Nga–Trung muốn thắt chặt thêm quan hệ


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tại hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - REUTERS /Mikhail Klimentyev

Trung Quốc và Nga phải “ mở cửa cho nhau hơn nữa, bắt tay giúp nhau ” và thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ trước sự gia tăng các “ đe dọa từ bên ngoài” , đó là nội dung cơ bản của cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin trong tại Tadjikistan nhân Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (OCS), được báo chí tại Trung Quốc dẫn lại.
[/h] Sự xích lại gần nhau đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế giữa Bắc Kinh và Matxcơva đã được tăng tốc trong năm nay trong bối cảnh tình hình quốc tế căng thẳng và hai nước đang cùng phải đối mặt với những khó khăn khá tương đồng.
Với Nga là cuộc khủng hoảng Ukraina vòn với Trung Quốc là nhưng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông và Hoa Đông. Thông tín viên Caroline Puel tại Bắc Kinh tóm lược :
Cuộc khủng hoảng Ukraina càng đẩy Nga ra xa với châu Âu bởi mối đe dọa và trừng phạt thì Matxcơva càng cố gắng đi tìm luồng gió mới ở bên kia đường biên giới phía đông với người láng giềng cộng sản Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.
Chiến lược của Bắc Kinh là một mặt kêu gọi tôn trọng ngừng bắn và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, không nhúng vào chuyện trừng phạt Nga nhưng mặt khác vẫn mở cửa với người láng giềng Nga mà họ có chung hơn ba nghìn cây số đường biên giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho biết ông ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin ứng cử vào cương vị Chủ tịch OCS vào năm tới, trong khi mà Tổ chức Hợp tác Thượng hải này đang chủ trương mở rộng. Bắc Kinh còn đưa ra sáng kiến thiết lập một « hành lang » kinh tế nối liền Trung Quốc, Mông Cổ và Nga tập trung vào các hợp tác trên lĩnh vực năng lượng, giao thông và môi trường.
Đây là lần thứ tư trong năm hai ông Putin và Tập Cận Bình gặp nhau. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ tư tại Nga và còn là đối tác thương mại hàng đầu.
Đã từng gắn bó với nhau trong suốt 30 năm dưới thời cộng sản trước khi tan vỡ và sau đó hai bên đã thận trọng xích lại gần nhau. Giờ đây Bắc Kinh và Matxcơva lại hội ngộ nhau với lý do kinh tế, một mối quan hệ cũng mang tính chiến lược.

RFI