Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Kẻ nào không chịu đựng được đau khổ trong tình yêu thì không xứng đáng để hưởng hạnh phúc của tình yêu.
V.Ạ Sukhomlinski
Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12
Results 11 to 12 of 12

Chủ Đề: Bóng Tối Thời Con Gái

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    03 Rose Bóng Tối Thời Con Gái

    Bóng Tối Thời Con Gái

    Tác giả :Nhã Ca





    1
    NĂM tôi mười bẩy thì chị Hiền lấy chồng. Chị Hiền lấy anh Thân, một giáo sư tư thục. Anh Thân người Bắc, hơi già so với tuổi chị Hiền, nhưng được cái dáng điệu nhanh nhẹn, trẻ trung.

    Dĩ nhiên tôi cũng ở chung với anh chị, vì chúng tôi không còn bố mẹ. Anh Thân cũng là người mồ côi sớm giống như chị em chúng tôi. Anh di cư vào đây một mình, có một ít chú bác nhưng cũng ít liên lạc. Cuộc sống chung của chúng tôi vì thế cũng dễ chịu.

    Hai chị em tôi vốn sống đùm bọc nhau từ nhỏ. Tôi không nhìn thấy mặt thầy mẹ tôi bao giờ nhưng theo chị Hiền thì tôi giống mẹ tôi lắm ; còn chị thì giống thầy tôi. Tôi cũng nghĩ như vậy vì hai chị em tôi đều không giống nhau cả về khuôn mặt cũng như tâm tính. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng tôi ít thương yêu nhau. Tôi thương và hết sức nghe lời chị Hiền. Mặc dầu tôi đã mười bẩy tuôi, nhưng đối với chị, tôi còn như một con bé lên mười, lên mười hay lên chín cũng vậy.

    Chị Hiền có một tính dễ làm tôi khó chịu là không hay nói. Mỗi khi tôi có lỗi, chị chỉ lạnh lùng với tôi và cử chỉ lạnh nhạt đó làm tôi đau đớn còn hơn những vết roi quất. Nhưng từ năm tôi mười bảy và chị lập gia đình với anh Thân rồi thì chị dịu dàng với tôi hơn.

    Anh Thân cũng rất vui tính. Có lẽ anh cũng rất thương mến tôi nhưng ít khi có dịp biểu lộ tình thương ấy vì tôi đã lớn… Ngày trước, khoảng hai năm trước đó, khi quen và yêu chị Hiền, anh vẫn thường dẫn tôi đi ăn kem, đi xi nê, hoặc tới thăm các bạn bè của anh, nhưng bây giờ thì không. Nhiều lúc, tôi cũng thấy là tôi đã mất luôn chị Hiền, vì chị là một người vợ tốt, thích chiều chuộng chồng và để hết tâm trí vào gia đình.

    Ngôi nhà chúng tôi ở có hai phòng ở dưới và một căn gác nhỏ phía sau. Kiểu nhà thông thường ở Sàigòn, nhưng sang được một căn ở khu sạch sẽ, yên tĩnh như khu chúng tôi ở không phải là dễ. Tôi chiếm căn gác phía sau và sống một mình hầu như riêng biệt trên đó. Sự riêng biệt cũng nhiều khi làm tôi tủi thân, nhất là khi chị Hiền mang thai.

    Khi nghe tin chị có thai, tôi thấy tình thương còn lại ở chị Hiền dành cho tôi như mất thêm đi một nửa. Có điều đặc biệt là từ đó anh Thân thường hay vắng nhà hơn trước. Nhưng chị Hiền không buồn. Chị nói với tôi là anh ấy cần phải làm việc nhiều hơn vì sắp làm cha. Gia đình, trong những ngày chị Hiền mang thai, có phần vui vẻ hơn. Anh Thân, chị Hiền đều có vẻ rạng rỡ và tôi chắc anh chị đều vui vẻ thật tình.

    Anh Thân có nhiều bạn lắm. Thường thường chủ nhật họ hay kéo lại nhà ăn uống, hội họp, bởi chị Hiền làm thức ăn khéo léo nên các buổi hội họp rất vui. Với lại tính anh Thân vốn cởi mở, yêu thích bè bạn. Nhưng tôi thì không thích những ồn ào đó. Trong khi dưới nhà ăn uống vui vẻ, tôi rúc đầu trên căn gác đọc tiểu thuyết. Tôi cũng rất thích viết văn và ưa trở thành văn sĩ. Tôi tập viết đủ loại nhưng tôi không thành công về mặt này. Cuối cùng tôi xoay ra tập vẽ và muốn trở thành một họa sĩ. Thật bất ngờ, tôi có vẻ thành công hết sức về mặt này.

    Anh Thân cũng như chị Hiền đều không đề ý tới những việc tôi làm. Lần đầu tiên trông thấy một bức tranh bột màu trên căn gác của tôi, anh ngạc nhiên, hỏi :

    - Hạnh vác bức tranh này ở đâu về vậy ?

    Tôi nói dối :

    - Một cô bạn gái cho em đấy.

    - Một cô bạn ?

    Anh Thân ngạc nhiên hỏi :

    - Cô ấy là họa sĩ à ?

    Tôi ngượng ngập nói :

    - Dạ, nó cũng vẽ cho vui vậy thôi anh.

    Nhưng anh Thân không để ý đến điều đó. Anh ngắm lại bức tranh thêm một lần nữa rồi bảo :

    - Em có cô bạn thật tuyệt. Để anh phải nhờ em giới thiệu cô bạn này cho Bằng mới được. Hắn là họa sĩ suốt ngày chỉ biết sơn với cọ. Phải làm mối hắn cho cô bạn của em mới được.

    Tôi đỏ mặt, anh Thân không chú ý. Nhưng từ đó cái tên Bằng bỗng ám ảnh tôi… Tôi thầm để ý xem trong đám bạn tới chơi có ai có thể là Bằng không, nhưng tôi không đoán nổi.

    Các bạn anh Thân hầu hết đều là nhà giáo, nhưng tôi biết ngoài cái vẻ đạo mạo, bên trong họ là những cơn bão ngầm. Có lần, một buổi sáng chủ nhật, chị Hiền với anh Thân đi xi nê, chị ở đi chợ, chỉ có mình tôi ở nhà, đang ngồi nằm cắt móng tay và nghe một đĩa nhạc ngoại quốc thì có tiếng gõ cửa. Người đến thăm anh Thân là Toản. Tôi nói không có ai. Hắn vào nhà, đứng trân trân nhìn tôi, một lát mới chịu ngồi xuống ghế. Bất đắc dĩ tôi phải rót nước mời hắn và trong khi tôi vào phòng trong pha nước, hắn liền lò dò đi theo.

    Pha chưa xong chén nước thì hơi thở nóng của hắn đã phà vào gáy tôi. Tôi nghe tiếng hắn gọi đằng sau : « Hạnh ! » Rồi hắn nói những gì mà tôi không nghe hết. Tình thế bất ngờ này đã làm tôi vừa bàng hoàng vừa run sợ. Hình như chính sự run sợ của tôi lúc ấy đã khuyến khích hắn. Hắn nhào đại. Ôm ghì lấy tôi và trong lúc tôi còn ngơ ngác chưa kịp đối phó, hắn đã đẩy tôi vào phòng anh chị Thân. Lúc đó tôi mới chợt tỉnh. Tôi càng cố vùng vẫy hắn càng siết chặt lấy tôi hơn. Hơi thở hắn phà vào mặt tôi, vào tai vào tóc tôi nóng bỏng, còn nồng nặc mùi rượu. Hai bàn tay mạnh mẽ của hắn ghì siết trên ngực tôi thô bạo.

    Vùng vẫy thêm được mấy bước thì cả Toản lẫn tôi cùng ngã xuống giường. Chăn nệm trắng làm tôi rợn cả người. Cuối cùng, tôi cố góp sức còn lại vào hai bàn tay cào mạnh lên mặt hắn. Móng tay của tôi vốn thuộc loại cứng, lại vừa cắt. Hắn kêu lên một tiếng đau đớn vùng dậy, kịp lúc tôi nhoài người nắm được con dao nhỏ để trên mặt bàn ngủ. Tôi có cảm tưởng lúc đó nếu hắn còn nhào lại, tôi dám đâm hắn chết lắm và tôi sẽ trở thành sát nhân. Nhưng không, hắn đứng co người, nhìn tôi giây lát rồi lủi thủi bỏ đi. Trên mặt hắn, vết móng tay tôi còn hằn rõ rớm máu. Chắc lúc đó tôi hung dữ và xấu xí lắm.

    Hắn đi rồi mà con dao vẫn còn dính chặt vào tay tôi và mắt tôi vẫn còn không chớp lại được. Mãi một lát sau, khi nghe tiếng xe vespa của hắn vù ra khỏi ngõ, tôi mới tỉnh lại thêm một lần nữa, ném dao, rồi vật xuống nằm khóc một mình quên cả gài cửa. Da thịt tôi còn tê rần sợ hãi…

    Tôi ngượng, không dám kể lại chuyện đáng tiếc này với ai, nhưng cuối cùng câu chuyện cũng đến tai anh Thân. Thằng khốn nạn. Anh Thân kêu lên và lồng đi tìm Toản. Toản đã bị anh Thân cho một quả đấm trẹo quai hàm. Tôi lo lắng việc sẽ xẩy ra to, tai hại, nhưng rồi cũng êm ru, sự giao thiệp giữa Toản và anh chị tôi cắt đứt.

    Anh Thân áy náy mãi về chuyện kể trên nhưng anh không dám tỏ ra cho tôi biết. Thật không ngờ, anh thấy Toản là đứa con có hiếu. Hắn chỉ có hai mẹ con. Vậy mà ai dè… Anh Thân bảo chị Hiền vậy và từ đó anh có vẻ dè dặt hơn trước.

    Cũng vì chuyện Toản làm ẩu với tôi mà chị Hiền chú ý đến tôi hơn và bấy giờ mới coi tôi là lớn. Chị bắt đầu may cho tôi loạt áo dài mới. Lần này, chính chị dẫn tôi tới tiệm may, bắt thợ đo cho tôi cái eo sát hơn, vạt áo dài hơn. Chị cũng mua cho tôi những tấm áo lót giống như thứ của chị và thay những đôi guốc gỗ, những đôi dép nhật cho tôi bằng những đôi giầy kiểu mới. Tôi cám ơn chị hết sức, nhưng tôi không thể nói ra điều đó với chị. Tôi tự hứa, nếu có dịp tôi sẽ làm chị vui lòng hơn.

    Last edited by giavui; 09-05-2020 at 04:33 PM.

  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    11
    NGÀY chủ nhật đã đến. Lòng nhớ nhung bé Tần mỗi ngày một trở nên quay quắt, tôi nhớ nụ cười của bé, đôi mắt long lanh của bé và cả tiếng nói của bé nữa. Rồi hương hoàng lan trong khu vườn bỗng trở nên vô cùng quyến rũ, tôi mong được ngửi lại, được chìm đắm trong mùi hương đó. Bởi vì mùi hương hoàng lan làm sao tôi có thể vẽ ra nó được trên giấy, mà những bông hoa vẽ thì vô tri giác lắm. Trời ơi, tôi thật là người con gái khổ sở nhất và yếu đuối nhất. Chỉ có trả lời một câu ngắn, chỉ có tìm hiểu xem lòng mình bắt mình trả lời ra sao, tôi cũng không làm nổi. Tôi lăn lộn một mình trên chiếc giường nhỏ. Nắng như đốt cháy bên trên mái tôn, bốc xuống trần nhà làm đơn sơ bằng những miếng cát tông cứng, hun nóng cả căn gác. Tôi muốn mê đi trong sự nóng bức của buổi trưa và trong cả sự rạo rực, hoang mang muốn làm tôi tan biến mất.

    Chưa bao giờ có những ngày cuối năm trời nóng như thế này. Tôi cố gắng nhắm mắt ngủ một giấc lấy lại sức, vì buổi chiều nay, theo lời anh Thân, tôi sẽ gặp Bằng, sẽ nhìn rõ Bằng bằng xương bằng thịt để xem chàng là người thế nào, và để xem chính lòng tôi ra sao.

    Nhưng tôi vừa chợp mắt được một chốc thì có tiếng chị Hiền gọi :

    - Hạnh ơi, có khách này.

    Tôi vùng dậy, chải đầu vội vàng rồi đi xuống nhà. Khách của tôi là một người đàn ông, một người lính trẻ thì đúng hơn. Sự có mặt của người lính trẻ làm tôi ngạc nhiên, tôi không quen biết người này bao giờ. Tôi nhớ xem thử có gặp hắn ở đâu không, nhưng tôi hoàn toàn không nhớ ra gì hết. Hắn là một người lạ tôi chưa hề gặp.

    Như đoán ra sự ngạc nhiên của tôi, đang ngồi nơi ghế, hắn bỗng đứng dậy :

    - Xin lỗi chị, chị là chị Hạnh.

    - Vâng. Tôi là Hạnh. Xin mời ông ngồi.

    Hắn không ngồi mà đưa mắt nhìn quanh phòng rồi hắn dừng lại một chút nơi bức ảnh hai chị em tôi chụp chung treo trên tường. Hắn như vừa đi xa về, quần áo còn dính đầy bụi. Hắn mặc một bộ quân phục vằn, đi đôi giày ống cao. Thắt lưng đeo con dao găm gọn gàng trong chiếc bao da cũ.

    Hắn vẫn không ngồi xuống mà đưa tay chỉ dòng chữ đính trên túi áo bên phải :

    - Tôi là Lê Hữu Thông, đại đội 303. Tiểu đoàn 42. Biệt-động quân.

    Biệt động quân ? Ô hay, một anh biệt động quân thì dính dáng gì tới tôi. Tôi càng không hiểu gì thêm nữa. Tôi nói :

    - Dạ, xin mời ông ngồi.

    Người lính cười nói tiếp :

    - Tôi vừa ở mặt trận về.

    Mặt trận ? Mặt trận ở những đâu, tôi biết gì về mặt trận đã chứ ? Người lính này có đi lầm nhà không ? Tôi có trùng tên với một người nào đó không ?

    Người lính lại nói thêm :

    - Tôi ở chung một đại đội với anh Toản. Chuẩn úy Toản.

    « Toản » Cái tên đó làm tôi ngơ ngác hơn. Tôi có quen với một ông Biệt-động quân nào tên Toản đâu.

    Tôi giữ giọng hết sức lễ độ :

    - Dạ, thưa ông, ông Toản nào ạ.

    Đến lượt người lính ngơ ngác :

    - Chị không biết ông Toản ?

    - Dạ không.

    Người lính giở chiếc mũ trên đầu xuống, cầm ở tay đung đưa :

    - Ô hay ? Thưa chị, chị đúng là chị Hạnh đấy chứ.

    - Thưa chính tôi đây.

    - Vậy sao chị lại không biết Toản, Anh Toản có kể với tôi trước anh dạy học và…

    - À…

    Tôi kêu lên, ngần ngại. Toản dạy học ? Hay đúng là Toản bạn của anh Thân. Nhưng tại sao Toản lại là biệt động quân nhỉ ?

    Tôi hỏi thêm :

    - Dạ, ông Toản đã đi lính ?

    Người lính tỏ vẻ yên tâm hơn :

    - Vâng, anh Toản là chuẩn úy ở đại đội tôi. Chắc chị chưa biết tin anh Toản đi lính.

    - À, ra thế. Xin mời anh ngồi.

    Người lính ngồi xuống ghế, đặt chiếc mũ lên đùi. Tôi hỏi tiếp :

    - Thưa ông, ông Toản đi lính, rồi sao nữa ạ ?

    Người lính ngập ngừng :

    - Anh Toản nhờ tôi tìm chị.

    Toản tìm tôi làm gì nhỉ ? Toản đi biệt động quân rồi nhờ bạn tới tìm tôi ? Lại rắc rối gì xẩy ra nữa đây ? Một vụ hăm dọa, hay một nhờ vả năn nỉ ? Không, tôi không muốn dính líu gì với Toản nữa hết. Tôi đã trả lời Toản rồi mà.

    - Thưa, ông Toản tìm tôi có việc gì ạ ?

    Người lính nhìn tôi dò xét :

    - Ông Toản không tìm chị được nữa. Ông ấy chỉ nhờ tôi thôi.

    - Tại sao ông ấy không tới đây mà lại nhờ ông ?

    - Hiện anh ấy bị thương. Anh ấy nhờ tôi tới tìm chị nói cho chị biết. Anh ấy nhờ tôi đã bốn hôm rồi, nhưng vừa về tới tôi lại phải dự một cuộc hành quân nhỏ ngoài thành phố, tới hôm nay mới báo tin cho chị được. Vừa về đến là tôi lái xe đến đây gặp chị ngay, chưa kịp vô bệnh viện thăm Toản.

    Người lính tên Thông nhìn tôi, vẻ dò xét, chờ đợi. Và tôi, thú thực tin Toản bị thương, không hiểu vì sao bỗng làm tôi sững sờ. Có lẽ đã nhìn rõ vẻ sững sờ trên mặt tôi nên Thông dường như yên tâm hơn. Gã chậm rãi kể cho tôi nghe về Toản. Thông gần Toản từ ngày Toản nhập ngũ. Thông đã nghe Toản kể rất nhiều về tôi, về mối tình Toản dành cho tôi. Thông nói nhiều lắm, kể lại cả những lời tâm sự riêng của Toản.

    Thông kết :

    - Toản mong gặp chị lắm. Có thể đây là lần cuối. Toản bị thương nặng, có thể nguy hiểm. Hôm chở Toản tới bệnh viện, Toản còn tỉnh táo nhưng nửa giờ sau Toản mê man luôn. Toản nói là Toản đã làm một việc có lỗi với chị, nhưng tới khi chết, nếu không được gặp chị để xin lỗi một lần nữa, linh hồn Toản không yên được.

    - Toản bị thương nặng lắm sao anh ?

    Tôi hỏi lại và chưa kịp có một cảm giác nào hết thì người lính đã nói tiếp :

    - Có lẽ Toản nguy mất.

    Tiếng nguy mất của Thông làm tôi không khỏi xao xuyến… Tôi thấy tôi không đủ sức dửng dưng trước nỗi đau đớn của Toản nữa, Toản sắp chết đến nơi, Toản muốn gặp tôi một lần cuối. Nhưng gặp rồi có ích lợi gì không, hay thêm cho tôi những dằn vặt nữa ?

    Tôi nói với Thông :

    - Tôi hiểu rồi. Toản là bạn của anh Thân tôi.

    - Vâng, Toản thường nhắc tới gia đình chị luôn.

    Thông cầm bao thuốc lá thẩy thẩy trên tay rồi nhét vào túi :

    - Chị đi thăm Toản chứ ? Hiện anh ấy đang nằm ở bệnh viện Cộng Hòa, dãy C.

