Trắng tay sau ly hôn


Cả tin, giao trọn việc kinh doanh cho chồng, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (* Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) lùi về chăm sóc gia đình. Những tưởng sự hy sinh của chị sẽ được bù đắp xứng đáng nhưng cuối cùng, chị lại đứng trước nguy cơ trắng tay sau ly hôn, dù tài sản chung của hai vợ chồng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Thêm chứ không bớt

Năm 1996, chị Nhung kết hôn với anh Nguyễn Hoàng Ân (cùng địa phương). Lúc đó, anh Ân vì gia cảnh khó khăn, học xong cấp III phải ở nhà làm rẫy. Sau ngày cưới, thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào cửa hàng may của chị Nhung. Ngoài việc may quần áo, chị còn nhận dạy kèm nghề may nên cũng đủ đắp đổi qua ngày. Được anh ruột cho một miếng đất vườn, anh Ân trồng cây trái, đến mùa đi buôn thêm cà phê, tiêu, nhưng nương rẫy mùa được mùa mất, buôn bán lại khó khăn nên chẳng phụ được gì nhiều cho vợ. Chị kể: “Ngày ấy tuy nghèo khó, vất vả mà vợ chồng êm ấm, tiếc là những ngày bình yên lại quá ngắn ngủi”.

Năm 2001, không chịu nổi cảnh nghèo, anh Ân khăn gói lên TP.HCM kiếm sống. Một người quen giúp đỡ giới thiệu anh vào làm trong một công ty cung cấp suất ăn công nghiệp. Quyết vượt qua cái nghèo, anh vừa làm vừa học, không lâu sau thì được cất nhắc vị trí quản lý. Sau đó, anh chủ động ra ngoài lập cơ sở riêng. Từ ngày chồng kiếm được nhiều tiền, chị Nhung cũng thôi nghề may vá. Nhưng, kể từ đó anh Ân bắt đầu thay đổi. Trước đây lương tháng bao nhiêu anh gửi về hết cho vợ, nay anh gửi tiền chỉ đủ chi tiêu, số lần anh về thăm nhà cũng thưa dần. Rồi qua một người bạn, chị biết anh có quan hệ bên ngoài. Chị tìm đến tận nhà nhân tình của anh. Cô ta hứa sẽ rời xa anh. Vì vậy, dù sống dở chết dở với nỗi hờn ghen, chị vẫn dằn lòng bỏ qua.
Năm 2008, vì muốn giữ gia đình, chị Nhung quyết định lên TP.HCM sống cùng chồng. Sau nhiều lần chị tỉ tê, anh Ân đồng ý mua nhà đón mẹ con chị lên. Thế nhưng, anh lại thường xuyên vắng nhà, thỉnh thoảng mới ghé về một hai ngày rồi lại đi. Đến một ngày chị chết lặng khi biết chuyện anh có con rơi. Chị cười buồn kể: “Anh không phủ nhận chuyện ngoại tình nhưng cũng không chịu ly hôn. Nhiều lần tôi bảo anh nếu không còn yêu vợ nữa thì ly hôn đi. Anh ta bảo, vợ chỉ có thêm chứ không bớt. Thương con tôi cố chịu đựng, chấp nhận cảnh chồng chung”. Tuy có người đàn bà khác nhưng anh vẫn lo đầy đủ cho cuộc sống của hai mẹ con chị, nên chị cũng hy vọng một ngày anh sẽ chồn chân mỏi gối mà trở về.
Bất ngờ vào giữa năm 2011, anh Ân nộp đơn xin ly hôn, đòi quyền nuôi con. Biết chẳng thể níu kéo, chị Nhung chấp thuận ly hôn. Chị cũng chấp nhận cho con theo cha vì điều kiện kinh tế của anh ổn định hơn. Chị đau đớn: “Tôi không muốn con trai phải khó xử trong việc chọn lựa giữa cha và mẹ. 17 tuổi, tôi tin con tôi đủ lớn để hiểu nỗi đau của mẹ nó”.


