Trung Quốc loan báo bắt đầu chương trình xây trường học trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà họ đánh chiếm của Việt Nam hồi năm 1974.


Trung quốc đã xây dựng phi trường, nhiều dinh thự đồ sộ trên đảo Phú Lâm, nay xây thêm trường học. (Hình: AFP/Getty Images)

Truyền thông Trung Quốc nói rằng một trường học trên diện tích 4,650m2 sẽ được xây dựng trên đảo Phú Lâm để làm chỗ học cho khoảng 40 học sinh là con em của đám lính và cảnh sát và một ít dân được đưa tới đây sinh sống.

Đảo Phú Lâm, diện tích khoảng 2 km2 (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng đảo) cướp của Việt Nam năm 1974 sau một trận hải chiến với VNCH. Đảo này được Trung Quốc đặt làm thủ phủ cho thành phố cấp huyện Tam Sa (Sansha) họ tuyên bố thiết lập hồi 2 năm trước sau khi Việt Nam ra Luật Biển xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thành phần lãnh thổ Việt Nam.

Trang mạng của cái gọi là thành phố Tam Sa nói rằng trường học sẽ bao gồm một nhà trẻ, một trường tiểu học, dự trù hoàn tất trong vòng 18 tháng với tốn kém lối 5.76 triệu đô la. Hai năm trở lại đây, Trung Quốc gấp rút xây dựng 5 đường phố chính trên đó xây dựng ngân hàng, siêu thị, nhà bưu điện để phục vụ đám lính đồn trú ở đây. Nhà máy xử lý rác, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, bệnh viện đã được xây dựng tại đây bên cạnh các cơ sở quân sự cỡ lớn gồm cả radar, trung tâm viễn thông, đài kiểm báo phi trường.

Trang mạng của Trung Quốc khoe rằng trên đảo có dân số thường trực là 1,443 người nhưng không mấy ai tin đó là “dân” thật ngoài một số rất nhỏ được đưa đến từ đảo Hải Nam.

Từ đầu Tháng 5 đến nay, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc lên cao khi Bắc Kinh đưa dàn khoan khổng lồ HD981 tới dò tìm dầu khí ở khoảng 30 km phía nam quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam luôn luôn khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam với các bằng chứng lịch sử không thể phủ nhận dù một phần bị Trung Quốc cướp đoạt bằng võ lực.

Hiện sự đối đầu trên biển ở khu vực dàn khoan HD981 vẫn tiếp diễn giữa các lực lượng Cảnh sát biển, và Kiểm ngư của Việt Nam với các lực lượng Hải giám, Hải cảnh, Ngư chính của Trung quốc. Lực lượng của Việt Nam vừa ít hơn vừa yếu hơn nên không xua đuổi nổi dàn khoan ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của mình.

Song song với vụ dàn khoan, những ngày gần đây, tin tức và hình ảnh lộ diện trên internet tố cáo Trung Quốc đang cố gắng hút cát từ dưới lòng biển để biến các bãi đá ngầm mà họ đã cướp của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo cỡ lớn, rồi xây dựng cả phi trường, hải cảng, cơ sở du lịch, khống chế một vùng rộng lớn hiện nay họ chỉ có 7 căn cứ nhỏ bé trên các bãi đá ngầm.

Mới đây, Phi Luật Tân đã đưa kháng thư phản đối Trung quốc lần thứ tư về việc Bắc Kinh hút cát lập đảo nhân tạo ở bãi đá Gạc Ma (theo cách gọi của Việt Nam, tên quốc tế là Johnson South Reef), và 3 bãi đá ngầm khác. Phi Luật Tân cũng đã kiện Trung quốc ra tòa án quốc tế về tranh chấp chủ quyền Trường Sa và cái vạch “Lưỡi bò”. Tòa án quốc tế ở La Haye cho Trung Quốc đến giữa Tháng 12-2014 phải trả lời các tố cáo của Philippines nhưng Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố không tham dự.


Người Việt