Nga lộ kế hoạch quân sự đầy tham vọng ở Bắc Cực


Nga sẽ kiểm soát quân sự toàn bộ khu vực bờ biển kéo dài 6200 km của mình ở Bắc Cực trước cuối năm 2014, chỉ trong vòng một năm sau khi Moscow công bố kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự đầy tham vọng trong khu vực này của mình.


ảnh minh họa

Thông tin trên vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ông Sergei Shoigu đưa ra hôm qua (21/10).Trước cuối năm nay, chúng tôi sẽ triển khai phần lớn các đơn vị trong khu vực – từ Murmansk đến Chukotka”.

Moscow đã công bố kế hoạch thành lập một lực lượng đặc nhiệm tại khu vực chiến lược này từ tháng 12 năm ngoái theo chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định rằng, Nga cần huy động “tất cả nguồn lực để bảo lợi ích quốc gia và an ninh của mình trong khu vực đầy hứa hẹn”.

Ông Shoigu cho biết: “Nhiều căn cứ trong khu vực cần được nâng cấp sửa chữa. Trên thực tế, nhiều trường bay, các căn cứ hậu cần, hệ thống cấp thoát nước, trạm điện cần phải được xây dựng lại từ đầu, đó là những gì chúng ta phải làm bây giờ”.

Bên cạnh đó, theo dự kiến, trong vòng 6 năm tới, Nga sẽ có tổng cộng 8 tàu ngầm hạt nhân lớp Borey, tàu ngầm dự kiến sẽ trở thành xương sống trong Lực lượng Hạt nhân Chiến lược của Nga hoạt động tại Bắc Cực.

Ngoài ra, Nga cũng đang trong quá trình khôi phục lại ít nhất 7 sân bay quân sự đã bị bỏ hoang sau khi Liên Xô sụp đổ, trong đó, sân bay Tiksi ở Yakutia dự kiến sẽ là nơi đồn trú của Không lực Bắc Cực.

Cùng với đó, Nga cũng sẽ thiết lập một trung tâm chỉ huy quân sự chiến lược mới trước cuối năm 2014 để bảo vệ các lợi ích của nước này ở Bắc Cực.

Cơ cấu quân sự mới sẽ bao gồm Hạm đội phương Bắc, các lữ đoàn Bắc Cực, các đơn vị của lực lượng phòng không, không quân và các cơ quan kiểm soát khác. Tư lệnh Hạm đội phương Bắc sẽ chỉ huy cơ cấu quân sự mới này. Theo đó, trung tâm chỉ huy mang tên Sở Chỉ huy Thống nhất-Hạm đội phương Bắc này sẽ có trọng trách bảo vệ các lợi ích của Nga bao gồm các nguồn lợi khí đốt, dầu mỏ, hải sản và tàu bè của nước này trên Bắc Cực cũng như đường biên giới quốc gia ở phương Bắc.

Tổng thống Nga cũng ra lệnh thành lập một mạng lưới căn cứ hải quân thống nhất tại các vùng lãnh thổ Bắc Cực của Nga để tiếp đón các tàu chiến và tàu ngầm hiện đại làm nhiệm vụ bảo vệ lợi ích và đường biên giới của nước này tại khu vực.

Không chỉ có vậy, gần đây Nga còn đang tăng cường các cuộc tập trận hải quân và không quân ở khu vực này nhằm giúp cho lực lượng thủy quân lục chiến của hạm đội làm quen với khí hậu khắc nghiệt ở Bắc Cực.

Các cuộc tập trận được tổ chức không ngoài mục đích bảo vệ các lợi ích của Nga ở Bắc Cực và để tái khẳng định rằng Bắc Cực thuộc sở hữu lịch sử của Nga.

Hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir S-1 sẽ bảo vệ Bắc Cực

Trong một diễn biến liến quan, ông Alexander Denisov, người đứng đầu Hệ thống Vũ khí Chính xác của Nga mới đây cho biết, Nga đang tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir S-1 ở Bắc Cực để đảm bảo an ninh ở khu vực có tài nguyên dồi dào này..

“Chúng tôi tự hào rằng hệ thống Pantsir S-1 đã được giao phó vai trò của một hệ thống phòng không tiên phong tại Bắc Cực", ông Alexander Denisov cho biết.

Số lượng tên lửa có thể gia tăng tại Bắc Cực khi cơ sở hạ tầng ở đó được mở rộng, nhưng "quyết định sẽ được Bộ Quốc phòng đưa ra phụ thuộc vào việc đánh giá kỹ lưỡng tình hình," ông Denisov cho biết.

Cuộc thử nghiệm ở Bắc Cực diễn ra vào thời điểm Nga đang tích cực thăm dò nguồn tài nguyên tại khu vực này. Nguồn tài nguyên tiềm năng của Bắc Cực được đánh giá ở mức 30 nghìn tỷ USD, và đó là nơi mà Nga sẽ sớm chuyển các hoạt động thăm dò dầu khí của họ tới, vì vậy cần phải bảo vệ vùng lãnh thổ này.

Ở thời điểm hiện tại, khai thác tài nguyên ở Bắc Cực là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga nhằm tăng trưởng kinh tế. Việc phát hiện những túi dầu lớn ở vùng đất lạnh giá này gây ra hàng loạt tranh cãi về chủ quyền vùng cực bắc trái đất. Năm ngoái Moscow công bố chiến lược tăng cường sự hiện diện của Nga ở Bắc Cực và thúc đẩy sự phát triển của khu vực từ năm 2020.

Theo ông Denisov, một phiên bản mới của hệ thống phòng không Pantsir S1, hiện đang được phát triển, sẽ có thể bắn hạ được các mục tiêu đạn đạo và sẽ được ra mắt vào năm 2017.

Bắc Cực gần đây đang trở thành tâm điểm của những tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Nga và Canada khi mà tình trạng nóng lên của toàn cầu làm giảm băng trên biển, cho phép tiếp cận dễ dàng hơn với các mỏ dầu khí khổng lồ ở Bắc Cực.

Nga từ lâu đã tuyên bố chủ quyền đối với nhiều khu vực thềm lục địa tại Bắc Cực và có kế hoạch sẽ bảo vệ tuyên bố của mình tại Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, Canada cũng đã đệ trình lên Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Biển kiến nghị về chủ quyền đối với thềm lục địa Bắc Cực kéo dài đến tận điểm cực Bắc.

theo vnmedia.