Một lần nữa, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông lại được bàn thảo và lần này là tại hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10, diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-10 ở thành phố Milan, Italia).Vì hội nghị ASEM 10 là nơi quy tụ nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của 51 đối tác Á - Âu, nên vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông được dư luận đặc biệt quan tâm.

Năng lượng Mới số 366



Theo ông David O’Sullivan, vì đây là vấn đề tồn tại đã lâu, nên Liên minh châu Âu (EU) mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp trên cơ sở tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Thỏa thuận phòng thủ

Cuộc diễn tập quân sự thường niên Bersama Lima 2014 (từ 12 đến 22-10) trong khuôn khổ “Thỏa thuận phòng thủ ngũ cường” (FPDA, gồm 5 nước Australia, Anh, Singapore, New Zealand và Malaysia) tại Singapore, Malaysia và trên Biển Đông được dư luận quan tâm bởi chống lại mối đe dọa an ninh giả định xung quanh khu vực Biển Đông.

Theo “Mạng tin tức Nhật Bản”, ngày 16-10, tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston sẽ đàm phán với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto về thỏa thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm lớp Soryu. Đây là tàu ngầm điện - diesel hiện đại nhất thế giới hiện nay. Việc này diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Bắc Kinh (13-10).

Trước đó (8-10), Nhật Bản đã hạ thủy chiếc tàu ngầm lớp Soryu mới nhất, mang tên Black Dragon, tại nhà máy đóng tàu Kobe và hiện lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có 5 tàu ngầm lớp Soryu. Đây là chiếc thứ 7 của tàu ngầm lớp Soryu kiểu mới sử dụng công nghệ AIP (số hiệu SS-507), trang bị ống phóng ngư lôi có thể bắn tên lửa đối hạm với kinh phí khoảng 54,5 tỉ yen/chiếc.


Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc ngày càng thường xuyên giễu võ dương oai trên Biển Đông

Ngày 13-10, tờ The Atlantic dẫn phân tích của nhà bình luận địa - chính trị Đông Á Howard French khi đề cập tới sự huênh hoang, khiêu khích của Trung Quốc, đặc biệt là đang tìm cách vẽ lại biên giới trên biển, “giết gà dọa khỉ” ở Biển Đông, do đó các nước láng giềng đều muốn ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Ngày 10-10, Hải quân Trung Quốc tổ chức lễ biên chế và đặt tên cho tàu quét thủy lôi Type 081 mới nhất (Vũ Thành 846) tại một quân cảng ở Đại Liên. Đây là loại tàu quét thủy lôi kiểu mới nhất do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo.
Ngày 12-10, tờ Liên hợp buổi sáng cho biết, thủy phi cơ Giao Long-600 do Trung Quốc chế tạo, có khả năng mang vũ khí tấn công tàu ngầm, hiện đang được lắp ráp tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Dự kiến, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên sẽ diễn ra vào cuối năm tới và một khi bay thử nghiệm thành công, Giao Long-600 sẽ trở thành máy bay lớn nhất thế giới có thể đỗ cả trên bộ và trên biển.
Cũng trong ngày 12-10, tờ Nhật báo Hải Nam (Trung Quốc) cho biết, tàu khu trục máy bay trực thăng Izumo đã chạy thử lần đầu tiên ở vùng biển ngoài Yokosuka dưới sự cảnh giới của 2 tàu kéo và sẽ chính thức đưa vào hoạt động trong tháng 3-2015. Dự kiến đến năm 2020, Tokyo sẽ nhập khẩu và triển khai máy bay hải quân cánh cố định F-35B và nâng cấp Izumo thành tàu sân bay. Sau khi chính thức đi vào hoạt động, tàu Izumo sẽ tăng cường sức chiến đấu săn ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản lên gấp đôi.
Theo một quan chức Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ không tới thăm đền Yasukuni trong thời gian diễn ra lễ hội mùa Thu (từ 17 đến 20-10). Đây là động thái cho thấy, ông Shinzo Abe muốn tránh làm tổn hại tới mối quan hệ Nhật - Trung - Hàn, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản đang dàn xếp các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo hai nước kể trên bên lề Diễn đàn APEC tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong tháng 11. Hãng Reuters từng đưa tin, khi thực hiện chuyến thăm 2 nước Nam Á hồi tháng 9, Thủ tướng Shinzo Abe muốn liên kết với các nước hữu quan để làm đối trọng với Trung Quốc. Ngày 13-10, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cảnh báo, việc Tokyo luôn dõi theo lập trường của Washington trong chính sách ngoại giao của mình là tai họa cho đất nước và sẽ dẫn đến tình trạng mất tự chủ.
Ngày 10-10, Tân Hoa xã và Thời báo Hoàn Cầu dẫn bình luận của Chủ tịch Hội Nghiên cứu Binh pháp Tôn Tử và là Viện sĩ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc về việc Bắc Kinh đang chuẩn bị chiến tranh với Nhật Bản và phương Tây. Theo tài liệu mới giải mật của Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ, máy bay Mỹ (như RC-135U Combat Sent) từng gia tăng do thám Trung Quốc. Tạp chí quân sự Russian Military Analysis của Nga cho rằng, Trung Quốc cần khoảng 1.200 chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 (J-10B) để đối đầu với không quân Nhật Bản Hàn Quốc và Đài Loan.
Tàu sân bay không thể đánh chìm?
Sau khi Trung Quốc hoàn tất đảo nhân tạo và xây dựng sân bay trên đó thì nó sẽ là một “tàu sân bay không thể đánh chìm”, nhưng điều này không có nghĩa đó là “tàu sân bay bất khả chiến bại”. Đây là nhận định của Tạp chí quân sự Kanwa (Canada). Trước đó (9-10), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Nghê Lạc Hùng, nhà phân tích quân sự tại Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng, mục đích của Bắc Kinh khi công khai những bức ảnh mới nhất, rõ nhất về sân bay quân sự (trái phép) trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam là nhằm gửi thông điệp cảnh báo Việt Nam và Mỹ rằng, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Cũng trong ngày 9-10, tờ Nhân Dân nhật báo dẫn phỏng vấn chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Triệu Trung cho rằng, thủ phạm “làm loạn Biển Đông” là Mỹ, chứ không phải Trung Quốc!? Trương Triệu Trung nhận định, tranh chấp Biển Đông liên quan chặt chẽ với quan hệ Trung - Mỹ, thậm chí tác động đến phương hướng quan hệ của 2 nước này. Theo giới truyền thông, Đài Loan đang hoàn tất xây dựng (trên 100 triệu USD) bến cảng phi pháp ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và dự kiến sẽ đưa các tàu tuần tra 3.000 tấn đến đảo này. Được biết, bến cảng ở đảo Ba Bình khi hoàn tất vào cuối năm 2015 có thể tiếp nhận tàu lớn.
[CENTER]

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo
Theo giới phân tích, những phát biểu mới đây của lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan cho thấy, 2 bên vẫn còn bất đồng sâu sắc, cho dù quan hệ 2 bờ eo biển đã được cải thiện mạnh mẽ trong mấy năm qua. Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu khẳng định, Đài Loan sẽ không trở thành “Hongkong thứ 2”.
Đài Loan luôn cảnh giác trước tham vọng của Trung Quốc, nhất là sau tuyên bố hôm 26-9 của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình về công thức “nhất quốc lưỡng chế” tại cuộc nói chuyện với Chủ tịch Tân Đảng Úc Mộ Minh ở Bắc Kinh. Bởi theo ông Tập Cận Bình, “nhất quốc lưỡng chế” - 1 quốc gia, 2 chế độ, là nguyên tắc trong giải quyết vấn đề Đài Loan và không có chuyện Bắc Kinh chấp nhận kéo dài thời gian thống nhất 2 bờ eo biển Đài Loan.
Vì không loại trừ khả năng Trung Quốc dùng vũ lực thống nhất Đài Loan nên Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho rằng, Bắc Kinh sẽ đạt khả năng tấn công toàn diện trước năm 2020 và vùng lãnh thổ này cần có sự đề phòng. Theo chuyên gia Michael Cole thuộc Đại học Nottingham (Anh), Đài Loan có những vũ khí có thể giúp trụ lâu trong cuộc chiến. Đó là máy bay không người lái (UAV) vũ trang tầm xa; chiến đấu cơ đa nhiệm có khả năng cất/hạ cánh trên đường băng ngắn; tên lửa hành trình tầm trung/xa và tàu ngầm.
Giới truyền thông Đài Loan cũng vừa dẫn lời quan chức hải quân Đài Loan cho biết, trong 20 năm tới, Đài Loan sẽ đóng mới 4 tàu khu trục loại 10.000 tấn, từng bước thay thế 4 tàu khu trục lớp Kidd đã lỗi thời. Ngoài ra, hải quân Đài Loan còn đóng mới 4 tàu hộ vệ 2 thân lớp 3.000 tấn để dần thay thế cho tàu lớp Perry và La Fayette.
Trước đó, tờ Thời báo Trung Quốc đưa tin, Đài Loan quyết định chi 74,8 tỷ Đài tệ để mua tên lửa Thiên Cung-3 (có tính năng tương đương tên lửa Patriot, nhưng giá chỉ bằng 1/6) nhằm thay thế tên lửa Hawk đã hoạt động trên 40 năm, trang bị cho hải quân, phối hợp với tên lửa SM-1, Patriot-2, Patriot-3 và Thiên Cung-1, Thiên Cung-2 hiện nay.
Tại hội thảo công nghiệp quốc phòng Mỹ - Đài Loan (hôm 6-10 ở Mỹ), lãnh đạo quân đội Đài Loan đã đề nghị Washington cung cấp cho Đài Loan công nghệ và các vũ khí mà hòn đảo này cần để phòng thủ, đặc biệt là tàu ngầm diesel - điện và máy bay chiến đấu hiện đại. Cũng trong ngày 6-10, Cục Cảnh sát biển Đài Loan (CGA) thông báo, sẽ điều thêm tàu tuần tra cỡ lớn để ngăn chặn tàu Trung Quốc khai thác cát bất hợp pháp và săn trộm cá.

Dư luận quan tâm tới thông tin trên tờ Đại công báo khi đăng bài “Nửa năm 2 lần hoán đổi, Khâu Diên Bằng thay thế Đỗ Cảnh Thần làm Tham mưu trưởng Hải quân”. Theo đó, ông Khâu Diên Bằng được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải hồi tháng 12-2013, nhưng trước ngày 1-8 lại được cử thay thế thay thế ông Đỗ Cảnh Thần làm Tham mưu trưởng Hải quân. Hơn nửa tháng trước (30-9), nguyên Chính ủy Hạm đội Bắc Hải Lệ Giang Đàm được bổ nhiệm làm Phó chính ủy Hạm đội Đông Hải; nguyên Phó chính ủy Hạm đội Đông Hải,
Thiếu tướng Lý Hoa được bổ nhiệm làm Phó chính ủy Hạm đội Bắc Hải. Trước đó, Tân Hoa xã đưa tin, Quân ủy Trung ương vừa bổ nhiệm Trợ lý Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Ất Hiểu Quang làm Phó tổng Tham mưu trưởng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Tổng cục Trang bị, Thiếu tướng Vương Lực làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Trang bị. Ông Ất Hiểu Quang là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, hiện là Trung tướng trẻ nhất Trung Quốc.
TL