    Rồi Thông móc ví lấy ra một cái ảnh nhỏ. Cái ảnh chụp hồi đám cưới anh chị Thân và có tôi nhỏ xíu ngồi bên cạnh chị Hiền. Không biết Toản tìm đâu ra bức ảnh này. Tấm ảnh đã ngả sang màu vàng và đằng sau chằng chịt những chữ ký của Toản. Tôi lặng người, cầm bức ảnh trong tay mà không biết phải làm gì nữa.

    Thông nói :

    - Anh Toản nhờ tôi trả bức ảnh này lại chị.

    Tôi không thể nào nghĩ ra được điều gì lúc này nữa. Tôi nói với Thông :

    - Anh ngồi đợi tôi một lát. Để tôi vào xin phép anh chị tôi xem đã.

    Thông bỏ mũ trên bàn :

    - Tôi có sẵn xe ở ngoài, để tôi xin đưa chị đi. Trong đó lung tung lắm, sợ chị tìm không ra nổi đâu.

    - Vâng. Xin anh cho tôi mấy phút.

    Tôi vào buồng trong. Chị Hiền đang dỗ bé Măng Cụt ngủ. Thấy tôi chị hỏi ngay :

    - Ai đó Hạnh ?

    - Dạ một người lính em cũng không quen. Hắn xưng tên là Thông.

    - Ủa, họ vào nhà mình có chuyện gì vậy ?

    - Chuyện của Toản.

    Bây giờ thì đến lượt chị Hiền phải ngạc nhiên, chị mở to mắt :

    - Toản nào vậy.

    - Thì Toản bạn anh trước đó, Toản mà…

    Tôi ngập ngừng. Chị Hiền đặt bé Măng Cụt xuống :

    - Toản dạy học ấy hả. Nhưng sao hắn lại gọi lính tráng đến nhà mình. Lại tính chuyện gì vậy.

    Tôi vội nói với chị :

    - Người lính ở ngoài là bạn của Toản. Hắn cũng đi lính rồi và vừa bị thương nặng. Chính hắn nhờ người lính tới đây tìm em.

    Rồi tôi kể vắn tắt với chị Hiền những chuyện Thông vừa nói. Tôi cũng kể thêm cả với chị chuyện trước đây Toản vẫn rình mò theo tôi, và có lần đã ngăn tôi lại giữa đường để tả tình tả cảnh, và tôi đã tàn nhẫn từ chối.

    - Hèn chi từ lâu nay không thấy tăm hơi gì của hắn.

    Chị Hiền trầm ngâm một lát, rồi bỗng nhiên chị thở dài :

    - Vậy là tại cô nó mới đi lính đó. Tội nghiệp.

    Tôi băn khoăn :

    - Bây giờ làm thế nào hở chị. Anh lính bạn của Toản đang chờ ở ngoài phòng. Hắn nói Toản có phần nguy hiểm.

    - Em định vào thăm Toản phải không.

    - Em chưa định gì hết nên mới phải nhờ chị. Hay là chị em mình đợi anh Thân về đã.

    Bé Măng Cụt đã ngủ say. Chị Hiền trầm ngâm mấy giây nữa, rồi bảo tôi :

    - Thôi, có lẽ không phải chờ anh. Em đưa chị ra gặp người bạn của Toản coi. Có lẽ vì em mà Toản nó vậy thật.

    Chị Hiền tôi thật là người chu đáo. Chắc chị muốn chính chị quan sát người lính bạn của Toản xem hắn ra sao đã, rồi mới quyết định. Khi chúng tôi ra phòng khách, Thông vẫn ngồi im trên ghế, chiếc mũ nâu trên tay trái đưa đi đưa lại, mặt cúi xuống nhìn mấy viên gạch bông.

    Thông có vẻ lạc lõng và mỏi mệt khi tôi giới thiệu hắn với chị Hiền, nhưng dường như chính vẻ mệt mỏi của Thông đã làm chị Hiền tin cậy hơn, nên vừa nghe Thông nói vài câu là chị đã quay sang bảo tôi :

    - Thôi, em vào sửa soạn đi, kẻo anh Thông đợi lâu.

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    12
    THÔNG đưa tôi đi bằng một chiếc xe jeep cũ, đầy bụi. Những buổi đi học, mỗi lần gặp một xe nhà binh, tôi vẫn thường khó chịu vì cách lái xe bạt mạng của họ, nhưng lần này, khi chính mình ngồi trên một chiếc xe jeep nhà binh, phóng như điên trong thành phố, thì tôi lại không còn một ngạc nhiên nào hết. Toản nguy lắm. Chắc anh ấy trông tin chị từng phút. Thông nói thế và lái xe về mạn Phú Nhuận, rồi ra thẳng ngoại ô.

