Nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ninh vừa ra lệnh cấm thu mua, vận chuyển, xuất cảng các giống cây thuộc danh mục quý hiếm, kể cả những giống cây là sinh kế của nông dân tỉnh này.

Vườn ươm cây hoa lan của Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm nông nghiệp Quảng Ninh. (Hình:TTXVN)


Nhà cầm quyền tỉnh này giải thích, lệnh cấm vừa kể nhằm phòng ngừa và ngăn chặn thương lái Trung Quốc thu mua các giống cây quý hiếm, hoặc các giống cây hiện là nguồn lợi chính của nông dân trong tỉnh.

Trước đó đã có rất nhiều cảnh báo về việc thương lái Trung Quốc ráo riết thu thập nguồn gien các giống cây quý, hiếm của Việt Nam như: lúa thơm, nếp cẩm, nếp cái hoa vàng, một số loại cây ăn trái, dược thảo.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết, giới khoa học đã cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy, thương lái Trung Quốc đang khai thác tình trạng quản lý các giống cây quý hiếm của Việt Nam còn nhiều bất cập và ý thức bảo vệ giống cây như tài nguyên quốc gia của dân chúng còn thấp.

Tại Quảng Ninh, từ năm 2010, thương lái Trung Quốc đã tổ chức thu mua cây phong ba ở Hải Hà, lá chu ka ở Tiên Yên, lan Kim tuyến ở Bình Liên, cây huyết giác ở miền Đông. Các đợt thu mua này khiến nhiều giống cây qúy, hiếm như lan Kim tuyến – một loại dược liệu ức chế sự phát triển của khối u trong ung thư, hỗ trợ tái tạo tế bào gan, điều hoà huyết áp,… - gần như tuyệt chủng.

Chưa biết sau Quảng Ninh, sẽ còn nhà cầm quyền những tỉnh nào khác ban hành các lệnh cấm giống như vừa kể. Trước đây, báo chí Việt Nam từng cảnh báo, thương lái Trung Quốc đã đặt mua không hạn chế cây đơn tướng quân (còn gọi là cây khôi) - một loại dược thảo qúy, vốn có rất nhiều ở các tỉnh rừng núi miền Bắc và điều này đẩy cẩy đơn tướng quân vào nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Lưu Văn Thanh, Giám đốc Dự án ADC thuộc Trung tâm Nghiên cứu nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cho biết, trước đây, xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, vẫn được xem là “thủ phủ” của cây đơn tướng quân. Tại đó, đơn tướng quân nhiều như rau nhưng bây giờ thì chỉ có thể tìm trong rừng sâu hay núi cao.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại rừng Kỳ Sơn, Nghệ An, nơi mà năm 2007 được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An. Dân chúng vùng này đã đổ vào rừng để đốn hạ cây “kim mao cẩu tích”, còn được gọi là cây cu li hay cây lông khỉ, vì thương lái Trung Quốc đặt mua với giá cao.

“Kim mao cẩu tích” là một loại dược thảo chuyên trị đau lưng, nhức xương, mỏi gân. Trước nữa, việc thương lái Trung Quốc đặt mua các loại cây như máu chó, hoàng đằng, củ ba mươi, cây khúc khắc (còn được gọi là thổ phục linh)… đã khiến các loại cây này gần như tuyệt chủng ở Kỳ Sơn, Nghệ An.

Thương lái Trung Quốc còn lùng sục mua mầm của thảo quả ở Hà Giang. Thông thường, mỗi héc ta thảo quả cho 2.5 tấn thảo quả/năm, tương đương giá trị 72 triệu đồng. Môt ký mầm thảo quả tương ứng với 20 cây được thương lái Trung Quốc hỏi mua với giá 50,000 đồng đã kích thích việc vặt mầm, khiến thảo quả bị suy giảm khả năng sinh trưởng và phát triển, không thể ra hoa, kết quả nhưng chẳng ai ngăn chặn.

Ở Hà Giang, hồi giữa thập niên 2000, sau khi thương lái Trung Quốc đặt mua gốc và thân cây chè cổ thụ có tên là San Tuyết, loại chè San Tuyết nổi tiếng một thời đã biến mất khỏi thị trường.

Bà Phan Thị Thu Hiền, làm việc tại Vụ Y học Cổ truyền, Bộ Y tế, thú nhận, tình trạng khai thác dược thảo theo kiểu “đào tận gốc, trốc tận rễ” là rất phổ biến, trong khi đó, các loại dược thảo cần một khoảng thời gian dài để trưởng thành và có thể thu hoạch nên nhiều nguồn dược thảo bị kiệt quệ. Bà Hiền nói thêm, nếu chỉ riêng Bộ Y tế thì không đủ sức ngăn chặn thương lái Trung Quốc tổ chức gom hàng khiến dân chúng đổ xô đi săn tìm, khai thác.

Cùng bàn về vấn đề này với tờ Khoa học và Đời sống, ông Vũ Văn Dũng, Hội Khoa học - Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, gọi các loại dược thảo của Việt Nam là một thứ “vàng xanh”. Tình trạng thương lái Trung Quốc tận thu khiến nguồn “vàng xanh” cạn kiệt là một vấn nạn lớn.

Tỉnh Bắc Kạn nói riêng và khu vực Tây Bắc Việt Nam vốn là một “vựa dược thảo” vừa lớn, vừa qúy. Nhiều năm qua, “vựa dược thảo” này trở thành nơi để thương lái Trung Quốc tổ chức nhiều đợt tận thu khiến nhiều loại dược thảo rơi vào tình trạng gần như tuyệt chủng nhưng chế độ Hà Nội hoàn toàn bất lực.


Người Việt