Trước kỷ niệm 13 năm ngày khủng bố tấn công Hoa Kỳ, 9/11/2001, vào Thứ Tư, Tổng Thống Barack Obama sẽ đọc một bài diễn từ, vạch ra chiến lược chống nhóm chiến binh Hồi Giáo cực đoan ISIS – Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria - tổ chức khủng bố quan trọng thứ nhì mà Mỹ phải đương đầu sau al-Qaeda.


Môt số phụ nữ dân Yazidi biểu tình trước trụ sở Quốc Hội Âu Châu ở công trường Luxemburg thủ đô Brussels, Bỉ, phản đối cuộc tấn công và sự tàn ác của chiến binh Jihad thuộc IS. (Hình: Dursun Aydemir/Anadolu Agency/Getty Images)
ISIS còn được gọi là ISIL – Nhà Nước Hồi Giáo ở Levant (vùng Đông Địa Trung Hải) – và từ cuối tháng Sáu chính thức lấy tên là IS – Nhà Nước Hồi Giáo. Tuy nhiên tên vẫn thường được Hoa Kỳ dùng gọi là ISIS, một phần vì thực tế nhóm này phát xuất từ Syria và mặc dầu đã tiến chiếm môt số vùng ở Bắc Iraq nhưng cứ điểm chính của họ vẫn chỉ là vùng Đông Bắc Syria.

Cùng một nguồn gốc Hồi Giáo quá khích và hoạt động khủng bố, nhưng có những khác biệt giữa al-Qaeda và ISIS.

Al-Qaeda là một mạng lưới quốc tế có phân bộ ở nhiều nơi và trong gần hai thập niên qua hoạt động khủng bố trên khắp thế giới, trong đó vụ được hoạch định quy mô với tầm mức kinh hoàng nhất là "911" đánh vào nước Mỹ. Đến nay, sau hơn 10 năm là mục tiêu cuộc chiến tranh chống khủng bố của Hoa Kỳ, các cơ sở tan rã và nhiều thủ lãnh kể cả Osama bin Laden bị tiêu diệt, al-Qaeda suy yếu chỉ còn một phần nhỏ tiềm năng khủng bố trước kia.

ISIS chưa là tổ chức khủng bố có phạm vi quốc tế, xuất phát từ Hồi Giáo Sunni, hoạt động mới chỉ tại Syria và Iraq. ISIS nhắm mục tiêu hình thành một Nhà Nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria, với lý tưởng sẽ phát triển một vương quốc Hồi Giáo toàn cầu. Mục tiêu và lý tưởng này còn quá xa vời không tưởng, nhưng nạn nhân của họ đã là những nhóm dân tộc thiểu số khác giáo lý và một hành động thể hiện sự tàn ác là vụ cắt đầu hai nhà báo Mỹ bị bắt giữ làm con tin. Ngoài ra, mối đe dọa tiềm tàng của nhóm này còn nằm ở nơi những chiến binh Hồi Giáo quá khích từ các quốc gia khác tới Syria tham gia ISIS, có thể trở về tiến hành những hoạt động khủng bố trong nước.

Hơn hẳn al-Qaeda, ISIS có lực lượng khoảng 3,000-4000 chiến binh với tinh thần và khả năng chiến đấu cao, vũ khí cùng trang bị quân sự, kể cả một ít trang bị nặng, thích ứng cho cuộc chiến đấu trên địa bàn Trung Đông. Theo tình báo Iraq, ngân quỹ ISIS khoảng $2 tỷ, thu nhập bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó 20% từ tống tiền, bắt cóc đòi tiền chuộc. Như vậy đây là nhóm giàu nhất trong các nhóm Jihad (Thánh Chiến Hồi Giáo). ISIS có hệ thống tuyên truyền rất hiệu quả, sử dụng kỹ thuật thông tin để truyền bá lý tưởng và đặc biệt để chiêu mộ những phần tử cực đoan tham gia trở thành chiến binh Jihad.

Trong hoàn cảnh phức tạp của các phe phái, chủng tộc, tôn giáo ở Trung Đông, ISIS có sự hỗ trợ, hợp tác tự nguyện hay miễn cưỡng của rất nhiều nhóm, kể cả nhũng nhóm có võ trang. Hiện nay ISIS đã đoạn giao với AQI, al-Qaeda ở Iraq, nhưng có liên hệ với nhiều tổ chức khủng bố Hồi Giáo từ Phi Châu đến Đông Nam Á.

