.

Sẽ là “ngu tín”
nếu vận dụng quan niệm “kiêng tháng Bảy”

Nhà nghiên cứu Văn hoá Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: Sẽ là “ngu tín” nếu vận dụng quan niệm “kiêng tháng Bảy” vào tất cả mọi việc.Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tháng Bảy âm lịch được dân gian coi là“tháng cô hồn”. Lễ Tiết quỷ (có nguồn gốc và chịu ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa) quan niệm rằng, mỗi năm Diêm Vương lại cho mở Quỷ môn quan từ ngày mùng hai tới rằm tháng Bảy âm lịch để quỷ đói được trở lại cõi trần. Vì vậy người ta mới phải cúng cháo, muối... cho chúng để chúng không quấy rối người dương.Thế nhưng, kinh Phật giáo thì lại cho rằng, tháng Bảy âm lịch là tháng để người ta thể hiện lòng hiếu kính với bậc sinh thành chứ không phải là “tháng cô hồn” như mọi người vẫn nghĩ.PV đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) để làm rõ những khúc mắc trên.



Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ.

Tục “cúng cô hồn” bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa

- Thưa ông, những tranh luận và lý giải về nguồn gốc của tục “cúng cô hồn” hiện nay không thống nhất. Người thì cho rằng nó chịu ảnh hưởng của Phật giáo, ý kiến khác lại bảo, nó chịu ảnh hưởng của lễ Tiết quỷ. Nhiều người còn cho rằng, lễ Tiết quỷ đã lấn át ý nghĩa củalễ Vu Lantrong quan niệm của người Việt về “tháng cô hồn”. ông nhận định sao về ý kiến này?

- Theo kinh sách Phật giáo thì tín ngưỡng cầu giải khổ cho vong hồn người chết trong gia đình, gia tộc có cả trước khi Phật giáo ra đời. Trong sử thi Mahabharata, một sử thi cổ xưa ấn Độ đã có nhiều chương nói về Vu Lan bồn rồi. Như vậy là Phật giáo đã tích hợp tín ngưỡng bản địa này và không ngừng mở rộng ý nghĩa của nó.

Việc thờ vong hồn người chết thì hầu như các tộc người cổ xưa đều có và khi các tôn giáo được truyền bá thì có sự hội nhập và biến thái. Chưa thể nói Tiết quỷ trong Đạo giáo và Vu Lan bồn trong Phật giáo cái nào ảnh hưởng cái nào vì các tôn giáo này đã thịnh hành và đồng dụng vào thời xa xưa. Chúng ta ngày nay chưa ai có thể phân, xuất nó một cách mạch lạc cả. Chúng ta hậu sinh, các lý thuyết tiếp cận đều chứa đựng nhiều định kiến nên không nên đưa ra nhận định cái nào lấn át cái nào. Chúng ta chỉ có thể nói rằng, tín ngưỡng này vốn đã là một mớ “đồng dụng” từ rất sớm.

- Vậy thì tâm lý sợ “tháng cô hồn” có phải là do sự tiếp thu và tiếp nhận những quan niệm của lễ Tiết quỷ vốn mang ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa không, thưa ông?

- Từ Vu Lan bồn đến cúng dường “cô hồn” là những bước phát triển tự nhiên của chính Phật giáo và khi Phật giáo lan tỏa ra các không gian khác nhau. Từ những truyền thuyết tin cậy nhất về nguồn gốc tín ngưỡng này, trong kinh Phật giáo cho ta thấy điều đó. Mẹ Mục Kiền Liên (bà Thanh Đề) vừa là Mẹ (chữ hiếu) vừa là “ngạ quỷ” ở cõi Diêm phù đề. Mục Liên cứu khổ cho mẹ cũng là cứu khổ cho kiếp “ngạ quỷ”. Vả lại, Phật giáo có một quan niệm quảng đại về CHA Mẹ nên đạo hiếu của họ rất rộng rãi. Họ cho rằng, chúng sinh trong lục đạo (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, Tu la, Nhân gian, Thiên) đều là “cha mẹ ta” nên cứu khổ, cứu nạn là phải cứu rỗi tất cả. Thành thử mới có việc cúng dường “cô hồn”. Việc này cũng là thực hành đạo hiếu, đạo chí tôn theo nhà Phật. Hai việc này không mâu thuẫn nhau như nhiều người nhầm tưởng. Cũng từ đó mà nó góp phần làm nên các thực hành tín ngưỡng kiêng kị.

Tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng trọt

- Quan niệm “kiêng tháng Bảy” ngoài những lý do vềtín ngưỡng, tôn giáo ra còn liên quan tới những chu kỳ vận hành của thiên nhiên, trời đất như: mưa, tiết khí... Theo ông, có phải do sự đúc kết kinh nghiệm mà người xưa mới kiêng làm những việc trọng đại trong tháng Bảy?

- Ấn Độ cổ xưa, tháng Tư, tháng Năm, tháng Sáu thuộc mùa mưa, cây cối sinh trưởng, cỏ mọc mầm non, nhà sư không đi truyền giáo vì sợ giẫm lên mầm sống, trái đạo hiếu sinh. Bởi thế, họ đi hạ, ở trong chùa chiền để tu dưỡng. Rằm tháng Bảy là ngày tự tứ, kết thúc mùa hạ. Tiết khí cũng thay đổi. Lúc này, gieo hạt không cho kết quả baonhiêu. Chu kỳ thực vật thường là vậy. Từ kinh nghiệm đó, người ta tránh điều không thuận lợi. Tuy nhiên, kinh nghiệm đó chỉ dựa trên gieo trồng, chăn nuôi mà thôi. Còn vận dụng vào cả những việc khác thì không đúng và gọi là “ngu tín”.

- Việc “sợ tháng Bảy”, ngoài tất cả những yếu tố đề cập ở trên thì còn do yếu tố trào lưu. ông có đồng ý với ý kiến trên?

- Tôn trọng tín ngưỡng thì khác với u mê theo nó. Nếu thế giới này ngừng tất cả các hoạt động trong vài tuần cúng dường “cô hồn” thì sẽ ra sao? Nói như vậy, chắc ai cũng hiểu. Chúng ta cần phải biết phân biệt đời sống tôn giáo với đời sống thực tế. Khoa học kĩ thuật mới giúp nhân loại tiến lên, còn tín ngưỡng giúp nhân loại thêm phần “thi vị”.

Trân trọng cảm ơn ông!
03.08.2014
PHẠM THIỆU VÀ TRINH PHÚC
phatgiaovietnam online