Tình hình Iraq: Chính phủ mất khả năng giành lại lãnh thổ?

Nhà Trắng lên tiếng phản đối việc lãnh đạo khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq kêu gọi trưng cầu dân ý về nền độc lập của khu vực này.


ảnh minh họa Mỹ phản đối người Kurd có kế hoạch ly khai khỏi Iraq
Lời kêu gọi của ông Massud Barzani – người đứng đầu khu tự trị của người Kurd ở Iraq diễn ra trong bối cảnh phiến quân người Sunni từ Nhóm Nhà nước Hồi giáo và khu vực Cận đông (ISIL) đang liên tiếp mở các cuộc tấn công sau khi chiếm giữ phần lớn khu vực phía bắc và vùng lãnh thổ phía tây nước này, đồng thời thành lập nhà nước mới lấy tên là Nhà nước Hồi giáo tại khu vực đánh chiếm được ở cả Iraq và Syria. Ông Barzani đã gởi lời kêu gọi tới nghị viện khu vực hôm 3/7 nhằm yêu cầu thành lập một ủy ban tổ chức trưng cầu dân ý về sự độc lập của khu vực, đồng thời lên kế hoạch ấn định ngày tiến hành cụ thể. Động thái này cho thấy sự hết kiên nhẫn của khu vực có dân số 5 triệu người này đối với Baghdad.
“Iraq đã thật sự bị chia năm xẻ bảy. Chẳng lẽ chúng tôi phải ngồi yên trong tình cảnh tồi tệ này của đất nước?” - ông Massoud Barzani đã tuyên bố thẳng thừng như thế với đài BBC.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng cách tốt nhất để Iraq đối đầu với mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo là thống nhất đất nước.
Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói: "Chúng tôi tin rằng Iraq sẽ hùng mạnh hơn nếu thống nhất... Đó là lý do vì sao Mỹ tiếp tục ủng hộ một nước Iraq dân chủ, đa nguyên và thống nhất. Chúng tôi một lần nữa hối thúc tất cả các bên ở Iraq tiếp tục cùng nỗ lực để tiến tới mục tiêu này."
Tướng Mỹ cảnh báo chính phủ Iraq mất khả năng giành lại lãnh thổ
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey khẳng định, lực lượng Iraq đang càng ngày mạnh hơn trong các hoạt động bảo vệ thủ đô, cũng như đang tìm cách đối phó với Nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông.
Tuy nhiên, lực lượng này không thể hành động đơn phương để tiến hành các chiến dịch nhằm chiếm lại khu vực đã bị nhóm phiến quân Sunni kiểm soát.
Phát biểu tại cuộc họp báo khi được hỏi liệu binh sỹ Iraq có thể tái chiếm các vùng lãnh thổ hay không, Tướng Dempsey nói: “Có thể không phải bằng khả năng của chính họ.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng cho biết, khoảng 200 cố vấn quân sự Mỹ đang ở Iraq để đánh giá tình hình. Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ gần đây rằng, Mỹ sẽ không tham gia vào các hoạt động chiến đấu đối phó với nhóm phiến quân tại Iraq.
Ông Hagel nói: “Trước tiên, là cần đảm bảo an toàn cho Đại sứ quán, nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Iraq. Tiếp theo là đánh giá tình hình Iraq và đưa ra các tư vấn cho lực lượng an ninh nước này. Đây là những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược chung của Tổng thống Mỹ tại Iraq.
Ông Hagel nói thêm: “Bằng việc tăng cường an ninh tại các Đại sứ quán Mỹ cũng như sân bay quốc tế Baghdad, chúng tôi đang giúp cho các nhà ngoại giao có không gian và thời gian để thực hiện các nỗ lực ngoại giao với các bên tại Iraq, với mục tiêu hướng tới một chính phủ đoàn kết quốc gia toàn diện mới”.
Saudi Arabia triển khai 30.000 quân tới biên giới Iraq
Trong một diễn biến khác, theo Reuters, Đài truyền hình nhà nước al-Arabiya ngày 3/7 đưa tin Saudi Arabia đã triển khai 30.000 binh lính tới khu vực biên giới chung với Iraq sau khi Baghdad rút quân đội khỏi khu vực này.
Kênh truyền hình vệ tinh có trụ sở ở Dubai nói trên khẳng định có đoạn băng ghi hình khoảng 2.500 binh sỹ Iraq ở khu vực sa mạc, phía Đông thành phố Karbala của Iraq sau khi họ rút khỏi các vị trí ở biên giới, qua đó bỏ ngỏ khu vực giáp với Saudi Arabia và Syria.
Trước đó ngày 1/7, Saudi Arabia đã cam kết viện trợ nhân đạo 500 triệu USD cho Iraq, được phân phối thông qua Liên hợp quốc tới những người cần trợ giúp bất chấp giáo phái hay sắc tộc của họ.

Các binh sĩ Saudi Arabia trong một cuộc diễu hành Hãng thông tấn nhà nước SPA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết Quốc vương Abdullah đã chỉ thị viện trợ khoản tiền trên cho Iraq.
Iraq có thể tìm hỗ trợ quân sự từ Iran
Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Hassan Abutorabi Fard ngày 2/7 tuyên bố Iran ủng hộ chủ quyền của Iraq.
Phát biểu với hãng tin IRNA, ông Fard cảnh báo về việc chia cắt Iraq, đồng thời cho rằng những kẻ ly khai bị chế độ phục quốc Do Thái giật dây.
Ông Fard kêu gọi nhân dân các dân tộc Iraq cần tăng cường đoàn kết chống lại âm mưu gây chia rẽ của các cường quốc hiếu chiến.
Đề cập đến tinh thần đoàn kết giữa các giáo phái khác nhau của Iraq, ông Fard cho rằng việc chia cắt Iraq thành các quốc gia riêng biệt là không thể được.
Trước đó, ngày 1/7, Đại sứ Iraq tại Mỹ Lukman Faily cho rằng đất nước ông đã phải dựa vào sự hỗ trợ quân sự của các nước khác để chiến đấu chống lại phong trào nổi dậy đang gia tăng bởi Baghdad không thể chờ sự viện trợ bổ sung từ Mỹ được nữa.
Phát biểu tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế ở Washington, Đại sứ Lukman Faily cho hay nhiều khả năng Iraq sẽ chấp nhận sự hỗ trợ thêm từ Iran để đối phó với mối đe dọa từ phía tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL). Trước đó, Iraq cũng đã chấp nhận sự hỗ trợ về không quân từ phía Nga.
Tuy nhiên, ông Faily cũng nhấn mạnh rằng Iraq đặc biệt cần Mỹ giúp đối phó với ISIL, nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni đã chiếm một khu vực lãnh thổ rộng lớn ở nước này. Ông đồng thời kêu gọi Mỹ tiến hành các cuộc không kích có mục tiêu nhằm vào ISIL.


theo baodatviet