Phật tử. Cái hư dở này tại ai? Chính tại người hướng dẫn đã chỉ lối sai lạc.

    Ðến phần ông thầy, do Phật tử cầu siêu cầu an nên có tiền. Ðồng tiền này sau một thời kinh cầu nguyện xong, ông tự coi như trọn quyền sử dụng không có tánh cách e dè sợ sệt gì cả. Nếu một buổi lễ cầu nguyện được Phật tử cúng nhiều tiền, thế là ông mặc tình phung phí, vì tự cho do công tụng cúng của mình mà được. Thế thì đời tu hành cốt vì giác ngộ giải thoát, vô tình trở thành người tụng kinh mướn. Người tu cốt xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, biến thành kẻ thụ hưởng. Trái với mục đích xuất gia, trở thành kẻ hư hèn, chính vì nhận đồng tiền phi pháp.

    Cầu nguyện là một điều phụ thuộc nhỏ nhít trong Phật pháp, vì nó không phải là chân lý. Thế mà, người ta thổi phồng nó lên, để rồi cả đời người tu gần như hết tám chục phần trăm Phật sự đều nằm trong những lễ cầu nguyện. Truyền bá một điều không phải chân lý, ắt hẳn chánh pháp phải chịu suy đồi. Người có trách nhiệm hướng dẫn Phật tử mà một bề cổ xúy cho sự cầu cúng, là đưa họ vào rừng sâu mê tín, gây thêm lòng tham lam ích kỷ cho họ. Quả là kẻ tạo thêm tội lỗi, chớ không phải người tu hành.

    Người Phật tử chân chánh khi phát tâm cúng dường Tam Bảo, chỉ vì mong cho Tam Bảo thường còn ở thế gian để đưa chúng sanh ra khỏi đau khổ mê lầm. Nếu đến chùa, Phật tử cúng năm mười đồng, Tăng, Ni có hỏi cầu điều gì, Phật tử nên thưa:

    “Chúng tôi chỉ cầu mong chư Tăng, chư Ni nhận món tịnh tài này để có phương tiện an ổn tu hành, hầu truyền bá chánh pháp lợi ích chúng sanh.”

    Chỉ vì Tam Bảo, vì chúng sanh mà cúng dường, đây là tâm hồn cao thượng quảng đại vị tha. Làm việc bố thí cúng dường cao đẹp như vậy công đức làm sao giới hạn đuợc. Vì Tam Bảo thường còn ở thế gian để làm lợi ích cho chúng sanh, trong chúng sanh đã có bản thân mình và thân quyến mình rồi. Quên mình chỉ nghĩ đến toàn thể chúng sanh, không phải lòng lợi tha vô bờ bến là gì? Với một lòng vị tha rộng lớn như vậy, dù một số tiền nhỏ, một vật dụng mọn đem cúng dường cũng là phước đức vô biên.

    Tăng, Ni nhận sự cúng dường chân chánh của Phật tử, tự nhiên thấy mình có một trọng trách lớn lao vô cùng. Làm sao tu hành tinh tiến? Làm sao truyền bá chánh pháp lợi ích chúng sanh? Ðể xứng đáng thọ nhận những thứ cúng dường của Phật tử, chỉ cần nỗ lực tu hành, cố gắng học tập để hiện tại và vị lai làm lợi ích chúng sanh. Nếu hiện đời, Tăng, Ni, không làm tròn hai việc này, có thể mai kia phải mang lông đội sừng để trả nợ tín thí. Biết như thế, hiểu như thế, Tăng, Ni làm sao dám lơi lỏng trong việc tu hành học tập. Thế là, nhờ sự cúng dường chân chánh của Phật tử thúc đẩy Tăng, Ni đã cố gắng càng cố gắng hơn trong nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của chính mình. Thấy mình thiếu nợ, mới cố gắng lo đền trả bằng cách nỗ lực tu hành và độ sanh, đây là mục tiêu đức Phật bắt Tăng, Ni thọ nhận đồ cúng dường của Phật tử. Tăng, Ni là người có bổn phận hướng dẫn tín đồ cúng dường chân chánh đúng pháp thì cả thầy trò đều cao thượng và lợi ích lớn.

    Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa chúng ta hoàn toàn phủ nhận sự cầu nguyện. Chúng ta thấy rõ cầu nguyện chỉ là trợ duyên nhỏ xíu, kẻ đối tượng cầu nguyện chỉ được lợi ích một hai phần mười, như trong kinh nói. Chúng ta đã thừa nhận “nhân quả nghiệp báo” là chân lý thì sự cầu nguyện là ngoại lệ, có kết quả cũng tí xíu thôi. Cổ vũ cho điều phi chân lý, để cho người xao lãng chân lý, là việc làm trái với chánh pháp. Vì lòng hiếu thảo của Phật tử, buộc lòng chúng ta phải cầu nguyện, khi cầu nguyện chúng ta phải cảnh cáo rằng:

    “Việc làm này là phụ thuộc không đáng kể, kết quả ít lắm.”

    Có thế mới khỏi lệch lạc trên con đường hoằng hóa lợi ích chúng sanh. Ðã thấy cầu nguyện là việc phụ, chúng ta đừng vì nó làm mất thì giờ tu học của Tăng, Ni, làm mất thì giờ truyền bá chánh pháp.

    Chúng ta tu theo đạo Phật là đi trên con đường sáng, ánh sáng giác ngộ đến đâu thì bóng đêm mê lầm tan đến đấy. Mê tín là bóng đêm, giác ngộ là ngọn đèn sáng. Bóng đêm và ánh sáng hai cái không thể có đồng thời. Nếu sáng thì không tối, hoặc tối thì không sáng. Có giác ngộ là không có mê tín, có mê tín thì không có giác ngộ.

    Nếu chứa chấp mê tín là chúng ta đã phản bội với đạo giác ngộ. Trong đạo giác ngộ quả thật không có mê tín. Học đạo và truyền đạo giác ngộ, chúng ta cương quyết dẹp hết bóng đêm mê tín. Có được như vậy mới gọi là người trung thực với chánh pháp. Bằng ấp ủ nuôi dưỡng chứa chấp mê tín, dù kẻ ấy mỗi ngày cúng Phật trăm lần vẫn là kẻ phá hoại chánh pháp. Thà là chúng ta cam chịu chết đói, quyết không vì lợi dưỡng mà làm những điều mê tín, dẫn dắt người đi trên đường mê tín. Ðã thừa nhận mình là Phật tử, quyết định không vì lòng tham để bị một số người lợi dụng dẫn đi con đường mê tín…”…

    Trên đây là lời dạy của hòa thượng Thích Thanh Từ, một bậc cao tăng thời hiện đại.



    .
    Last edited by khieman; 05-31-2014 at 09:14 PM.

  2. #2
    Join Date
    Dec 2010
    Bài Viết
    901
    Thanks
    0
    Được Cám Ơn 0 Lần
    Trong 0 Bài Viết
    Cám ơn bác Khiêm An nhiều lắm .

    cúng dường có nghĩa là cung dưỡng, là cung cấp và nuôi dưỡng. Nghĩ rằng vì “cúng dường trai tăng” nên phải lạy sống các sư là sai lầm.
    "Diễn Đàn tuy ảo, nhưng Nghiệp Quả có thật."
    "Chỉ có người Giác Ngộ và kẻ chưa Giác Ngộ."

  3. #3
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    Quote Originally Posted by Ngan Ha Xem Bài Viết
    Cám ơn bác Khiêm An nhiều lắm .




    Cảm ơn bạn Ngân Hà đã luôn luôn hỗ trợ tinh thần.

    KA



Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •