Hôm 4/7, trong ngày thứ hai tới thăm Seoul, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ lịch sử quân sự hung bạo của Nhật Bản đối với Trung Quốc và Hàn Quốc trong quá khứ.


Tập Cận Bình

Tuyên bố của ông Tập được đưa ra chỉ sau vài ngày Nhật Bản quyết định sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp và cho phép thi hành "phòng vệ tập thể". Theo đó, quân đội Nhật Bản sẽ được phép tham chiến, giúp đỡ các đồng minh trong trường hợp những quốc gia này bị tấn công. "Trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa quân phiệt tại Nhật Bản đã tiến hành những cuộc chiến tranh hung ác chống lại người dân Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm trọn Hàn Quốc và xâm chiếm một nửa lãnh thổ Trung Quốc", tờ Aljazeer dẫn lời ông Tập phát biểu tại Đại học Quốc gia Seoul vào sáng nay (4/7). Rõ ràng, việc "bới móc" lại những vấn đề quá khứ của Nhật Bản khi đi thăm Hàn Quốc là hành động rất có chủ ý của ông Tập Cận Bình. Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đang tồn tại việc tranh chấp đối với quần đảo Dokdo/Takeshima đồng thời Hàn Quốc cũng chưa hoàn toàn quên chuyện cũ của quân đội Nhật Bản. Trung Quốc đang bị cô lập trên trường quốc tế bởi những hành động hung hăng, coi thường luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Việc ông Chủ tịch Trung Quốc tới thăm Hàn Quốc trước khi tới Triều Tiên cũng đã khiến quốc gia cô lập phần nào cảm thấy "bị hắt hủi". Một trong những nội dung chính được ông Tập đưa ra bàn thảo trong chuyến thăm 2 ngày tới Seoul là chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đồng thời nhấn mạnh việc "giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên". Hiện nay, cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên đều đang vướng phải hàng loạt những tranh cãi chính trị và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Điển hình, mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã bị đẩy xuống mức rất thấp do chính phủ hai nước tranh cãi về sự thống trị của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 – 1945. Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng không ít lần dậy sóng liên quan tới cuộc chiến giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, hiện đang nằm dưới sự quản lý của Tokyo.

theo infonet