TQ đang cung cấp hàng triệu bản đồ phi pháp mới phát hành cho quân đội. Tấm bản đồ mới cập nhật này bao gồm cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.


Quân khu Lan Châu nhận hơn 15 triệu tấm bản đồ cho binh sĩ.

TTXVN trích nguồn từ hãng PTI và các báo trực tuyến của Ấn Độ tối 18/7 đưa tin, Trung Quốc đang phân phát hàng triệu tấm bản đồ mới cập nhật gây tranh cãi, trong đó có cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, cho binh sĩ.
Tin cho biết, tất cả các đơn vị quân đội chủ chốt của Trung Quốc sẽ được nhận bản đồ mới. Quân khu Lan Châu, 1 trong 7 quân khu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đã “cập nhật” hơn 15 triệu tấm bản đồ cho binh sĩ.
Mặc dù phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc không đưa tin về tấm bản đồ mới đã được phân phát cho quân đội, song được biết bản đồ mà Trung Quốc vừa xuất bản bao gồm khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ, cũng như các khu vực tranh chấp với các nước láng giềng của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Vương Hoa Thịnh, người đứng đầu lữ đoàn phòng không thuộc Quân khu Lan Châu, cho biết bản đồ mới sẽ giúp binh sĩ không mất quá nhiều thời gian lên kế hoạch hành động, tăng độ chính xác các cuộc tấn công. Theo quan chức đứng đầu Trung tâm khảo sát thông tin của Quân khu Lan Châu Vương Hiểu Minh, việc in các tấm bản đồ bắt đầu từ năm 2013.
Tháng trước, Ấn Độ đã phản ứng mạnh mẽ khi bản đồ mới của Trung Quốc mô tả bang Arunachal Pradesh như một khu vực ở Nam Tây Tạng.
"Các mô tả trên bản đồ không thể thay đổi thực tế trên thực địa", NDTV dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói "Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ. Vấn đề này đã được Ấn Độ truyền tải nhiều lần tới Trung Quốc, bao gồm cả cấp cao nhất".
Ấn Độ vốn cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ đòi hỏi chủ quyền nào của Trung Quốc. Theo tạp chí The Diplomat, tân Thủ tướng Narendra Modi, nhà lãnh đạo có tư tưởng dân tộc có thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chắc chắn sẽ không thể chấp nhận việc Trung Quốc ngang nhiên đưa bang Arunachal Pradesh vào bản đồ mới của nước này.
Bất chấp hai bên cố gắng cải thiện quan hệ thông qua hợp tác kinh tế và đầu tư, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục xung đột về chủ quyền lãnh thổ và là những đối thủ lớn của nhau.
Tờ The Times of India (Ấn Độ) đưa tin, phản ứng về bản đồ mới của Trung Quốc, thủ hiến bang Arunachal Pradesh, ông Nabam Tuki, đã lên án Trung Quốc đang có mưu đồ bành trướng lãnh thổ. Ông Tuki kiến nghị chính phủ của Thủ tướng Modi lập kênh phản đối Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh đàm phán để tìm giải pháp.
Kể từ cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi năm 1962, quan hệ Trung-Ấn chưa bao giờ lặng sóng gió. Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với khoảng 90.000km2 ở khu vực bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, còn New Delhi cáo buộc Bắc Kinh chiếm 38.000km2 lãnh thổ trên cao nguyên Himalaya.
Quan hệ giữa hai cường quốc mới nổi luôn căng thẳng với những vụ đột nhập, va chạm dọc biên giới và hàng loạt cuộc đàm phán đổ vỡ. Trung Quốc vẫn thường lên tiếng phản đối mỗi khi quan chức Ấn Độ từ New Delhi công cán tới Arunachal Pradesh.
Không chỉ với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, Trung Quốc phát hành bản đồ khổ dọc trong đó cho thấy rõ ngoài phần lục địa của Trung Quốc, phạm vi mà nước này gọi là "chủ quyền" của mình còn mở rộng ra khắp Biển Đông, kéo dài đến tận bờ biển của Malaysia và Philippines theo hình lưỡi bò, ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tấm bản đồ mới của Trung Quốc đã được đem in hàng loạt Tân Hoa xã đưa tin hai bản đồ “Địa hình Trung Quốc” và “Bản đồ Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” khổ dọc, do Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam vẽ, đã được Cục thông tin địa lý đo lường quốc gia Trung Quốc phê chuẩn và chính thức xuất bản phát hành.
Đây là bản đồ đầu tiên của Trung Quốc thể hiện vùng biển đảo theo tỷ lệ tương đương với các khu vực đại lục, thay vì thể hiện thành một ô vuông góc phía dưới bên phải trên bản đồ ngang như trước đây.
Trước hiện thực trên, Việt Nam và Philippines đã cực lực phản đối Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định việc phát hành tấm bản đồ này, trong đó bao gồm "đường lưỡi bò" khoanh hầu như toàn bộ Biển Đông về Trung Quốc là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đồng thời tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


theo baodatviet