Vạn Lý Trường Thành - kỳ quan thế giới sắp thành đống gạch vụn khổng lồ?



Trái với hình ảnh hoành tráng thường thấy trong phim ảnh, sách báo, phần lớn chiều dài của Vạn Lý Trường Thành - một trong bảy kỳ quan thế giới - đang rơi vào tình trạng xuống cấp, đổ nát khiến người ta không khỏi kinh ngạc...





Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16, để bảo vệ Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu.


Một nghiên cứu sơ bộ công bố hồi năm 2009 ước tính công trình có chiều dài 8.850 km. Nhưng theo số liệu mới được công bố dựa trên một cuộc khảo sát mới nhất, Vạn Lý Trường Thành dài 21.196 km.


Chiều cao trung bình tường thành là 7m so với mặt đất, mặt trên của trường thành rộng trung bình 5-6m. Vạn Lý Trường Thành bắt đầu từ Sơn Hải Quan trên bờ Biển Bột Hải ở phía đông, tại giới hạn giữa Trung Quốc bản thổ ("đất Trung Quốc gốc") và Mãn Châu đến Lop Nur ở phần phía đông nam Khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.


Các vật liệu được sử dụng là những thứ có sẵn gần nơi xây dựng. Gần Bắc Kinh bức tường được làm bằng những khối đá vôi khai thác tại mỏ. Ở những nơi khác có thể là đá granite hay gạch nung. Nếu sử dụng những vật liệu đó, đầu tiên họ dựng hai bức tường sau đó nén đất và gạch đá vào giữa cùng một lớp phủ cuối cùng bên ngoài để tạo thành một khối duy nhất. Ở một số vùng các khối đó được gắn với nhau bằng một hỗn hợp nhớp dính của gạo và lòng trắng trứng.


Bức tường thành trở thành Di sản thế giới của UNESCO năm 1987. Tuy nhiên, gần 2/3 công trình này hiện tại đã bị hư hại hay đổ nát.


Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của Vạn Lý Trường Thành, quỹ Bảo tồn Di sản thế giới đã liệt công trình này vào danh sách những di sản bị đe dọa nặng nề nhất.