Tờ New York Times, dẫn nguồn tin từ các giới chức tòa Bạch Ốc, nói rằng chính quyền Obama chuẩn bị một chiến lược lâu dài để tiêu diệt ISIS trong nhiều năm kể cả sau khi Tổng Thống đã mãn nhiệm kỳ. Ngày Thứ Ba, Tổng Thống sẽ phác họa những kế hoạch ấy trong cuộc gặp gỡ các lãnh đạo quốc hội thuộc cả hai đảng ở tòa Bạch Ốc.

Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio, Cộng Hòa-Florida, thành viên cả hai ủy ban tình báo và ngoại giao Thượng Viện, một nhân vật có khả năng tranh cử Tổng Thống năm 2016, sau khi chỉ trích Tổng Thống thường vượt quyền trong đường lối đối ngoại, nói rằng ông muốn được nghe những gì cụ thể. Ông cho rằng lẽ ra Tổng Thống đã phải trình bày điều này từ nhiều tháng hay nhiều tuần trước, và ông đưa ý kiến đề nghị đánh vào những mục tiêu do ISIS kiểm soát ngay trong lãnh thổ Syria.

Theo New York Times, chiến lược đánh ISIS có 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 là bằng không lực. Chiến dịch này khởi đầu từ ngày 8 tháng Tám khi Tổng Thống ra lệnh cho máy bay Mỹ tấn công lực lượng chiến binh Jihad để trợ giúp quân đội Iraq chặn đứng đà tiến của ISIS và cứu các sắc dân thiểu số bị ISIS tàn sát. Cho đến nay máy bay Hoa Kỳ đã xuất kích 143 phi vụ, giúp quân Iraq đẩy lui địch khỏi đập Mosul, bảo vệ được thủ phủ Erbil của dân Kurd - nơi có lãnh sự quán Hoa Kỳ cùng nhiều chuyên viên các công ty dầu lửa Hoa Kỳ làm việc - và khu vực mỏ dầu quan trọng ở Kirkuk.

Giai đoạn 2 là gia tăng huấn luyện, cố vấn, trang bị cho quân đội Iraq, peshmerga – chiến binh người Kurd – và bất cứ bộ tộc Hồi Giáo Sunni nào chống ISIS. Giai đoạn 2 khởi đầu sau khi Iraq lập tân chính phủ, có nghĩa là có thể ngay trong tuần này.

Giai đoạn 3 nhiều ảnh hưởng đến chính trị, đòi hỏi không tập ISIS ngay trong lãnh thổ Syria. Chính quyền Tổng Thống Bashar al-Assad tháng trước không tỏ sự phản đối nhưng đã cảnh báo rằng Washington phải được sự chấp thuận trước. Không có thỏa thuận này, các máy bay Hoa Kỳ sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm vì hỏa lực phòng không của ISIS cũng như quân đội Syria.

Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “Meet the Press” của truyền hình NBC phát ngày Chủ Nhật, Tổng Thống Obama nguyện sẽ tiến công chống các thành phần Hồi Giáo quá khích. Ông tuyên bố như vậy sau 2 ngày dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Wales trở về và Hoa Kỳ đã cùng 9 nước đồng minh Âu Châu đồng ý đánh ISIS do mối đe dọa khủng bố của họ.

Ngoại Trưởng John Kerry sẽ đi Trung Đông để bảo đảm có sự hậu thuẫn của các nước Á Rập trong chiến dịch chống ISIS. Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel hôm Thứ Hai cũng đến vận động Thổ Nhĩ Kỳ và có thể đề nghị nước này đóng cửa biên giới Syria, con đường thông thường các chiến binh Jihad gốc từ những nước Tây Phương sử dụng.

Hôm Thứ Hai, Liên Đoàn Á Rập đồng ý thi hành những biện pháp khẩn cấp chống lại các phần tử quá khích như ISIS. Tuy nhiên nghị quyết đưa ra vào lúc nửa đêm sau một ngày họp của 22 bộ trưởng ngoại giao, không minh thị xác định ủng hộ hành động quân sự của Hoa Kỳ như sự mong mỏi của Tổng Thống Obama về một liên minh quốc tế chống tổ chức này. Bản nghị quyết kêu gọi thi hành những biện pháp chính trị, quốc phòng, an ninh và pháp lý, tuy nhiên không nói thêm chi tiết.

Như thế, sau al-Qaeda, tổ chức khủng bố Hồi Giáo ISIS đang là mục tiêu diệt trừ của các quốc gia Tây Phương do Hoa Kỳ chủ đạo.

