Úc tuyên bố sẽ ‘ cứng rắn’ với Trung Quốc để bảo vệ quốc gia!

Đó là quan điểm của nữ Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, cũng là tuyên bố rõ ràng nhất về cách Úc sẽ đối xử với TQ ngày càng hành xử ngang ngược đòi độc chiếm biển Đông.


Bà Bishop tự tin bắt tay ông Vương Nghị làm mặt nghiêm

Bà Bishop nói với báo Sydney Morning Herald ngày 10.7, rằng các đời chính phủ Úc trước phạm sai lầm khi tránh nói về "thành tích" vi phạm nhân quyền của TQ vì e ngại xúc phạm Bắc Kinh.
Bà nói: “TQ không bao giờ tôn trọng kẻ yếu”, đánh dấu việc Canberra “ngắt mạch” khỏi các chủ trương hòa hảo với TQ của các chính phủ trước, vì sự ngập ngừng của họ chỉ gây ra sự lẫn lộn, hoang mang cho người dân.
Chủ nhà trừng mắt tiếp khách
Bà Bishop cũng nói một kinh nghiệm ở Bắc Kinh hồi cuối năm ngoái, càng làm bà củng cố nhận định: thà nói thẳng còn hơn để bị hiểu lầm. Đó là sau khi triệu tập đại sứ TQ để phản đối việc TQ đơn phương tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bà thực hiện chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên. Ngay tại lễ đón bà Bishop, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị trừng mắt long sòng sọc nhìn bà ngay trước các ống kính. Nhà ngoại giao hàng đầu TQ còn bất lịch sự nói theo kiểu “quan trên chỉ đạo”, rằng TQ “rất không hài lòng” việc Úc công khai chỉ trích quyết định lập ADIZ, dọa rằng kiểu phản đối ấy “sẽ làm hỏng sự tin cậy lẫn nhau và tác động xấu đến quan hệ song phương. Đó là điều chúng tôi không muốn thấy”. TQ lúc ấy dọa sẽ sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ ADIZ, nhưng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không sợ, tiếp tục cho máy bay quân sự bay ngang ADIZ mà chẳng cần “xin phép” TQ.

Máy bay quân sự Nhật vẫn tuần tra quần đảo Sensaku, bất chấp TQ tuyên bố ADIZ
Lời “quan” Vương trước nhiều nhà báo khi đón bà Bishop, bị cho là bất lịch sự, tại cuộc ra mắt vốn thường chỉ là những lời chào xã giao, nói đùa vài câu để tạo đà dễ nói chuyện hơn trong cuộc họp chính thức hôm sau.
Bà Bishop nói tiếp: “ADIZ đụng chạm quyền lợi quốc gia chúng ta, vì chẳng hạn hãng hàng không quốc gia Qantas của chúng ta đột ngột phải báo cáo với Bắc Kinh, dù máy bay của hãng không bay gần đó. Tự do hàng không và tự do hàng hải ở vùng ấy là điều quan trọng với chúng ta, vì đó là nơi đa phần các giao dịch thương mại của chúng ta được thực hiện. Vì thế tôi cho rằng chúng ta phải làm rõ là chúng ta có thể xem một hành động đơn phương là hành động trả đũa, và có thể xem đó là sự tác động xấu đến lợi ích quốc gia của chúng ta”. Bà Bishop nhấn mạnh: những ai cho rằng Úc phải chọn lựa giữa việc liên minh an ninh quốc gia với việc dấn thân quan hệ kinh tế với TQ đều “hoàn toàn sai”, và bà lưu ý kinh tế Úc không hề bị ảnh hưởng từ tuyên bố thẳng thắn của bà. Bà cũng có tuyên bố rõ ràng nhất từ trước đến nay, rằng việc Bắc Kinh dùng quân sự để tranh đoạt chủ quyền biển khiến Úc phải thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ cùng các nước khác, nhất là với Nhật Bản. Bà Bishop nói: “Chúng tôi biết điều có ích nhất là dấn sâu quan hệ hợp tác với TQ. Nhưng chúng ta cũng phải mở to mắt cảnh giác điều gì có thể gây ra sai lầm. Nên bạn phải hy vọng điều tốt nhất, đồng thời phải kiểm soát được sự xấu nhất”. Theo báo Sydney Morning Herald, các chính phủ Úc trước đều lúng túng không biết nói năng thế nào về TQ. Các vị Thủ tướng cùng Ngoại trưởng Úc thường lặng lẽ tránh nêu những điều quan ngại về Bắc Kinh, với hy vọng các “trục trặc” đều có thể được hai bên giải quyết sau căn phòng đóng kín.
"Nói là làm" để bảo vệ quyền lợi quốc gia
Nhưng bà Bishop nói Chính phủ Úc bây giờ đã quyết hành động mạnh mẽ hơn, theo cách “nói là làm”. Bà khẳng định chủ trương đối ngoại của liên minh cầm quyền là bảo vệ uy tín của một nền kinh tế mở cửa hướng về xuất khẩu: “Nên tất cả những điều chúng ta nói và làm đều hỗ trợ các giá trị chúng ta có từ mặt trận kinh tế, và các giá trị dân chủ tự do công khai, tuân thủ pháp luật, bảo vệ tự do và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Vì thế, khi điều gì đó tác động đến quyền lợi quốc gia, thì chúng ta phải bảo vệ quyền lợi ấy bằng mọi giá”. Bà Bishop cũng khẳng định Mỹ vẫn là một thế lực nổi trội của thế giới, vào lúc nhiều nhà bình luận bắt đầu tranh luận về uy tín của quyền lực Mỹ: “Đó là một cuộc tranh luận mà Mỹ sẽ phải tổ chức để biết về vai trò của họ trên thế giới. Mỹ hiện là siêu cường duy nhất có khả năng quân sự để hoạt động trên toàn thế giới, và Mỹ phải quyết định họ có tiếp tục duy trì vai trò này hay không. Tôi tin họ phải tiếp tục và sẽ tiếp tục”. Bà Bishop còn nhắc việc ngày 9.7, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã đồng ý với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, về việc lập một quan hệ đặc biệt chú trọng phòng thủ chiến lược, cùng các thỏa thuận chia sẻ công nghệ quân sự mới giữa Úc và Nhật. Bà lưu ý đó là một cuộc nói chuyện ấm cúng, cùng việc ông Abe có một bài diễn văn “rất riêng, rất trượng phu, tích cực” bằng tiếng Anh, dù ông Abe không nói thạo ngôn ngữ này. Trong khi đó, ông Abbott nhấn mạnh: việc Úc lập quan hệ thân cận hơn với Nhật sẽ không ảnh hưởng xấu đến quan hệ Úc-TQ. Nhưng quan điểm Úc sẽ cứng rắn hơn cũng được thể hiện hồi tháng 6, khi Úc ủng hộ lời buộc tội của Mỹ: TQ có những hành vi gây bất ổn trên biển Đông khi đòi độc chiếm tuyến đường hàng hải-thương mại quan trọng của thế giới này.


theo motthegioi