    Toản nguy lắm. Toản đang trông tôi từng phút. Thì ra vậy ư. Nhưng tôi làm gì mà quan trọng quá vậy. Nếu Toản muốn, đời này chán gì các cô đẹp đẽ hơn theo Toản, dễ dãi với Toản. Còn tôi. Tôi có đẹp đẽ gì cho cam. Tôi biết mình lắm, và đã từng thấy rõ mình chỉ là một đứa con gái khô khan, rụt rè kia mà. Dù sao tôi cũng không thể tin nổi vì tôi mà Toản đi lính, vì tôi mà Toản chết.

    Xe chạy tít ra ngoại ô. Những mặt nhà, những sân cỏ mênh mông lùi lại bên cửa xe. Rồi tiếng Thông nói :

    - Đến rồi đấy, chị ạ.

    Xe dừng lại trước cổng bệnh viện. Một chiếc cổng vòng tròn mở vào một khu nhà rộng lớn. Một cây sắt sơn đỏ hạ xuống chặn đường. Bệnh viện Cộng Hòa đó. Tôi không ngờ được, Trước cửa bệnh viện, hàng chục người đàn bà, già có, trẻ có, đang tay xách nách mang ngồi đứng la liệt để chờ đợi. Thông dẫn tôi theo đoàn người viếng thăm ùa vào cổng bệnh viện. Qua khỏi cây sắt chắn cửa, tôi như người lạc vào một thế giới xa lạ, hoàn toàn không còn chút gì dính dáng đến đời sống mà tôi vẫn thường sống. Những dẫy nhà nằm nối tiếp nhau. Người viếng thăm, và người được thăm viếng sinh hoạt ầm ĩ, ồn ào khác hẳn không khí bệnh viện mà tôi vẫn tưởng tượng.

    Thấy tôi ngơ ngác quá, Thông cứ chốc chốc lại phải lên tiếng :

    - Đi phía này chị, đi phía này chị.

    Thấy tôi im lặng ngơ ngác, Thông cười :

    - Chắc chị chưa vào đây bao giờ. Đây là trại hè của bọn tôi đấy. Chị đừng ngạc nhiên nhé, trong này có nhiều cảnh ghê lắm. Đây chị. Ngả này chị. Dẫy A. Dẫy B. Đây, dẫy C đây rồi !

    Thông đưa tôi rẽ theo một lối đi nhỏ dẫn đến một dẫy nhà thấp đang buồn bực dưới nắng. Tôi thấy trước hành lang dẫy nhà có nhiều thương bệnh binh đang đứng đợi. Đây có lẽ là những người đã khá. Họ ăn mặc giống nhau, ai nấy đều một bộ đồng phục bằng vải thô trắng của bệnh viện. Người nào cũng xanh xao, gầy yếu đến độ tôi không còn nhận ra tuổi trẻ nơi họ. Một người cụt chân đang vịn vai bạn. Một người bưng đầu bằng băng trắng dầy cộm. Một người khác, có vẻ khỏe hơn hết, đứng dựa lưng vào tường, một cánh tay áo rũ xuống. Chúng ta không nên chăm chú nhìn ngó người tàn tật. Bài học luân lý vỡ lòng đã dạy tôi điều ấy và tôi vẫn còn nhớ, nhưng sao tôi vẫn không thể không nhìn, không nghe. Chúng tôi đi qua dẫy hành lang. Một bà mẹ già cùng đi với chúng tôi vào bước lại phía chàng thanh niên cụt tay.

    Tôi nghe thấy tiếng kêu :

    - Má.

    Tiếng bà mẹ già òa lên khóc. Rồi người con trai cằn nhằn :

    - Cái gì mà khóc hoài vậy chớ.

    Tiếng cằn nhằn có vẻ gay gắt, nhưng nói xong mấy tiếng cộc cằn ấy, khuôn mặt chàng thanh niên như dại đi và tôi tưởng như nhìn thấy rõ ở đuôi mắt anh có long lanh ngấn lệ.

    Bà già nghe con gắt, quay mặt đi, giơ tay áo lên chùi nước mắt :

    - Đã nói là con sắp về rồi mà. Nuôi chi mà nuôi hoài vậy chớ.

    Bà mẹ già không nói thêm một câu nào nữa. Thông bảo tôi :

    - Chị yên tâm. Đây chưa phải là khu rùng rợn đâu. Những người ấy đều sắp được về cả rồi đấy. Đó chỉ là những người bị thương nhẹ.

    Chúng tôi tiếp tục đi về phía cuối dãy hành lang. Một người trai trẻ khác ngồi trên xe lăn, hai chân và cánh tay phải đều bị cụt ngắn, chỉ còn một cánh tay trái duy nhất đang lăn lăn trên cái tay lái tròn một cách vui thích.

