Con Ngựa Trong Thành ngữ, Tục Ngữ Việt Nam



Ngựa là con vật thứ bảy trong 12 con giáp. Từ thời xa xưa, ngựa đã là một trong những con vật gần gũi với đời sống của con người. Ngựa không chỉ được con người nuôi để lấy sức kéo trong sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa, mà còn là vật cưỡi của những tướng lĩnh, những chàng kỵ sĩ, những sĩ tử đỗ đạt cao khi vinh quy bái tổ. Chính vì sự quen thuộc ấy mà hình tượng con ngựa đã được nhân dân ta sử dụng nhiều trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ để so sánh hoặc ẩn dụ nói lên những đức tính tốt cũng như những thói hư tật xấu trong xã hội.



Mã Đáo Thành Công[

“Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau”: Câu này ý nói sự thành công, thành đạt của một sĩ tử sau kỳ vượt “vũ môn” và trên đường về quê để “vinh quy bái tổ”.

“Mồm chó, vó ngựa”: Câu này có ý nói về những người “ruột để ngoài da”, những người bạ đâu nói đó, những người không biết giữ miệng, nói không đúng lúc, không đúng chỗ và không đúng đối tượng.

“Như ngựa bất kham”: Câu này ý nói về những người hư hỏng, những người không biết vâng lời cha mẹ, khó giáo dục, khó dạy bảo.

“Thiếu voi phải dùng ngựa”: Ý nghĩa của câu này là chỉ những trường hợp bất đắc dĩ, vì không có cái tốt hơn nên phải dùng cái không tốt bằng vào việc đó. Câu này đồng nghĩa với câu: “Không có trâu bắt bò đi cày”.

“Mó dái ngựa”: Câu này ý nói những người dại dột, ngờ nghệch, ngớ ngẩn và thiếu thận trọng trong cuộc sống nên thất bại và đôi khi phải gánh tai họa vì sự thiếu hiểu biết của mình hoặc những người biết hậu quả không tốt nhưng vẫn cố tình làm.

“Ngựa hay có tật”: Câu này muốn nói những người có tài thường có những tật xấu và nó đồng nghĩa với câu “người có lắm tài cũng là người có nhiều tật”.

“Ngựa nào gác được hai yên”: Chỉ việc người ta không thể đồng thời phụng sự hai sự nghiệp lớn. Câu này tương đương với “Một gáo, hai chĩnh”.

“Ngựa non háu đá”: Câu này chỉ những người trẻ tuổi thường có tính cách hung hăng, vội vàng, hấp tấp, thiếu chín chắn và ắt sẽ dẫn đến thất bại. Câu này cũng đồng nghĩa với câu “Ong non ngứa nọc”.

“Ngựa quen đường cũ” hay “Ngựa quen dấu cũ”: Câu này muốn nói người ta không dễ dàng bỏ được một thói quen xấu. Câu này còn đồng nghĩa với câu: “Chứng nào tật nấy” hay “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.

“Ngựa xe như nước...”: Câu này dùng để chỉ việc có nhiều người qua lại tại một nơi vào một thời điểm nào đó.

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”: Chỉ việc những người giống nhau về tính cách, phẩm chất thường tập hợp lại với nhau, tìm đến với nhau và cũng có nghĩa là những người xấu thường hay tụ tập với nhau.

“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”: Câu này nói về tình đoàn kết giữa những người trong cùng một nhóm hay một cộng đồng có chung tình cảm hay lợi ích với nhau nên họ quan tâm đến nhau.

“Thẳng ruột ngựa”: Nói về việc không úp mở, thẳng thắn vào đề luôn, không vòng vo hay không nói bóng nói gió.

“Chạy như ngựa vía” hay “Chạy như ngựa”: Ý nghĩa của câu này nói chạy rất nhanh một cách vội vã, nhưng không rõ mục đích.

“Da ngựa bọc thây”: Câu này thời xưa dùng để nói về một người lính đã ngã xuống trên chiến trường (xác họ thường được bọc trong da ngựa thay cho quan tài). Còn ngày nay người ta dùng để chỉ sự sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao đẹp mà người đó đã chọn. Trong bài Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn có viết: Dẫu cho trăm thây này phơi ngoài nội cỏ, ngàn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng.

“Đầu trâu mặt ngựa”: Câu này dùng để chỉ những kẻ vô lại, kẻ đại bất lương, bất nhân và không còn tính người.

“Đơn thương, độc mã” - một ngựa với một cây thương: Câu này chỉ người một mình chống lại khó khăn, không có sự trợ giúp của bất kỳ ai.

“Đường dài hay sức ngựa”: Câu này ý nói cùng với thời gian, người ta có thể tạo lập cho mình những phẩm chất tốt, một đức tính hay, một sự kiên trì, bền bỉ phấn đấu. Câu này cũng đồng nghĩa với: “Đi lâu mới biết đường dài, ở lâu mới biết con người phải chăng” hay “Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết con người phải chăng”.

“Lên xe, xuống ngựa”: Câu này ý nói về một người có cuộc sống xa hoa, phú quý, đồng nghĩa với câu “Ra hán vào giày” hay “Chân giày, chân dép” hay “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”.

“Mặt dài như ngựa” hay “Mặt ngay cán tàn”: Nói về việc một người đứng lặng trước cấp trên khi bị bắt quả tang đang hoặc vừa làm một việc sai trái nào đó.

“Thay ngựa đổi chủ”: Câu ngày dùng để chỉ một người rời bỏ một phe phái để đi theo một phe phái khác. Tức là người đó không có bản lĩnh vững vàng, không thủy chung, không có chính kiến hoặc có lòng phản phúc.

“Được đầu voi đòi đầu ngựa”: Nói về người có lòng tham không đáy hay không biết dừng lại đúng mức. Câu này đồng nghĩa với câu: “Được voi đòi tiên”, “Được đàng chân lân đàng đầu” hay “Được con em thèm con chị” hoặc câu “Có thịt đòi xôi”...

“Một lời nói ra bốn ngựa khó tìm” - Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy: Câu này có nghĩa là một lời nói vô ý khi ra khỏi miệng rất khó có thể lấy lại được.

“Tái ông mất ngựa”: Có ý chỉ trong cái rủi có cái may. Câu này có nguồn gốc từ một câu chuyện kể về một người đánh mất con ngựa tưởng là vận hạn đến, nhưng sau một thời gian con ngựa trở về dắt thêm một con ngựa nữa.

“Cầm cương nảy mực” hay “Cầm cân nảy mực”, “Đứng mũi chịu sào”: Câu này chỉ người lãnh đạo gương mẫu và khôn ngoan, xử lý mọi việc một cách trung thực, chính xác, công bằng.

“Muốn đi xa phải giữ gìn sức ngựa”: Câu này dùng để khuyên người ta muốn trụ vững hay kéo dài một công việc gì thì cần phải biết dè xẻn sức lực cũng như tiền bạc.

Qua những câu tục ngữ, ca dao và thành ngữ trên đây cho thấy cha ông ta đã rất tài tình trong việc sử dụng ngôn ngữ, cũng như hình tượng con ngựa để phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống thường ngày. Điều này cũng cho chúng ta thấy rõ kho tàng văn học dân gian là tài sản vô giá của cha ông để lại và hậu thế mãi mãi về sau phải luôn luôn biết trân trọng, giữ gìn, phát huy, biến nó thành động lực phát triển đất nước.


(TƯỜNG MINH )