VOV.VN- Các nhà khoa học cảnh báo sẽ khó có thể khống chế dịch Ebola nếu thế giới không phát triển được 1 loại vaccine chống lại chủng virus nguy hiểm này.

Dịch Ebola đang có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát tại 3 nước khu vực Tây Phi và đe dọa trực tiếp 15 nước khác trong đó có khu vực châu Âu và Mỹ. Trong khi Quốc hội Mỹ đề xuất cấm du khách Tây Phi để ngăn chặn một cách tối đa nguy cơ lây lan dịch Ebola, thì các nước Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, cần tăng cường các biện pháp đề phòng từ chính khu vực Tây Phi.


Dịch bệnh Ebola đang đe dọa trực tiếp 15 nước khác trong đó có khu vực châu Âu và Mỹ (ảnh: Reuters)

Ngày 16/10, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã chỉ trích phản ứng chậm trễ của chính quyền Tổng thống Barack Obama, đồng thời thúc giục Nhà Trắng ban hành lệnh cấm du khách từ các nước phía Tây châu Phi nhập cảnh vào Mỹ để ngăn chặn nguy cơ bùng phát trận dịch chết người Ebola trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.

Trong phiên điều trần của Giám đốc Trung tâm Ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh liên bang Mỹ Thomas Frieden, một số nghị sỹ Quốc hội Mỹ, trong đó có cả Hạ nghị sỹ Dân chủ Bruce Bradley, cáo buộc chính quyền đã phản ứng không đủ nhanh trong vụ nhiễm Ebola đầu tiên phát hiện tại một bệnh viện ở thành phố Dallas, bang Texas. Một số nghị sỹ đảng Cộng hòa kiến nghị Nhà Trắng cấm các chuyến bay tới Mỹ từ các nước Tây Phi, đặc biệt là Guinea, Sierra Leone và Liberia, cấm nhập cảnh hoặc hạn chế cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân 3 nước này.

Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Quản lý hàng không dân dụng liên bang Mỹ (FAA) Michael Huerta cho biết Mỹ đang cân nhắc việc ban hành một lệnh cấm du lịch trên cơ sở “từng ngày” đối với các du khách từ các nước Tây Phi. Tuy nhiên, các quan chức Trung tâm Ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh liên bang Mỹ cho rằng một lệnh cấm như vậy cũng sẽ không giải quyết được các thách thức do Ebola gây ra.

Tổng thống Mỹ Obama cũng khẳng định chưa ban hành lệnh cấm đi lại với các nước Tây Phi đang có dịch. Ông Obama nói: “Trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần phải thấy rằng, các dịch bệnh truyền nhiễm như thế này đã được đối phó rất tốt. Thế nhưng, nhiều người cho rằng, cấm đi lại vẫn là biện pháp tốt nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát tình hình và sẽ không ngần ngại làm những gì cần thiết để ngặn chặn một cách tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Mỹ”.

Trong khi đó, trước nguy cơ lây lan dịch Ebola tại khu vực châu Âu, Bộ trưởng Y tế các nước Liên minh châu Âu ngày 16/10 lại tỏ ra không đồng tình với việc áp dụng các biện pháp soi chiếu đối với tất cả các hành khách đến khu vực châu Âu. Thay vào đó, Bộ trưởng Y tế các nước cho rằng, biện pháp này nên được áp dụng đối với các hành khách rời đi từ sân bay của vùng có dịch Ebola.

Trong cuộc họp ngày ngày 16/10 tại Brussel, Bỉ, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề Y tế Tonio Borg cho biết: “Các nước thành viên đều muốn đẩy mạnh hệ thống soi chiếu tại các sân bay khu vực châu Phi, đặc biệt là những nước có dịch Ebola. Biện pháp này hiện đang được áp dụng cả ở những nước châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề là liệu nó có hiệu quả hay không. Cùng với Tổ chức Y tế thế giới, Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành kiểm tra tính hiệu quả của hệ thống này và sẽ tăng cường, củng cố biện pháp này nếu cần thiết”.

Ông Tonio Borg cũng cho biết, việc áp dụng các biện pháp soi chiếu đối với các hành khách tới sân bay khu vực châu Âu là tùy thuộc vào quyết định mỗi nước. Ủy ban châu Âu sẽ không áp đặt đối với các thành viên. Mặc dù có đã có một số ca nhiễm Ebola tại châu Âu, nhưng nguy cơ lan rộng dịch bệnh ở lục địa này vẫn rất thấp./.