QĐND - Là người từng có dịp đối đáp, chất vấn trực tiếp với các học giả và chuyên gia Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông tại các hội nghị quốc tế, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên và đang là nghiên cứu viên tại Trường Luật Harvard (Mỹ) cho rằng, Việt Nam cần phải liên tục phản đối việc Trung Quốc vẽ các lô dầu sẽ cho đấu thầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Tạ Văn Tài, với việc thực hiện các hành vi sai trái trên, Trung Quốc đang áp dụng một chiến lược “lấn dần”, với hy vọng các quốc gia quanh Biển Đông không phản đối thì họ sẽ “gặm nhấm” dần quyền lợi của những nước này. Cho nên người Đông Nam Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, phải liên tục phản đối các hành động nhằm phục vụ cho những toan tính này của Trung Quốc, nhất là tại các diễn đàn quốc tế để vạch rõ cho cộng đồng quốc tế thấy rõ Trung Quốc đuối lý ra sao.


Tiến sĩ Tạ Văn Tài (ngồi giữa) tại Hội nghị “Kỹ thuật khai thác biển khơi” tháng 5-2012, tại Hiu-xtơn. Ảnh tư liệu[/I]

Tiến sĩ Tài chia sẻ, bản thân ông từng tham dự một số hội nghị quốc tế cũng không thể chấp nhận được những tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc liên quan tới chủ quyền ở Biển Đông, nên ông đã đứng dậy thẳng thắn đối đáp với các đại biểu Trung Quốc. Và tất cả những câu hỏi mà tiến sĩ đặt ra, các học giả Trung Quốc đều không có câu trả lời thuyết phục hoặc cố tình lảng tránh không trả lời.

Dịp ông nhớ nhất đó là tại Hội nghị “Kỹ thuật khai thác biển khơi” được tổ chức rất quy mô của ngành dầu khí thế giới, diễn ra tại thành phố Hiu-xtơn của Mỹ, vào tháng 5-2012. Tại hội nghị này, đại biểu Trung Quốc đã trình bày bản đồ các lô dầu trong vùng "đường lưỡi bò" mà họ tự vẽ ra trên Biển Đông để mời các hãng dầu thế giới tham gia đấu thầu. Tiến sĩ Tài cho biết, hội nghị này là lần thứ hai ông có dịp để bảo vệ và bênh vực các quyền lợi chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.

Tại Hội nghị “Kỹ thuật khai thác biển khơi” năm 2012 có 2.500 hãng dầu khí thế giới tham dự, bao gồm cả PetroVietnam. Ông cùng một số học giả Việt Nam tham dự buổi thuyết trình của ông Jin Xiaojian về chiến lược phát triển của Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Ông Jin Xiaojian đưa ra một số bản đồ Biển Đông cho biết có nhiều triển vọng dầu ở phía bắc Biển Đông gần Hải Nam và phía nam Biển Đông, vùng Trường Sa, hơn là vùng ở giữa, nhưng tất cả đều khoanh trong cái vòng đai "đường lưỡi bò", sát vào và có chỗ chắc chắn lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước quanh Biển Đông, y như thể Trung Quốc nói với các cử tọa là Trung Quốc dự tính yêu sách chủ quyền tài nguyên trong "đường lưỡi bò" đó. Sau đó, ông ta đưa ra một bản đồ "đường lưỡi bò" y hệt nhưng có thêm các lô dầu khí và phát biểu ám chỉ CNOOC sẽ khai thác hay mời chào các hãng dầu tham dự hội nghị đấu thầu các lô ấy.

Thấy rõ sự phi lý trong phần trình bày này của đại biểu Trung Quốc, ở phần hai của buổi họp hôm đó, tiến sĩ Tài cho biết ông là người đã đặt câu hỏi đầu tiên để chất vấn. Khi đó, ông đã phát biểu rằng: Tôi không phải là đại diện của một trong các công ty ông mời gọi, nhưng là một người trong giới đại học, từ Trường Luật Harvard nơi tôi làm việc nhiều năm, và cũng là luật sư. Ở Harvard, chúng tôi gọi Trung Quốc là “rồng lớn” và Việt Nam là “rồng nhỏ”. Tôi hỏi với tư cách công dân Mỹ và cả tư cách cựu công dân Việt Nam. Câu hỏi thứ nhất: Bản đồ ông đưa ra ghi rõ các khu vực có nhiều hay ít triển vọng dầu khí ở Biển Đông bao gồm vùng đại dương bị khoanh bởi "đường lưỡi bò" vô căn cứ. Do đó chúng tôi hy vọng đây chỉ là một bản đồ về trữ lượng dầu khí chứ không phải là bản đồ yêu sách chủ quyền tài nguyên thiên nhiên. Nhưng nếu đó thực là bản đồ Công ty CNOOC dùng để giành đòi tài nguyên trong vùng xâm lấn vào Vùng đặc quyền kinh tế của các nước nhỏ, thì ông giải quyết cái sự xung đột yêu sách chủ quyền này ra sao?

Câu hỏi thứ hai: Triển vọng của Trung Quốc về dầu đá phiến (shale oil) là lớn nhất thế giới, ở Tứ Xuyên và Tân Cương, có thể giúp giảm mối lo của Trung Quốc về năng lượng, như Chủ tịch Fu Chengyu của Công ty Sinopec nói: “Dầu khí loại bất quy ước của Trung Quốc là tài nguyên hydrocarbon chính cho sự phát triển tương lai của Trung Quốc”. Triển vọng này có làm Trung Quốc bớt lấn lướt trong yêu sách ở Biển Đông, như với khu vực trong "đường lưỡi bò" vốn làm tổn hại cho việc Trung Quốc trở thành cường quốc được các nước khác tôn trọng hay không?

Tiến sĩ Tài nhớ rất rõ rằng, trước khi trả lời hai câu hỏi này, ông Jin Xiaojian đã trao đổi với một số đại biểu khác trong phái đoàn Trung Quốc trên bàn diễn giả. Nhưng sau đó Tiến sĩ Tài chỉ nhận được lời khước từ ngắn gọn của ông Jin Xiaojian: “Đó là những câu hỏi dài, rất dài. Hôm nay, chúng tôi bàn về kỹ thuật khai thác dầu khí, chứ không bàn về các yêu sách chủ quyền về tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông. Về câu hỏi 2, trong phiên họp về dầu ngoài biển này, chúng tôi không bàn về dầu trong đá. Dầu sao, cũng xin cảm ơn ông về mấy câu hỏi rất hay của ông”.

Tiến sĩ Tài khẳng định: “Rõ ràng, ông ta đã cố ý tảng lờ câu hỏi thứ nhất của tôi, trong đó có nói đến bản đồ vẽ "đường lưỡi bò" lấn hết Biển Đông và còn phân ra các lô để mời chào các hãng dầu đấu thầu các lô. Ông ta cũng đánh trống lảng câu hỏi thứ hai của tôi muốn “đánh thức” lòng tự trọng của Trung Quốc, để thành cường quốc vĩ đại thì phải tỏ ra tốt lành, không tham lam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, vì đã có số lượng dầu trong đá lớn nhất thế giới. Đánh trống lảng nhưng cũng cố gắng lịch sự”.

Tiến sĩ Tài cho biết thêm, vào cuối tháng 6-2012, khi CNOOC ngang nhiên gọi mời thầu các lô khai thác dầu khí trong cái bản đồ mà họ đã đưa ra tại Hội nghị ở Hiu-xtơn năm 2012, PetroVietnam đã họp báo tại Hà Nội phản đối Trung Quốc xâm phạm vào các lô dầu Việt Nam, cho thầu trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau này, tại một hội thảo diễn ra vào ngày 27-6-2012 về tranh chấp ở Biển Đông tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Oa-sinh-tơn, nghị sĩ Mỹ Giô-ê Li-bơ-man (Joe Lieberman) đã phải tuyên bố rằng, việc CNOOC cho gọi thầu trong vùng các lô dầu khí của Việt Nam là hành vi rất khiêu khích.

XUÂN PHONG

(Báo QĐND)