.

Bánh truyền thống của Trung Quốc
bị "cấm cửa" ở 20 nước


Hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm nhập khẩu bánh Zongzi – một loại bánh truyền thống của Trung Quốc vì lo ngại các bệnh truyền nhiễm.

Cục kiểm định xuất nhập cảnh và kiểm dịch Bắc Kinh còn biết thêm, vì một số bánh truyền thống Zongzi của Trung Quốc nhân thịt, hay còn được gọi là bánh bao gạo, có nguy cơ mang virus như cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng. Vì vậy, nhiều nước và vùng lãnh thổ bao gồm cả Đức và Pháp đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu bất kỳ loại bánh Zongzi nào của Trung Quốc.



Nhiều quốc gia tẩy chay món bánh truyền thống của Trung Quốc
vì nghi mang bệnh truyền nhiễm.

Sáu quốc gia, bao gồm Australia, New Zealand và Anh đã cấm nhập khẩu bánh Zongzi nhân thịt hoặc lòng đỏ trứng gà, Cục quản lí cho biết.

Văn phòng Công an thành phố Bắc Kinh cũng cho hay, gần đây khoảng 23 quốc gia và khu vực, trong đó có Đức, Pháp, Mỹ và Đài Loan của Trung Quốc đã cấm hoặc hạn chế nhập khẩu bánh Zongzi, một loại bánh bọc bột gạo, động thái này được thực hiện nhằm ngăn chặn rủi ro dịch bệnh lan tràn.

Zongzi là một loại bánh truyền thống của Trung Quốc phục vụ trong lễ hội Duanwu, hoặc Lễ hội Thuyền Rồng, thường được tổ chức vào ngày thứ năm của tháng thứ năm âm lịch hàng năm tại Trung Quốc.

Trong khi đó, để giảm thiểu dịch lây nhiễm vi khuẩn, Trung Quốc cũng đã áp đặt các quy định về việc nhập khẩu bánh truyền thống Zongzi.
Thứ Sáu, 06/06/2014
Theo Linh Nguyễn (VietQ.vn)

Doanh nghiệp châu Âu bắt đầu ngán Trung Quốc

Nhiều công ty cho biết họ thường bị phân biệt đối xử khi đấu thầu cung cấp sản phẩm cho Chính phủ, hoặc phải nhượng bộ về sở hữu trí tuệ để được tham gia một số lĩnh vực.

Trong báo cáo ra hồi đầu tháng, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc cho biết các công ty châu Âu đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh kém hấp dẫn, do lợi nhuận đi xuống và Chính phủ ưu tiên doanh nghiệp địa phương. Hơn một nửa doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát cho biết "kỷ nguyên vàng" tại Trung Quốc đã qua.

Các công ty thành viên của EuroCham đã mất 21,3 tỷ euro (29 tỷ USD) doanh thu năm 2013 do các rào cản chính sách khi gia nhập thị trường Trung Quốc. "Các công ty đa quốc gia bắt đầu bi quan về tương lai và băn khoăn liệu thời kỳ tốt nhất đã chấm dứt hay chưa", báo cáo cho biết.



Ngày càng nhiều công ty châu Âu gặp khó khi kinh doanh tại Trung Quốc.
Ảnh:Reuters

Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc thông báo các kế hoạch cải tổ đầy tham vọng. Trong đó, nước này sẽ chuyển dịch nền kinh tế sang tăng trưởng cân bằng, chậm và bền vững hơn.

Tuy nhiên, tăng trưởng dự tính của các công ty châu Âu lại đang ở mức thấp nhất kể từ đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính. Dù lạc quan về chính sách do Chính phủ Trung Quốc cam kết giảm can thiệp vào nền kinh tế, các công ty lại tỏ ra nghi ngờ về quá trình cải cách thực sự. Khoảng một nửa cho rằng họ không tin Trung Quốc sẽ thực sự thi hành các biện pháp này trong 2 năm tới.

Hai thách thức lớn nhất với các công ty là suy giảm kinh tế và chi phí nhân công tăng. "Hai phần ba các công ty lớn cho biết môi trường kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp coi công ty quốc doanh là đối thủ chính", Chủ tịch EuroCham tại Trung Quốc - Joerg Wuttke cho biết.

Lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài thường than phiền về khả năng tiếp cận thị trường và nhiều thách thức khác tại Trung Quốc. Tuy nhiên, họ thường phải thông qua các phòng thương mại để biểu đạt ý kiến của mình, do lo ngại bị gây khó dễ.

Các công ty cho biết họ thường bị phân biệt đối xử vô lý khi đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho Chính phủ, hoặc phải nhượng bộ về sở hữu trí tuệ để đổi lấy quyền gia nhập một số lĩnh vực.

Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang đàm phán một hiệp ước thương mại song phương. Tuy nhiên, châu Âu cho biết họ sẽ không có hứng thú với thỏa thuận này nếu nó bỏ qua các biện pháp nhằm mở cửa một số lĩnh vực từ lâu đã hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ Sáu, 06/06/2014
Theo Hà Thu (VnExpress.net)