    Thông cười :

    - Đó chị. Đời chúng tôi là thế. Thôi chị đừng bận tâm nữa. Mình sắp gặp lại Toản rồi đấy.

    Tôi theo Thông vào một trong những gian phòng dài của dẫy nhà. Những chiếc giường sắt nhỏ kê sát nhau, chỉ cách vừa lối cho một người lách qua, không còn một giường nào bỏ trống. Những thân nhân vào phòng cũng đông lắm, tiếng cười, tiếng khóc, tiếng thăm hỏi, tiếng lách cách của chai lọ lẫn lộn thành một âm thanh thật kỳ dị. Một vài thương binh trên giường bệnh chưa có người đến thăm, nhìn chúng tôi, vẻ hời hợt.

    - Giường số 7. Đây rồi. Số 7 đây chị.

    Thông đưa tôi đến dừng ở một chiếc giường sắt cuối phòng. Trên giường, một người đang trùm chăn kín mít. Toản đó ư. Toản đang nghĩ gì dưới tấm chăn trùm kín kia, Toản có biết tôi đã đến đây rồi chăng. Toản đang chờ tôi nói gì với chàng nhỉ. Tôi đứng bên Thông, bên giường Toản, mà lặng người, không biết mình sẽ phải làm gì, nói gì. Dưới tấm mền trắng, dường như có một bàn tay đang đụng đậy. Bàn tay của Toản. Chính bàn tay ấy đã ám ảnh tôi bao lâu nay. Bình thường, cứ chợt nhớ đến bàn tay của Toản là tôi lại không khỏi rùng mình, lạ lùng, ghê sợ. Vậy mà lúc này, trông thấy bàn tay dưới lần vải, tôi bỗng không còn vẻ ghê sợ gì nữa, mà trái lại, còn bỗng nhận ra từ đó vẻ thân mật đặc biệt với đời sống tôi. Bao nhiêu ghét bỏ, ghê tởm của tôi với Toản đều đã tiêu tan hết. Có lẽ chị Hiền nói đúng. Chính vì tôi mà Toản ra nông nỗi này chăng. Tôi muốn cúi xuống. Muốn kêu tên Toản. Muốn nhẹ nhàng kéo tấm mền lên, muốn khóc, muốn nhiều nữa. Nhưng tôi không thể làm gì hết, vì chân tay tôi như cứng nhắc, bất động. Thông vẫn đứng yên lặng bên tôi. Mắt Thông nhìn không chớp. Đôi mắt Thông sửng sốt, ngơ ngác. Vẻ lạ lùng của Thông làm tôi bật được ra một tiếng kêu nhỏ gì đó, rồi tôi lùi lại. Thông tiếp tục nhìn chiếc giường nhỏ một lát, rồi bằng một vẻ thật chậm chạp, hắn đưa tay kéo nhẹ tấm mền phủ đầu ra. Toản đó ư. Một khuôn mặt quấn băng kín, mê man. Tôi cúi xuống, gọi khẽ :

    - Anh Toản.

    Nhưng Thông đã bỏ tấm mền xuống, ngăn tôi lại, rồi chậm chạp nói :

    - Hỏng rồi chị ạ. Không phải Toản.

    Từ phía sau lưng Thông, một người đang nằm ngóc đầu dậy, nhìn chúng tôi :

    - Anh chị kiếm Toản à. Chuẩn úy Toản mất rồi, ông ấy mất từ bữa kia. Đám ma đã đưa đi hồi sáng.

    Mắt tôi hoa lên. Gian phòng bỗng như tối xầm lại. Thế là Toản đã chết. Thôi rồi. Không bao giờ tôi còn có thể nói gì với Toản nữa. Không bao giờ tôi còn có thể nhìn lại thấy Toản nữa. Dù để mà thương yêu hay để mà thù ghét. Đời sống vô lý đến thế này ư ? Toản dạy học, Toản sàm sỡ. Toản biệt động quân. Rồi Toản về nằm đây và chết. Thế là hết.

    Tiếng Thông vang lên trao đổi với người nằm cạnh giường Toản mấy câu, rồi thôi :

    - Tội nghiệp, chuẩn úy Toản…

    Người đàn ông nói gì đó với Thông nhưng tôi chỉ nghe được có thế. Tội nghiệp Toản. Đám ma đã cử hành. Thế là hết. Toản đã đi. Đã yên. Không bao giờ Toản quấy rầy tôi được nữa. Còn tôi, cũng chẳng bao giờ còn có thể được Toản quấy rầy nữa. Những chuyện xẩy ra về Toản và hình bóng chàng lãng đãng trong ký ức, lúc này, đối với tôi bỗng trở thành những kỷ niệm vừa buồn bã, vừa chua xót, quí báu.

    - Thôi, phần anh ấy đã xong. Như vậy mà tốt. Số mệnh…

    - Chắc chuẩn úy được đưa về nghĩa trang Hạnh thông Tây, phải không anh.

