Ông Abhisit cho phép quân đội bắn đạn thật vào người biểu tình năm 2010

Một tòa án Thái Lan đã hủy bỏ tội giết người đối với cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva do liên quan tới vụ đàn áp đẫm máu người biểu tình năm 2010.
Ông Abhisit lãnh đạo Thái Lan khi phe áo đỏ biểu tình chống chính quyền và phong tỏa đường phố Bangkok trong 10 tuần.


Quân đội sau đó được huy động nhằm chấm dứt biểu tình, khiến hơn 90 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là dân thường.
Vụ biểu tình năm 2010 của phe áo đỏ nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng bị quân đội phế truất năm 2006.
Ông Abhisit bị buộc tội dưới thời chính quyền bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, cũng bị quân đội lật đổ sau cuộc đảo chính hồi tháng Năm 2014.
Đầu tháng Tám năm nay, Tướng Prayuth Chan-ocha đã lên làm thủ tướng mới.
Vòng bất ổn

Cuộc biểu tình năm 2010 kéo dài từ đầu tháng Ba cho tới giữa tháng Năm, khiến các khu vực chủ chốt ở thủ đô Bangkok bị phong tỏa do phe áo đỏ chiếm đóng.
Bạo lực và đụng độ nổ ra, với đỉnh điểm là khi quân đội thực hiện chiến dịch dẹp người biểu tình vào ngày 19/05.
Đa số phe áo đỏ là người từ các vùng nông thôn, ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của ông Thaksin


Các công tố viên trước đây cho rằng ông Abhisit và phó Thủ tướng lúc bấy giờ, ông Suthep Thangsuban, phải chịu trách nhiệm do cho phép bắn đạn thật vào người biểu tình. Cả hai ông cùng phủ nhận tội danh trên.
Tòa Hình sự phán quyết rằng họ không thể xét xử vụ việc do hai người từng giữ vị trí trong cơ quan công quyền và hành động theo một nghị định khẩn cấp.
Tòa Hình sự cũng cho rằng chỉ có Tòa Tối cao mới có thể đánh giá trường hợp này. Cơ quan chống tham nhũng của Thái Lan xem xét vụ việc và có thể sẽ gửi lên Tòa Tối cao, theo truyền thông địa phương.
Chính ông Suthep là người dẫn đầu các cuộc biểu tình dẫn tới quân đội đảo chính gần đây.
Người biểu tình phong tỏa các tòa nhà chính phủ trong chiến dịch kéo dài sáu tháng nhằm lật đổ chính quyền của bà Yingluck.
Hàng chục người bị thiệt mạng và đến tháng Hai, quân đội lên nắm quyền và nói động thái này nhằm lập lại ổn định.
Thái Lan chìm trong bất ổn chính trị từ khi ông Thaksin bị phế truất năm 2006.
Nhà tỷ phú viễn thông nhận được sự ủng hộ rộng rãi chủ yếu từ những người nông dân sống ở các miền quê nghèo, được nhận các chính sách trợ giúp của ông.
Nhưng lớp người khá giả sống ở đô thị, được quân đội ủng hộ, cáo buộc ông tham nhũng.
Đảng phái đồng minh của ông Thaksin thắng cử trong các cuộc bầu cử kể từ vụ đảo chính năm 2006 do sự ủng hộ mạnh mẽ từ các vùng nông thôn dành cho nhà Shinawatra, khiến Thái Lan vướng vào vòng bất ổn.


BBC