ISIS là hậu thân của những tổ chức Hồi Giáo thành hình từ những phần tử quá khích ít nhiều có liên hệ với cuộc kháng chiến chống Nga ở Afghanistan và kế tiếp chống Hoa Kỳ ở Iraq rồi tới phong trào Mùa Xuân Á Rập, làn sóng cách mạng tự do dân chủ bùng phát tại Bắc Phi và Trung Đông. Các cuộc biểu tình, ôn hòa cũng như bạo động, nổi dậy chưa từng có tiền lệ ở các nước Á Rập, có nơi đi đến thành công nhưng có nơi dẫn tới rối loạn và nội chiến. Khởi đầu từ cuối năm 2010, phong trào Mùa Xuân Á Rập được xem như kết thúc vào giữa năm 2012 với cuộc nôi chiến đẫm máu kéo dài ở Syria, một số cơ quan truyền thông gọi phong trào cách mạng còn dang dở này là “Mùa Đông Á Rập.”

Các nhóm Jihad chống Mỹ ở Iraq gồm cả Hồi Giáo Sunni và Shiite nhưng phần chính là nhóm Sunni khởi đầu mạnh mẽ từ 2004. Thoạt tiên, nhóm này hợp tác và trung thành với al-Qaeda (AQI) nhưng tới 2006 nhiều thủ lãnh AQI bị giết hai, bị bắt bởi quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh. Đồng thời những cuộc xung đột giáo phái xảy ra dữ đội giữa Hồi Giáo Sunni và Hồi Giáo Shiite.

Tháng 10 năm 2006, sáu nhóm Jihad ở các tỉnh hầu hết dân Sunni tuyên bố thành lập Nhà Nước Hồi Giáo Iraq, sau đó bao gồm thêm toàn thể miền Levant thành ISIL (hay ISIS) và dần dần đoạn tuyệt với IQI. Mùa Xuân Á Rập là thời cơ để ISIL hoạt động mạnh trở lại, cùng tham gia với những nhóm nổi dậy khác trong cuộc nội chiến chống chính quyền Syria. Tuy nhiên ISIS vẫn là thù nghịch với Mặt Trận al-Nusra phân bộ của al-Qaeda trong cùng liên minh nổi dậy và Free Syria Army, nhóm được Tây Phương hỗ trợ. ISIS là đồng minh với nhiều nhóm Hồi Giáo ở Iraq, Syria cũng như các nhóm quá khích ở Phi Châu như Boko Haram tại Nigeria.

Trong năm 2013, ISIS chiếm được nhiều vùng ở Đông Bắc Syria và lấy thành phố Raqqa làm “thủ đô.” Tháng 6 năm nay, thủ lãnh Abu Omar al-Baghdadi tự xưng “quốc vương” (caliph), chính thức lấy tên là Nhà Nước Hồi Giáo Iraq (IS).

Tại Iraq, ISIS đã có căn cứ địa là tỉnh Anbar, phía tây Baghdad giáp Syria. Từ tháng Sáu, chiến binh ISIS mở cuộc tiến công nhanh chóng chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ nhì trong lãnh thổ dân Kurd và nhiều khu vực miền Bắc. Chiến binh ISIS tỏ ra thiện chiến nhưng đồng thời cũng rất tàn bạo, đàn áp dân thiểu số và khác tín ngưỡng bao gồm dân Yazidi, Turkmen Hồi Giáo Shiite và dân Thiên Chúa Giáo.

Liên Hiệp Quốc ước lượng 180,000 gia đình, nghĩa là gần 1 triệu người tính theo trung bình mỗi gia đình Iraq có 6 người, đã phải bỏ nhà cửa tị nạn. Riêng trong tuần lễ đầu tháng Tám, có hơn 2,000 gia đình bỏ chạy.

Mục tiêu đầu tiên của ISIS là đánh chiếm và thành lập một quốc gia Hồi Giáo Sunni bao gồm một phần lãnh thổ Syria và một phần Iraq, trong lịch sử đã là một vương quốc trong đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ cũng như sau Thế Chiến khi đế quốc này tan rã. Đà tiến của ISIS về Baghdad chỉ bị chặn đứng khi Hoa Kỳ can thiệp cho máy bay oanh kích các đoàn xe chở chiến binh và trọng pháo.

Cuộc xung đột với ISIS tuy nhiên chưa dứt khoát và tương lai thế nào sẽ tùy thuộc phần lớn vào sự can thiệp của Hoa Kỳ trong sự trợ giúp bảo vệ Iraq và trong cuộc chiến chống khủng bố mới sau hơn 10 năm al-Qaeda là mục tiêu chính.


Người Việt