    Người thương binh đã nằm xuống lại :

    - Thì chả đó còn ở đâu nữa.

    Từ phía cửa, một người đàn bà hốt hoảng đi vào, chị tiến tới chỗ tôi đang đứng, ngơ ngác một lát, rồi đột ngột giơ hai tay đẩy tôi sang một bên, rơi mình xuống giường ôm người đàn ông khóc nức nở.

    Thông đỡ cho tôi khỏi loạng choạng và chúng tôi đi qua giường người bệnh vừa báo tin Toản mất. Chào. Rồi lặng lẽ trở ra. Phía bãi cỏ trống ở sân trước, các ngọn cỏ bỗng rạp mình, tiếng động cơ vang lên phần phật, rồi một chiếc trực thăng hạ xuống. Tiếng người kêu, tiếng xe hồng thập tự chạy. Những chiếc cáng nhỏ được khiêng ra và người ta đặt những thương binh từ trên trực thăng vào, mang đi. Công việc diễn ra thật thành thạo, dửng dưng, không một xúc động. Chúng tôi đã ra đến hành lang. Thông nói âm thầm :

    - Đó chị xem. Mỗi ngày đều thế. Ngày nào cũng bị thương, cũng chết.

    Ngày nào cũng bị thương, cũng chết. À, thì ra chiến tranh là thế. Lâu nay, quá mải mê với công việc riêng tư, tôi đã không nhìn thấy chiến tranh. Chiến tranh đã đến sát bên tôi từ bao giờ mà tôi không hề biết. Chúng tôi tiếp tục đi. Tiếp tục nhìn thấy những cánh tay cụt, những đôi mắt mù, những tàn phá, đổ vỡ. Một người lăn chiếc xe từ đầu tới cuối dãy hành lang. Một người đang lọc cọc tập đi với chiếc nạng, vừa đi vừa cười : « Đông quá há. Càng đông càng vui ». Và anh ta cười lớn. Tiếng cười của người cụt chân làm tôi lạnh xương sống. Thì ra chết chóc, tàn tật ở đây đã trở thành quen quá đi rồi.

    Trời đã xế chiều. Chúng tôi ra khỏi khu hành lang. Trên trời, mấy chiếc trực thăng khác vẫn lượn vòng có lẽ chờ đáp xuống. Thế là tôi đã không kịp nói gì với Toản. Nhưng nếu tôi kịp nói, liệu tôi sẽ nói được gì nhỉ. Chắc tôi cũng không đủ sức để nói gì đâu.

    Chúng tôi lặng lẽ đi theo một con đường êm ả ra phía ngoài. Đi được một lát, bỗng có tiếng kèn trống từ xa vẳng lại. Thông chỉ tay về phía ấy, bảo tôi :

    - Phía ấy là nhà xác đấy chị. Đám ma cử hành ở đấy và ra bằng cửa sau.

    Thấy tôi không nói gì, Thông cũng trở lại vẻ lặng lẽ và chúng tôi cứ tiếp tục đi. Đi và tôi bỗng ngạc nhiên khi thấy mình đi bên cạnh Thông. Bên cạnh một anh biệt động quân có ghi danh trên ngực. Biệt động quân. Cái tên đó bỗng thân thuộc dần như cuộc chiến tranh đang dần quen trong tôi.

    Tiếng kèn đám ma đâu đó, bỗng lùng bùng trong đầu tôi, theo nhịp những bước chân đi. Tôi đang ở đâu đây. Tôi đang đi ở đâu đây. Tôi phải làm gì đây. Tôi đang nghĩ gì và tôi sẽ làm gì. Chiều rồi. Tôi có yêu Toản không. Tôi có yêu ông Hòa không. Có yêu Bằng không. Tôi phải đi đâu bây giờ. Đi đến nhà Bằng, đi đến nhà ông Hòa, hay đi thăm mộ Toản, hay về nhà khóc với chị Hiền, với bé Măng Cụt. Không biết bao nhiêu câu hỏi kỳ cục cứ lùng bùng trong đầu tôi cùng với tiếng kèn trống, tiếng động cơ trực thăng và cả tiếng đạn nổ đâu đó.

    Tôi phải đi đâu đây. Tôi vẫn đi. Đi từng bước rõ ràng. Nhưng không trả lời nổi.

    Hết

Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 04-25-2014, 01:37 AM
  2. Gốc cây sung gần nhà ( Truyện ma có thật )
    By giahamdzui in forum Audio Ma Kinh Dị
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 02-03-2014, 04:46 PM
  3. Cách nấu canh bóng thả thơm ngọt thanh mát
    By sophienguyen in forum Món Chính Chọn Lọc
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-25-2014, 03:10 AM
  4. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-15-2014, 02:47 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •