Có một thực trạng nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội Việt Nam hiện nay, đó là dân vi phạm luật thì bị xử nặng, nhưng cơ quan nhà nước vi phạm pháp luật thì xử rất chậm. Và rất nhiều vụ còn bao che, chối tội cho nhau.

Chính quyền Việt Nam lúc nào cũng nói đến vai trò một nhà nước pháp quyền, nhưng trong cách hành xử thường ngày của họ lại không cho thấy điều đó. Họ buộc người dân phải tôn trọng luật, trong khi chính cán bộ, đảng viên lại được quyền ngồi xổm trên luật pháp.




Hai chiếc xe cùng biển số như nhau bị người dân phát giác. Ảnh: Báo Đất Việt
Dư luận mấy ngày qua sôi nổi với chuyện 2 chiếc xe công vụ của Công an tỉnh Ninh Bình sử dụng biển số “tứ quý 9” 35A-9999 giống nhau, nhiều người cho rằng đấy là hành vi vi phạm pháp luật ở những người thừa hành luật pháp ở Việt Nam. Song, với ông Chánh văn phòng Công an tỉnh Ninh Bình thì việc đeo biển số giả để công tác cho tiện.

Trả lời với báo chí về những bức xúc của người dân, ông Thượng tá Lã Xuân Phúc-Chánh văn phòng Công an tỉnh Ninh Bình khẳng định, chiếc xe mang biển kiểm soát 35A-9999 đã hỏng và được Công an tỉnh bỏ từ lâu. Tấm biển kiểm soát trên do Phòng Cảnh sát giao thông chưa thu hồi, lái xe vẫn quản lý biển.

“Hai xe Camry và Ford Expedition đều là xe của Công an tỉnh. Trong đó, xe Ford là do Bộ Công an cấp cho Công an tỉnh, mang biển 80B-4318, dùng để chở lãnh đạo Công an tỉnh. Chỉ có 1 lần chiếc xe này đeo biển 35A-9999 là đợt Đại lễ Vesak ở Bái Đính. Lái xe lấy biển cũ đeo vào để mang tính chất địa phương và tiện cho công tác bảo vệ.” - Thượng tá Phúc “trần tình”.

Và để biện minh cho hành vi vi phạm luật pháp, Thượng tá Phúc cho biết, nhiều khi xe của lực lượng Công an cần “hóa trang” để sử dụng việc khác nên có thể dùng biển kiểm soát khác.

Việc “hâm mộ” biển số “tứ quý”, biển số đẹp thường phổ biến ở người dân Việt, nhưng không ngờ nó còn “lây sang” cả những công bộc của nhân dân. Cách đây 2 tháng, dư luận cũng sôi động nhờ vào việc phát hiện Công an tỉnh Thanh Hóa sử dụng biển số giả chạy trên đường. Và dường như cùng một “giuộc” với nhau, để lý giải, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết là phải hóa trang để tránh tội phạm. 2 chiếc xe, một Toyota và một Lexus đều có cùng biển số 36B-6789. Với giới dân chơi xe, biển số như trên được đọc chệch là “san bằng tất cả”

Người dân nghi ngờ với cách trả lời của những vị quan chức Công an nói trên, vì nếu cần hóa trang thì phải dùng biển số dân sự màu trắng và các dãy số khó nhớ chứ không ai trưng kiểu biển số siêu đẹp đó. Cách làm như vậy chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”

Ở Việt Nam, trên khắp các con đường đều dễ dàng nhìn thấy tấm biển tuyên truyền “Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” nhưng xem chừng Công an lại có quyền vi phạm luật pháp để “tiện” cho việc công tác.

Theo ông Giàng Sèo Phử: Bán vé số có thu nhập cao lắm. Ảnh: Tuổi Trẻ

“Bán vé số có thu nhập cao”

Trên tờ Giáo Dục Việt Nam cho biết, trong khi thảo luận về phương án giúp dân thoát nghèo, ông Giàng Sèo Phử- Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc cao hứng nói: “Chúng tôi nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long, đến vùng này tôi thấy tình hình đi làm thuê và bán vé số rất phổ biến nhưng có thu nhập cao, họ đủ trang trải cho một ngày ăn. Nhưng phía Bắc ngoài này đi làm như thế, vé số không ai mua, không bán vé số được và ngày mai cũng không thể xuống sông, xuống biển đi bắt được con cá để ăn, bán, vậy chính sách phải thế nào?

Đối với đồng bằng sông Cửu Long những nghề như thế có được công nhận là một nghề không? Tôi gọi là nghề làm thuê, có thu nhập thì được công nhận là vấn đề xóa đói, giảm nghèo có được không? Bán vé số tôi cho là có thu nhập cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước rất cao, chúng ta cần phải nghiên cứu tiếp vấn đề này”

Chưa dừng lại ở đó, ông Bộ trưởng lại đưa ra lời đề nghị rất chi là “cao thâm”: ““Các đồng chí ở đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu xem có xóa đói, giảm nghèo không? Nếu chúng ta không tính những yếu tố này vào mà chỉ tính những tiêu chí chung như của cả nước thì đây là vấn đề bỏ qua, bị sót, trong khi đó người ta thu nhập chính từ vé số, tôi đề nghị chúng ta phải tính toán”.

Nghe ông Bộ trưởng phát biểu, trong hội trường Quốc hội nhiều người không nhịn được đã phải bật cười thành tiếng. Những nụ cười mang tính mỉa mai cho cái suy nghĩ ấu trĩ của một ông Bộ trường. Đó có thể là phát minh của thế kỳ, nếu nó đưa vào chính sách phát triển kinh tế của đảng và nhà nước có thể hình thành việc “nhà nhà bán vé số, người người bán vé số” chứ chẳng chơi.

Nhưng qua việc phát biểu vô trách nhiệm trên mới thấy được sự thờ ơ với những vất vã, khổ cực của những người bán vé số. Ngay cả một ông Bộ trưởng mà còn nói “đấy là nghề có thu nhập cao” thì đủ thấy quan chức Việt Nam chẳng mấy quan tâm đến đời sống khổ cực của người dân.

Ở Miền Nam Việt Nam, sau năm 1975, dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước trẻ con thay vì được đến trường, được vui chơi thì rất nhiều trong số họ phải đi bán vé số để phụ giúp gia đình. Những đứa bé da đen nhẻm, mồ hôi nhễ nhại hàng ngày phải đi bộ hàng chục kilomet để bán những tấm vé số. Và thu nhập cũng chỉ vào khoảng 100 ngàn/ngày. Hay những thương phế binh VNCH từ sau chiến tranh, họ phải lê la trên khắp phố phường, ngõ xóm đề chào mua những tờ vé số trên đôi chân tật nguyền hoặc đôi mắt mù lòa. Thu nhập từ việc bán vé số có thể giúp họ độ thực qua ngày nhưng chẳng giúp họ trở nên giàu có hoặc đầy đủ về vật chất. Ấy vậy, ông Bộ trưởng Giàng Sèo Phử lại cho đó là nghè có thu nhập cao.

Sau khi ông Bộ trưởng có lời phát biểu trên, nhiều người đưa ra đề nghị, sao ông Giàng Sèo Phử không thử cuốc bộ đi bán vé số một ngày thử nhỉ? Nhưng chắc chắn với thân hình mập mạp, tròn trịa của ông, ông không thể nào đi bộ 100m chứ đừng nói gì đến cả mấy chục kilomet mà phải đi trong cả ngày.

Người Quan Sát/Baocalitoday