Tài sản càng đòi… càng âm

Trong phiên hòa giải, chị Nhung yêu cầu chia tài sản với số tiền được kê khai tại tòa là hơn 70 tỷ đồng. Thế nhưng, anh Ân lại đưa ra những giấy tờ nợ nần vượt xa con số đó. Bất động sản của vợ chồng chị nằm ở nhiều địa phương, việc thẩm định khó khăn, tòa kéo dài vụ việc. Cũng từ ngày nộp đơn ly hôn, anh Ân luôn tìm cách phá rối cuộc sống của chị và không chu cấp cho chị nữa. Mảnh vườn chị trồng cây trái, đến mùa thu hoạch Ân cho người đến phá, cấm thương lái mua hàng của chị, đe dọa, mua chuộc không cho ai đến làm công cho chị.
Gần ba năm mòn mỏi, để tòa nhanh chóng xét xử, chị Nhung phải xin rút lại một số tài sản đang tranh chấp, chỉ yêu cầu chia một phần tài sản trị giá hơn ba tỷ đồng gồm căn nhà chị đang ở và một khu đất vườn. Chị dự tính sau ly hôn sẽ khởi kiện đòi phần tài sản còn lại.
Ra tòa, anh Ân không thừa nhận căn nhà và khu đất trên là tài sản chung của hai vợ chồng. Theo anh ta, tài sản trên do anh ta vay 150 lượng vàng từ một người anh kết nghĩa để mua. Anh và chị không có tài sản chung. Phần chị Nhung cũng thừa nhận từ khi anh Ân lên thành phố lập nghiệp, chị ở nhà chăm sóc con cái, nương rẫy, không được anh bàn bạc, chia sẻ chuyện làm ăn. Món nợ 150 lượng vàng như từ trên trời rơi xuống, chị chưa bao giờ nghe anh nói đến, chỉ biết ngày anh mua căn nhà đầu tiên, chị đã bán miếng đất 110 triệu đưa tiền cho anh. Về sau, anh ta đã bán căn nhà đó để mua căn nhà hiện tại.

Hợp đồng mượn nợ của anh Ân là một mảnh giấy viết tay có chữ ký của người cho mượn và người mượn, không có người làm chứng. Oái ăm, điều đó lại không trái với quy định của pháp luật nên tòa buộc chị phải có trách nhiệm trả nợ chung với anh ta. Tài sản và nợ đều trong thời kỳ hôn nhân nên tài sản được chia đôi đồng nghĩa với việc nợ cũng chia đôi. Phần nợ lại lớn hơn phần tài sản được chia nên chẳng những chị không được đồng nào mà còn mắc nợ hơn một tỷ đồng.
Mỗi tài sản tranh chấp còn lại đều được anh ta gắn với một giấy mượn nợ. Chị thừa biết đó là “giấy nợ khống” nhưng lại không thể chứng minh được nguồn gốc cũng như tiền ở đâu để mua được số tài sản trên. Nếu tiếp tục kiện đòi chia tài sản, liệu chị sẽ đòi được gì?

NHƯ PHONG

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM), căn cứ điều 471 Bộ luật Dân sự, hợp đồng vay tài sản là thỏa thuận giữa các bên. Do đó, hợp đồng vay nợ không cần phải công chứng, chứng thực vẫn có giá trị pháp lý làm chứng cứ để đòi nợ. Khi tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng, một số người đã lợi dụng kẽ hở này để “tạo ra” giấy tay vay nợ tương ứng với thời điểm tạo lập tài sản để yêu cầu tòa xét xử buộc bên tranh chấp tài sản chung phải cùng trả nợ. Yêu cầu này dễ được chấp nhận vì rất khó chứng minh khả năng tài chính của vợ chồng khi tạo lập tài sản chung. Trường hợp của chị Nhung, nếu không chứng minh được khả năng tài chính của vợ chồng khi tạo lập tài sản chung, chị phải chịu trả nợ cùng với chồng. Nếu không muốn trả nợ thì không tranh chấp tài sản. Để tránh rơi vào trường hợp trên là rất khó vì tranh chấp tài sản chung của vợ chồng rất phức tạp. Chỉ có thể phòng ngừa bằng cách khi tạo lập tài sản, hai vợ chồng cùng ký tên biên nhận trả tiền. Vợ chồng cùng làm giấy xác nhận tài sản do công sức lao động của cả hai tạo lập. “Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong các vụ án tranh chấp tài sản chung của vợ chồng, Luật Hôn nhân và gia đình cần bổ sung quy định về nợ riêng, nợ chung của vợ chồng. Đối với nợ có giá trị lớn, phải có chữ ký của vợ, chồng”, luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