Hôm 01/7, Nội các Nhật Bản do Thủ tướng S.Abe đứng đầu đã thông qua Nghị quyết về quyền "phòng vệ tập thể".


ảnh minh họa Diễn biến mới nhất
Nghị quyết về quyền "phòng vệ tập thể" cho phép diễn giải theo cách mới Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản (cấm thành lập Lực lượng vũ trang riêng của Nhật Bản cùng nhiều hạn chế khác).
Tinh thần của Nghị quyết là cho phép sử dụng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở ngoài biên giới quốc gia để bảo vệ đồng minh trong trường hợp đồng minh bị kẻ thù chung (cả đối với Nhật) tấn công. Ví dụ, Tokyo có thể hỗ trợ Washington trong trường hợp Mỹ bị Bắc Triều Tiên tấn công.
Để có hiệu lực, Nghị quyết còn cần phải được Quốc hội phê chuẩn. Nhưng hiện nay Đảng dân chủ tự do cầm quyền của Thủ tướng S.Abe và đảng liên minh trong Quốc hội đang chiếm đa số nên chắc chắn việc thông qua sẽ không gặp trở ngại gì.
Một số thông tin liên quan
1. Từ năm 1947, Hiến pháp Nhật cấm nước này tham gia vào các cuộc xung đột quân sự và cấm thành lập quân đội riêng. Tuy nhiên, vì Nhật Bản là một thành viên Liên Hợp Quốc nên có quyền tự vệ. Chính vì thế mà đến năm 1954, Nhật Bản đã tái thành lập một lực lượng quân sự hạn chế dưới dạng Lực lượng phòng vệ.
Tuy tên gọi có vẻ hiền lành nhưng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên thực tế có một tiềm lực rất mạnh. Theo đáng giá của Viện bảo vệ hòa bình Stockholm thì Nhật Bản đứng thứ năm trên thế giới về ngân sách quân sự - 59 tỷ đô la. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có tới 769 máy bay chiến đấu và Hải quân Nhật Bản hiện đang mạnh nhất trong khu vực.
2. Theo quan điểm của Tạp chí Phân tích chính trị - quân sự Mỹ Global Security.org thì khu vực mà các Lực lượng quân sự Nhật bản có thể được sử dụng sẽ là không gian khu vực Đông Á.
3. Nghị quyết trên của Nội các Nhật Bản làm Trung Quốc đặc biệt quan ngại. Nước này đã từng có phản ứng rất tiêu cực trước những thay đổi trong Học thuyết quốc phòng Nhật Bản và chỉ vài giờ sau khi Nghị quyết nói trên được Nội các Nhật Bản thông qua thì đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố:
“Trung Quốc phản đối kế hoạch của Nhật Bản nhằm thực hiện các chính sách của mình với các cớ ngụy tạo là để đối phó với mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc”.
Quan điểm của các chuyên gia Nga
V.Kistanov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Viễn đông Viện Hàn lâm khoa học Nga.
Bằng cách diễn giải lại điều 9 Hiến pháp, Thủ tướng S.Abe đã có bước đi phải nói là rất khôn khéo. Để hiểu rõ hơn, chỉ cần biết rằng việc điều chỉnh hoặc sửa đổi Hiến pháp Nhật là rất khó khăn: cần phải có 2/3 tổng số đại biểu của cả hai viện Quốc hội ủng hộ.
Đảng cầm quyền hiện nay chưa có được đa số như vậy, ngoài ra, lực lượng chống S.Abe đưa quân ra nước ngoài hiện đang mạnh. S.Abe chọn con đường vòng nhưng hiệu quả – thay đổi cách diễn giải Hiến pháp.
S.Abe cho rằng cần phải nâng cao vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế và nước Nhật cần phải có đủ khả năng bảo vệ những lợi ích của mình.
Ngoài ra, S.Abe còn cho rằng những cáo buộc tội ác chiến tranh của Nhật trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai là không công bằng. Thủ tướng S.Abe hiện đang tìm cách xem xét lại lời xin lỗi thủ tướng Nhật T.Muraiama năm 1995 về những đau thương và tổn thất mà nước này gây ra trong chiến tranh.
Theo S.Abe, Nhật Bản cần phải có một Quân đội quốc gia đầy đủ và ông đang kiên quyết và nhất quán thực hiện mục tiêu này. Tháng 12/2013 Nhật Bản đã thông qua “Các phương hướng cơ bản mới trong chính sách quốc phòng” – về bản chất, đây thực sự là học thuyết quân sự (tuy Nhật Bản không chính thức gọi đó là học thuyết quân sự).
Điểm nhấn trong văn kiện này là nâng cao vai trò của Lực lượng phòng vệ trong hiện thực hóa các lợi ích chính trị đối ngoại. Cũng trong tháng 12/2013, Nhật Bản cũng đã xem xét lại chương trình trung hạn phát triển Lực lượng phòng vệ nước này giai đoạn 2014-2018.
Đầu năm 2014, S.Abe chấm dứt hiệu lực của các cam kết hạn chế xuất khẩu vũ khí và hiện nay Nhật Bản đã trở thành một nước xuất khẩu vũ khí đầy đủ - cần nhớ rằng Nhật Bản có tiềm lực công nghiệp quốc phòng rất mạnh.
Và cuối cùng, S.Abe đã thành lập Hội đồng an ninh quốc gia – theo mô hình Mỹ. Hiện nay Hội đồng này có trách nhiệm đề ra và thống nhất kiểm soát việc thực hiện toàn bộ chiến lược chính trị đối ngoại của Nhật Bản (trước đây chức năng này do các Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các Bộ Tài chính và Công nghiệp chia nhau đảm nhiệm).
