Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật quốc tế để giảm căng thẳng trên biển trong khi một phụ tá của ông đề nghị ngừng mọi xây dựng ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông.



Chiếc tàu đánh cá DNA 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm được kéo về thành phố trưng bày cho công chúng coi. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Trong cuộc họp kín với ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) viên chức cấp cao ngoại giao của Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Trung Quốc hậu thuẫn cho việc ra đời một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông mà các nước ASEAN đang muốn xây dựng. Đồng thời ông Kerry chống hành động đơn phương (của Trung Quốc) ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông, theo lời một viên chức Mỹ thuật lại với báo chí nhưng yêu cầu giấu tên.

“Ngoại trưởng (Kerry) nhấn mạnh đây không phải là tình thế mà các nước nên hoặc có thể được cho phép hành động đơn phương để đạt mục đích chủ quyền lãnh thổ hay lợi ích.” Viên chức Bộ Ngoại Giao nói như vậy khi ám chỉ việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu Tháng 5 vừa qua, và trước đó, chiếm giữ khu vực bãi đá ngầm Scarborough Shoal mà Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền.
Theo lời thuật lại, ngoại trưởng Kerry nói với ông Dương Khiết Trì là những cố gắng đẻ ra “hiện trạng mới” gây tổn hại cho sự hài hòa ổn định của khu vực là “không chấp nhận được.”
Ngoài giàn khoan mang tới vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam phía nam quần đảo Hoàng Sa, các hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành hút cát dưới lòng biển để biến một số bãi đá ngầm thành các đảo nhân tại tại khu vực quần đảo Trường Sa. Trong số các nước tuyên bố chủ quyền khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chỉ cướp được 7 bãi đá ngầm từ năm 1988. Họ đã xây dựng các pháo đài kiên cố ở những chỗ đó nay thì muốn biến chúng thành các đảo nổi.
Song song với các cuộc thảo luận của ngoại trưởng Kerry ở Bắc Kinh thì ngay tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, phó phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Vụ, phát biểu rằng các nước tranh chấp ở Biển Đông nên dừng các hoạt động xây dựng mới hầu làm giảm bớt căng thẳng.
Ông Michael Fuchs, Phó phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đề nghị như vừa kể trong cuộc hội thảo về tranh chấp Biển Đông do Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tổ chức. Theo ông, nhờ đó mà giảm nguy cơ xung đột hiện đang gia tăng tại vùng Biển Đông có nhiều tài nguyên.
Ông tỏ ý quan tâm rất lớn về “tình hình ngày càng mong manh” khi mà Trung Quốc và các nước nhỏ phía nam đấu tranh kiểm soát một số đảo nhỏ và các bãi đá ngầm. Tuy không nói rõ nước nào gây ra sự căng thẳng nhưng ông Fuchs nêu ra một chuỗi những hành động của Trung Quốc mà ông gọi là “khiêu khích.”
Ông đề nghị các bên nên tự nguyện dừng hết các hoạt động xây dựng cơ sở, công sự ở các vùng tranh chấp, một trong những nguyên nhân gia tăng căng thẳng. Gần đây, Phi Luật Tân đưa ra các hình ảnh tố cáo Trung quốc hút cát làm đảo nhân tạo ở Trường Sa và nói đã phản đối chính thức với Bắc Kinh. Sự căng thẳng an ninh ở khu vực Biển Đông vọt lên cao độ khi Bắc Kinh đưa giàm khoan khổng lồ xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dẫn đến sự đối đầu ngày đêm liên tục giữa lực lượng bán quân sự của hai nước từ đầu Tháng 5 đến nay.
Giữa tháng 6 vừa qua, Phi Luật Tân đưa ra lời kêu gọi khu vực nên tạm dừng xây dựng khi Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc xây trường học cho trẻ con lính và viên chức đồn trú trên đảo Phú Lâm. Việt Nam luôn luôn tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.
Theo ông Fuchs, nếu các hoạt động xây dựng dừng lại, nó có thể dẫn đến giảm căng thẳng và mở đường cho các đàm phán về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông vốn đã bị trì hoãn suốt nhiều năm qua chỉ vì thái độ bất hợp tác của Bắc Kinh.
Thêm nữa, Bắc Kinh vẫn đả kích Hoa Kỳ và đòi hỏi Hoa Thịnh Đốn không được xía vào các vụ tranh chấp ở khu vực. Theo hãng thông tấn AP, Hoa Kỳ có kế hoạch cung cấp ngân khoản $156 triệu USD trong 2 năm giúp cho một số nước ASEAN cơ hội xây dựng lực lượng bảo vệ biển đảo.

Người Việt(TN)