Mỹ đối mặt với khó khăn trong việc xây dựng một liên minh chống IS


Hai quốc gia có tiếng nói lớn trong khu vực Trung Đông là Syria và Iran lại tuyên bố phản đối kế hoạch tiêu diệt IS của Mỹ.

Sau khi Tổng thống Mỹ Obama công bố chiến lược toàn diện mới đối phó với các phần tử thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, một số nước đã đưa ra các phản ứng đầu tiên.

Trong khi hầu hết các quốc gia Arab đồng minh của Mỹ đều nhất trí với Mỹ trong cuộc chiến chống lại các tay súng thánh chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo, thì 2 quốc gia có tiếng nói lớn trong khu vực là Syria và Iran lại tuyên bố phản đối kế hoạch của Mỹ. Đây cũng là những khó khăn mà Mỹ sẽ phải đối mặt trong việc xây dựng một liên minh xuyên suốt Trung Đông để chống lại IS.


Mỹ đối mặt với khó khăn trong việc xây dựng một liên minh chống IS (AP)


10 quốc gia Arab, bao gồm Ai Cập, Iraq, Jordan, Lebanon và 6 quốc gia vùng Vịnh, trong đó có 2 quốc gia giàu dầu mỏ Saudi Arabia và Qatar, đã nhất trí tham gia liên minh của Mỹ chống lại các tay súng thánh chiến người Sunni đang hoành hành tại Iraq và Syria. Đây được cho là một bước đi lớn nhằm xây dựng sự ủng hộ khu vực cho kế hoạch không kích của Mỹ.

Theo đó, các nước này nỗ lực chấm dứt dòng tiền bất hợp pháp cho nhóm thánh chiến bằng cách giải quyết nạn buôn lậu dầu và ngăn chặn các khoản đóng góp từ các nhà tài trợ tư nhân.

Phát biểu sau cuộc họp với Ngoại trưởng của 10 nước Arab tại Thủ đô Jeddah của Saudi Arabia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, các quốc gia Arab đóng vai trò quan trọng trong liên minh của Mỹ nhằm chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo thông qua những hỗ trợ về mặt quân sự và viện trợ nhân đạo.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: "Các quốc gia Arab đóng vai trò quan trọng trong liên minh này, vai trò chủ chốt trong các nỗ lực hỗ trợ quân sự, viện trợ nhân đạo, ngăn chặn các dòng tiền bất hợp pháp và sự tham gia của các tay súng nước ngoài, những gì mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đang cần để duy trì sự tồn tại".

Ngoại trưởng Mỹ đã yêu cầu các nước Arab hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ thông qua việc tăng cường các căn cứ quân sự cũng như các chuyến bay do thám của Mỹ qua khu vực này.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng các bên sẽ nhanh chóng triệu tập cuộc gặp để bàn về vấn đề này. Bên cạnh đó, theo kế hoạch phối hợp chống IS, Mỹ cũng kêu gọi các kênh truyền hình khu vực, đặc biệt là kênh Al Jazeera của Cata và kênh Al Arabiya của Saudi Arabia cho phát sóng các thông điệp chống tư tưởng cực đoan. Sau khi Mỹ công bố kế hoạch thành lập liên minh chống lại IS, Iraq- quốc gia đang hứng chịu sự hoành hành của nhóm khủng bố IS, đã tuyên bố sẽ ủng hộ kế hoạch này của Mỹ.

Phó Thủ tướng Iraq Hoshiyar Zebari nói: "Tuyên bố của ông Obama về một chiến lược mới theo tôi là một chiến lược khôn ngoan và táo bạo. Nó sẽ giúp đẩy lùi, đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Chiến lược này phụ thuộc rất nhiều vào các lực lượng địa phương trên bộ, đặc biệt là lực lượng an ninh Iraq. Nó cũng liên quan đến việc ngăn chặn các tay súng nước ngoài tham gia vào lực lượng của nhóm Nhà nước Hồi giáo, liên quan đến việc chấm dứt nguồn tiền cung cấp cho nhóm khủng bố và liên quan đến sự đóng góp trong chiến dịch quân sự và trong hỗ trợ kỹ thuật về vũ khí và các thiết bị".

Tuy nhiên, liên minh chống IS của Mỹ lại thiếu sự hỗ trợ từ 2 thành viên lớn trong khu vực là Iran và Syria. Đây cũng chính là những khó khăn mà Mỹ đang phải đối mặt trong việc xây dựng một liên minh xuyên suốt Trung Đông để chống lại IS. Chính quyền Syria của Tổng thống al-Assad đã lên tiếng cảnh báo việc Tổng thống Obama cho phép tiến hành các cuộc không kích ở Syria có thể "là những đốm lửa đầu tiên trong cuộc xung đột ở khu vực".

Trong khi đó, Iran cho rằng mục đích thực sự của liên minh quốc tế chống lại IS ở Syria và Iraq có "sự mơ hồ nghiêm trọng". Iran bày tỏ nghi ngờ về mức độ nghiêm túc của liên minh này khi một số thành viên của liên minh ủng hộ những kẻ khủng bố ở Iraq và Syria.

Những bước đi đầu tiên trong kế hoạch của Mỹ về một liên minh chống IS không mấy xuôi chèo mát mái khi kế hoạch này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Nga cho rằng cuộc chiến nhằm vào các tay súng thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tại 2 quốc gia Trung Đông là Syria và Iraq chỉ nên được thực hiện theo luật pháp quốc tế và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tuyên bố cuộc chiến chống lại thế lực xấu xa này cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng như tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và Iraq.

Theo ông Lukashevich, các cuộc không kích nhằm các phiến quân Hồi giáo tại Syria mà không có sự ủy nhiệm của Hội đồng bảo an cũng như không có sự chấp thuận của chính phủ hợp pháp ở Syria sẽ là một hành động gây hấn, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, Trung Quốc cũng ra tuyên bố nêu rõ, trong cuộc chiến chống khủng bố, cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước liên quan./.

Theo vov.vn