SAIGON -- Kinh tế Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc vì rất nhiều cán bộ, cơ quan đã bị mua chuộc, đút lót.

Báo Thanh Niên hôm 3-7-2014 có bản tin nói 'Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót.'


Báo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (TBKTSG) có bản tin tựa đề “Phụ thuộc Trung Quốc do lợi ích nhóm chi phối?”
Bản tin báo Thanh Niên kể rằng tại cuộc hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 3.7, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo hình thức EPC: 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng (bauxite), cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới…”

Ông cũng cho rằng, với các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia, lợi ích nhóm chi phối mạnh trong khi “Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót”. Theo chuyên gia này, việc để lợi ích nhóm chi phối trong các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng có “quá nhiều sơ hở không đáng có dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc”, do đó, cần công khai minh bạch hơn nữa và làm rõ trách nhiệm cá nhân. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cần sửa đổi, bổ sung luật Đấu thầu và các luật có liên quan (như về cho thuê rừng và đất rừng).

Bản tin cũng ghi lời Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng xác nhận tình trạng này. “Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam không có thị trường, hầu hết các dự án công nghiệp dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc”, ông Thụ nói. Theo ông này, từ năm 2003-2011, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC của 5/6 dự án hóa chất; 2/2 dự án chế biến khoáng sản; 49/62 dự án xi măng. Riêng nhiệt điện có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu.

“Nhưng các dự án do Trung Quốc làm thường chậm tiến độ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế. Nhà thầu Trung Quốc thường xuyên thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp do đó, giá hợp đồng bị đội lên”, ông Thụ cảnh báo.

Báo Thanh Niên cũng ghi lời nhận định từ Tập đoàn Dệt may (Vinatex) rằng, hiện nay ngành dệt may lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu (chiếm 86% tổng nhu cầu), đặc biệt là Trung Quốc (46%). “Tình trạng nút thắt cổ chai tại khâu dệt nhuộm trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam”, đại diện Vinatex nói.

Trong khi đó, tờ TBKTSG ghi lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Tại sao chúng ta giao quá nhiều dự án cho nhà thầu Trung Quốc như vậy. Có bao nhiêu lợi ích quốc gia, bao nhiêu lợi ích cho ai?”

Ông nói: “Trung Quốc là bậc thầy về mua chuộc, đút lót. Tình trạng kinh tế chúng ta phụ thuộc phải chăng là do lợi ích nhóm chi phối mạnh”.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã mua lại công ty CP của Thái Lan để trở thành nhà cung cấp thức ăn gia súc lớn nhất Việt Nam, hay trúng thầu hầu hết các dự án lớn của Đài Loan như Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Bản tin TBKTSG nói, nhà thầu Trung Quốc đem toàn bộ vật tư, phụ tùng, phụ kiện sang thi công dự án, kể cả các thiết bị có thể chế tạo tại Việt Nam; họ đem cả lao động phổ thông sang làm tại các công trình mà họ làm tổng thầu.

Chẳng hạn, Nhà máy Alumin Lâm Đồng gói thầu là 466 triệu đô la Mỹ, song nhà thầu phụ Việt Nam chỉ nhận được 170 tỉ đồng (chưa đến 8 triệu đô la Mỹ); nhà máy Alumin Nhân Cơ có giá trị hợp đồng là 499 triệu đô la Mỹ, giao cho thầu phụ Việt Nam chỉ 53 tỉ đồng (2,5 triệu đô la Mỹ).

VB