.

Những lối về ấu thơ
Phạm Công Luận & Đặng Nguyễn Đông Vy


Có nhiều điều quý giá mà một khi thời gian qua đi, chúng ta sẽ chẳng thể nào tìm kiếm lại được. Chúng không biến mất hoàn toàn mà mãi mãi nằm sâu trong tiềm thức của mỗi người, song, cuộc sống lại khiến cho chúng ta dễ dàng lãng quên những điều ấy. Tuổi thơ chăng? Ừ, tuổi thơ cũng là một thứ “kỷ vật” cần gìn giữ cẩn thận để lâu lâu thấy nhớ, chúng ta lại lôi nó ra, ngắm nghía và lắng lòng yên tĩnh.

Hai tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy và Phạm Công Luận dường như cũng muốn lưu giữ một thơ trẻ nên đã viết chung cuốn sách Những lối về ấu thơ. Quyển sách với những bài viết đầy cảm xúc về những điều từng rất thân quen với mỗi người Việt Nam thuộc thế hệ đi trước như 6x, 7x, và những người đầu 8x với một giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, mang tính giáo dục cao cùng những triết lý nhân sinh đơn giản, dung dị.

Cuốn sách chắc chắn sẽ đưa người đọc trở về với những kỷ niệm đầy màu sắc, làm cho chúng ta thấy một phần con người của chính mình, gợi lên biết bao điều tốt đẹp và hướng đến một tương lai tươi sáng.

Những lối về ấu thơ của Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy mở ra trước mắt người đọc nhiều “lối về” thân quen, gần gũi như: hương vị Tết với bánh tét truyền thống, thịt kho hột vịt thơm lừng; hình ảnh của lũ trẻ xúm xít nhận tiền lì xì, và cả những nỗi buồn thơ trẻ khi “ông bán bánh mì” lúc nào cũng cắt miếng thịt to, chả to và cả lát ớt cũng to không còn bán trước cổng trường nữa...

Những lối về ấu thơ là tập hợp với 35 tản văn đầy thi vị, hồn nhiên và nhẹ nhàng. Từng câu chuyện ăm ắp cảm xúc tươi vui, hồn nhiên trong đó là từng con đường nhỏ bé, diệu kỳ, từng khoảnh khắc nhiệm mầu đưa lối ta về với không gian của những tâm hồn nhỏ dại, bé bỏng, trong sáng vô ngần - một cõi yên bình thực sự...

“... Như vậy, những món yêu thích hồi còn nhỏ ta ăn khôngchỉ bằng lưỡi, bằng miệng mà bằng cả tâm hồn, cảm xúc và tất nhiên bằng cả nhu cầu của một cơ thể đang lớn. Cái bánh nào ngon bằng bánh mẹ cho ta khi mới đi chợ về, được gói trong lớp giấy điều mỏng thấm loang vết dầu từ vỏ bánh. Chén cơm nào ngon bằng chén cơm ấm nóng trong một chiều mưa, sau một trận đá banh ngoài bãi cỏ gần nhà. Lúc ấy cơm ăn với cá,thịt, trứng chiên hay ba khía đều ngon…” (Quà vặt)

Một người lớn lên ở thôn quê, một người sinh ra nơi phố thị, họ có những ký ức khác nhau nhưng cùng chung một nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi về những ngày đã cũ. Tập tản văn Những lối về ấu thơ của hai tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy, Phạm Công Luận đưa người đọc trở về với ký ức của chính họ: một Sài Gòn duyên dáng và thi vị của những ngày xưa cũ, một chốn quê nhà yên bình và man mác buồn, qua: Lan man Sài Gòn, Hẻm nhỏ, Thuở Sài Gòn còn se lạnh, Lại thêm xuân nữa gieo nhẹ mái đầu, Người đã tặng tôi một nhánh sơ ri..., Vạn thọ hương, Như ngôi nhà của thời thơ ấu...

Nhưng những hình ảnh và cảm xúc tưởng như riêng tư ấy lại quen thuộc đến nỗi bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể tìm thấy mình trong đó. Giọng kể nhẹ nhàng, thỏ thẻ như đang tâm tình và vô cùng sâu sắc, đôi lúc chỉ là một kỷ niệm thoáng qua, có khi lại là những ký ức rất cụ thể... Hai giọng văn khác nhau hoà quyện thành một dòng chảy êm ái, mượt mà đến lạ nhờ sự sắp xếp xen kẽ khá hợp lý của các bài viết...

Đặng Nguyễn Đông Vy là một cái tên không hề xa lạ đối với độc giả của các báo dành cho tuổi mới lớn (Sinh viên Việt Nam, Hoa Học Trò...). Cô cựu học sinh chuyên văn ở ngôi trường nổi tiếng thành phố Nha Trang - trường chuyên Lê Qúy Đôn là thành viên của gia đình “Vì ngày mai phát triển” báo Tuổi Trẻ (chương trình 16). Với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và thuần hậu đặc biệt của mình, các tác phẩm của Đông Vy được đông đảo bạn đọc trẻ rất yêu thích: Làm ơn hãy để con yên; Những lối về ấu thơ (viết chung với Phạm Công Luận); Hãy tìm tôi giữa cánh đồng...

Phạm Công Luận cũng là một tác giả quen thuộc với một số tác phẩm như: Những lối về ấu thơ; Chú bé Thất Sơn; Đường Phượng Bay; Những sắc màu Nhật Bản (viết chung với Asako Kato); đồng thời anh là chồng của cây bút Đặng Nguyễn Đông Vy và viết cùng cô một số bài dưới bút danh chung là Phạm Lữ Ân như: Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi; Nếu biết trăm năm là hữu hạn; Dư vị từ những tình bạn nhạt nhòa, Còn thời cưỡi ngựa bắn cung; Như chờ tình đến rồi hãy yêu...

Nguồn: lazada online