Sau nhiều năm nữa kể từ bây giờ, khi mà chính sách “xoay trục” hay "tái cân bằng" (vốn bị rất nhiều lời chỉ trích) của Tổng thống Mỹ Barack Obama được viết thành sử.


Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì

Ông có lẽ chịu một món nợ về lòng biết ơn đối với một “đồng minh miễn cưỡng": Tập Cận Bình.Đó là nhận xét của ông William Pesek, người phụ trách chuyên mục Bloomberg View có trụ sở tại Tokyo, chuyên gia phân tích về kinh tế, thị trường và chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Pesek từng lấy bằng cử nhân báo chí kinh doanh tại Đại học Bernard M. Baruch, New York (Mỹ).
Theo ông Pesek, tất nhiên là Chủ tịch Trung Quốc kịch liệt phản đối việc Mỹ tái cân bằng về châu Á. Các lãnh đạo tại Bắc Kinh cho rằng Tổng thống Mỹ nên tập trung giải quyết vấn đề trong nước của mình và để lại khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của thế giới cho Trung Quốc thống trị. Nhưng những nỗ lực mang tính “vụng về” này của ông Tập nhằm khẳng định vị thế của Trung Quốc ở châu Á chính xác lại đang phản tác dụng.

Cách hành xử hung hăng của Trung Quốc về yêu sách chủ quyền đang đẩy Việt Nam ra xa Bắc Kinh và dẫn đến việc Philippines hoan nghênh sự trở lại khu vực của quân đội Mỹ.

Thậm chí tại Seoul tuần trước, ông Tập đã tìm cách gây thiện cảm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bằng cách nêu bật sự cảnh giác chung về những động thái gần đây của Nhật Bản, nhưng những nỗ lực này của ông có vẻ đã thất bại thảm hại. Mặc dù, bà Park có thể không ưa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhưng Hàn Quốc vẫn là ngôi nhà của hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ. Seoul sẽ không đứng về phía Trung Quốc để đối lập với Washington.

Như vậy, lối hành xử ức hiếp của Bắc Kinh trong khu vực đang tạo cho ông Obama một cơ hội thứ 2. Vấn đề đặt ra là: Tổng thống Obama sẽ tận dụng nó thế nào?

Hãy đối mặt với sự thật, chính sách "xoay trục" của ông Obama đã bị suy giảm tới mức thấp nhất. Mỹ đã nói quá nhiều về việc tái cân bằng tới châu Á nhưng lại thể hiện nó quá ít. Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở phía bắc Australia cũng như Philippines và cam kết sẽ hỗ trợ quân sự cho Nhật Bản trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột với Trung Quốc liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, những gì vẫn còn thiếu ở đây là một kế hoạch rõ ràng và độc lập về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực vốn đang thay đổi với tốc độ chóng mặt.

Những gì mà các đồng minh trong khu vực thực sự muốn thấy từ Mỹ là các cam kết đối với sự tăng trưởng và phát triển lâu dài của châu Á. Điều đó có nghĩa rằng Mỹ phải dành nhiều nguồn lực hơn cho châu Á. Nếu ông Obama có một bài phát biểu về châu Á, nó phải là một chính sách lớn và chi tiết. Tổng thống Mỹ cũng cần phải thực hiện các chuyến công du tới khu vực nhiều hơn nữa so với số lần ông đã hủy bỏ.

Quan trọng nhất, ông Obama cần phải tìm cách để sớm ký kết những thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), giúp Mỹ ràng buộc với các nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất trên thế giới. Điều đó cũng sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến các quốc gia châu Á, vốn lo sợ sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc nhưng không muốn bị lôi kéo vào một sự cạnh tranh giữa các siêu cường.

Lịch sử sẽ đánh giá không hay về nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama nếu ông không hành động tích cực để tạo ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.

Hôm nay, Trung Quốc (và Ấn Độ) đang khiến Mỹ thay đổi cách thức đầu tư và suy nghĩ về thế giới. Ngày mai tất cả những tính toán về kinh tế, địa chính trị, môi trường, quân sự sẽ hướng về châu Á. Trong bối cảnh những thay đổi mang tính kỷ nguyên như vậy, Mỹ không thể là một “cầu thủ dự bị”. Trung Quốc đã tạo ra một cơ hội khác để Mỹ tham gia vào cuộc chơi và ông Obama nên nắm bắt nó.


theo tintuc