Trung Quốc lại có thêm một vị quyền cao chức trọng bị rơi rụng trong cuộc "săn hổ và ruồi" của ông Tập Cận Bình.


Ông Tập Cận Bình tiếp tục “săn hổ và ruồi”

RFI tường thuật Le Figaro với giọng điệu mô phạm cho rằng "Tập Cận Bình đưa quân đội vào khuôn phép". Việc thanh trừng một vị quan chức cao cấp đánh dấu quyết tâm của Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội.

Theo Le Figaro, sự hạ bệ thượng tướng Từ Tài Hậu cho thấy Tập Cận Bình đang nắm lại quyền kiểm soát quân đội trong tay. Bởi vì từ trước tới nay, quân đội Trung Quốc giống như một Nhà nước trong một Nhà nước mà không một lãnh đạo tiền nhiệm nào thành công trong việc đưa lại vào khuôn phép.

Ông Từ Tài Hậu, năm rồi vẫn còn giữ chức Phó chủ tịch Quân ủy trung ương, một trong những cơ chế quan trọng nhất của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã bị khai trừ đảng và sẽ phải trả lời trước tòa án quân sự về các tội danh lạm dụng quyền hành để mua quan bán chức và tham ô.

Le Figaro cho rằng dịch tham nhũng và chuyện buôn bán quan chức trong quân đội Trung Quốc là rất phổ biến. Giới quân nhân bị ô uế bởi nhiều vụ tai tiếng như sở hữu xe hơi hạng sang, kinh doanh ngành địa ốc, căn cứ quân sự biến thành điểm du lịch…

Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình có tham vọng biến đội quân chân đất của Mao Trạch Đông thành một lực lượng có thể tham chiến trên mọi mặt trận: trên biển Thái Bình Dương, trên Internet và ngay cả trên không gian. Tuy nhiên tờ báo nhận thấy rằng cải cách quân đội không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Các sĩ quan cao cấp từ hai thập niên nay đều tìm cách chống đối lại mọi sự thay đổi. Đặng Tiểu Bình là lãnh đạo cuối cùng có thể xây dựng lại được quân đội. Như vậy, trong vụ việc lần này, Tập Cận Bình vừa chứng tỏ là ông sẵn sàng chặt bỏ những chiếc đầu nào không chơi cùng một ván cờ với mình.

Về điểm này, tờ Le Monde trong bài viết đề tựa "Tại Trung Quốc, quân đội bị sờ gáy trong chiến dịch chống tham nhũng" cũng đồng tình cho rằng, ông Tập Cận Bình đã phá vỡ các tiền lệ: "Không tấn công các vị quan chức cao cấp đã về hưu lẫn quân đội".

Nhà chính trị học Trương Minh (Zhang Minh) thuộc trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh giải thích với Le Monde là ông Tập Cận Bình "đang mở một bước đột phá. Nói một cách khác chiến dịch lần này sẽ không chừa một ai. Nguyên tắc ngầm trước đây là không tấn công vào những người đã về hưu cũng như giới quân nhân. Tất cả giờ đã vỡ tan tành".

Cũng theo Trương Minh, dù các chiến dịch này chỉ đụng chạm đến những người thuộc tiền triều, nhưng nhà chính trị học này không tin cuộc chiến đó đơn giản mang màu sắc thanh trừng nội bộ. Bởi vì ông Tập Cận Bình có tham vọng hành động trên toàn bộ hệ thống, dù không ai biết được cách làm này có hiệu quả hay không, nhưng chí ít ra những gì ông Tập muốn cho thấy.

Cũng theo báo Le Monde, chiến dịch đuổi hổ lần này cũng được giới theo xu hướng tự do tán đồng. Họ đánh giá cao hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng, được tiến hành dưới danh nghĩa cải cách theo kinh tế thị trường.

Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Philippe Beja nhận định đối với một bộ phận giới ủng hộ tự do, "Để tiến hành cải cách nhắm đến việc tự do hóa thị trường, cần phải có một người mạnh mẽ có khả năng đối kháng lại với những nhóm lợi ích và chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ không hề đùa chút nào".

theo bizlive