Nguyên nhân khiến S.Abe phải xây dựng chính sách quân sự độc lập là do sự gia tăng căng thẳng ở Châu Á- Thái Bình Dương. Trước hết, đó là sức mạnh quân sự ngày càng lên của Trung Quốc và nước này không minh bạch trong ngân sách quốc phòng - tiếp đó là chương trình tên lửa- hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tất nhiên, Thủ tướng S.Abe hiểu rằng trong thời điểm hiện tại Nhật Bản chưa thể trở thành cường quốc hạt nhân độc lập và vì thế không thể từ bỏ ô bảo vệ hạt nhân của Mỹ cho nên trong “Chiến lược an ninh quốc gia” của Nhật Bản có điều khoản ghi rõ là Mỹ vẫn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Nhưng bây giờ người Nhật đã sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với Mỹ. Từ trước đến nay, Hiệp ước an ninh song phương Nhật- Mỹ quy định là Nhật sẽ phối hợp với các Lực lượng vũ trang Mỹ chỉ trong trường hợp có mối đe dọa tấn công Nhật Bản. Cách giải thích mới Hiến pháp như trên cho phép Nhật Bản có thể tham gia vào các chiến dịch quân sự chung với Mỹ ở các khu vực khác trên thế giới.
Còn về những ảnh hưởng của xu hướng quân sự hóa Nhật bản đối với Nga, V.Kistinov cho rằng Mỹ muốn thành lập một NATO Phương Đông trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và quyết định mới của Nhật Bản là một tin không lành đối với Nga – Vùng Viễn Đông của Nga sẽ là một phần của khu vực mà Nhật Bản sẽ tăng cường sức mạnh quân sự.
Cũng theo V.Kistinov thì còn một yếu tố rất quan trọng nữa ảnh hưởng tới Nga. Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ và dự định tăng cường sự phối hợp trong lĩnh vực MD và đây mới là tín hiệu đáng lo nhất đối với Nga .
Cách đây không lâu, vào tháng 11/2013 lần đầu tiên hai nước Nga- Nhật đã tổ chức cuộc gặp hai bên theo công thức 2+2 ( Mỗi bên có Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng tham dự). Tại cuộc gặp này, phía Nga đã lần đầu tiên chính thức tuyên bố về quan ngại của mình liên quan đến chương trình NMD của Nhật Bản.
Tại Châu Âu, Mỹ đã triển khai các thành phần của hệ thống MD bất chấp sự phản đối của Nga . Nếu một hệ thống như vậy nữa được triển khai ở Viễn Đông, Mỹ sẽ thành lập được một hệ thống kiềm chế Nga và tiềm lực kiềm chế hạt nhân của Nga.
Nga bố trí các tàu mang tên lửa hạt nhân trên biển Okhot và nếu trên lãnh thổ Nhật Bản một hệ thống MD Mỹ được triển khai thì hệ thống này sẽ bắn hạ các tên lửa đạn đạo của Nga nhằm vào lãnh thổ Mỹ ngay khi các tên lửa mới được phóng lên . Đây là một mối đe dọa rất nguy hiểm đối với Nga.
Hiến pháp Nhật bản là bản hiến pháp người Mỹ áp đặt cho người Nhật với rất nhiều những điều khoản hạn chế Nhật Bản. Bằng bản Hiến pháp này, nước Nhật đã trở thành một phần không tách rời trong chiến lược quân sự- chính trị của Mỹ và đã trở thành vệ tinh của Mỹ.
Người Nhật cảm nhận rất rõ điều đó. Hoặc ít nhất là giới lãnh đạo quân sự Nhật – tôi đã từng gặp các tướng Nhật phụ trách đảm bảo an ninh quốc gia và hiểu rõ điều đó. Ở đâu đó, dù âm thầm nhưng người Nhật vẫn muốn có sự độc lập trong các vấn đề quân sự.
Mặt khác, tình hình tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương thực sự đang ngày càng nóng lên và người Nhật muốn có phương tiện bảo vệ mình trước tiềm lực quân sự đang lên của Trung Quốc. Và cuối cùng, Mỹ cũng muốn Nhật Bản mạnh để làm đối trọng với sức mạnh quân sự Trung Quốc và trở thành đối thủ cạnh tranh chủ yếu để kiềm chế nước này.
Còn nước Nga? Trong trường hợp này, Nga cần phải thiết lập một hệ thống các cán cân cân bằng tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Nga sẽ không có lợi nếu Quân đội Trung Quốc có ưu thế tuyệt đối – một viễn cảnh như vậy dứt khoát sẽ làm tăng các tham vọng tấn công của Trung Quốc. Nga cần phải hành động trong tam giác Nga – Nhật- Ấn Độ để tạo thành một lực lượng đối trọng với Trung Quốc.
Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải làm việc (hợp tác) với chính Trung Quốc. Chiến lược này (hợp tác với Trung Quốc) cần phải rất linh hoạt. Người Trung Quốc cần phải biết rằng Nga sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ với Nhật Bản, sẽ tiếp tục hợp tác quân sự với Ấn Độ và Việt Nam. Điều đó sẽ góp phần kiềm chế những tham vọng của Trung Quốc đối với Nga.
Chúng ta cần phải có mối quan hệ đa chiều tại khu vực. Chính vì thế mà căng thẳng quá với Nhật Bản là không có lợi, và để cho Trung Quốc chiếm ưu thế lại càng là điều không mong muốn.


theo datviet.