Lời đồn ‘ma ám’ khiến sơn nữ bại liệt vào ban ngày


Suốt mấy năm trời, hễ nghe ở đâu có thầy cúng giỏi bắt “ma”, trừ “tà”, ông Đượng đều rước về “trừ ma, trục quỷ”.

Sơn nữ mắc căn bệnh kỳ lạ, ấy là, cứ đêm thì đi lại, sinh hoạt như người bình thường, nhưng khi mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi, thì trở thành người bại liệt.

Ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), ai cũng biết đến một sơn nữ mắc căn bệnh kỳ lạ, ấy là, cứ đêm thì đi lại, sinh hoạt như người bình thường, nhưng khi mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi, thì sơn nữ lại trở thành người bại liệt, không thể tự sinh hoạt cá nhân được.

Bao năm nay, cơ thể sơn nữ này cứ hoạt động theo đúng lịch sinh học mà bộ não sắp sẵn. Mặc dù nhiều người biết đến câu chuyện của sơn nữ này, nhưng không phải ai cũng dám diện kiến, bởi họ tin rằng, sơn nữ này là một… con ma.

Cháu bé bất hạnh


Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) – là một địa danh quyến rũ của mảnh đất phía tây Hà Giang. Nơi đây, con suối rất đẹp uốn quanh những đồi thông vi vu trong gió. Mạch nước nóng trong lòng đất thu hút du khách đổ về ngâm mình sau hành trình vất vả thưởng thức vẻ đẹp của ruộng bậc thang.

Trung tâm xã Thông Nguyên sầm uất hơn những xã khác. Ngay giữa trung tâm xã, đầu cây cầu bắc qua suối, là ngôi nhà hai tầng, kinh doanh cơm phở bình dân. Phía trước ngôi nhà, dưới lòng đường có chiếc bàn lớn bán thịt lợn đen quanh năm suốt tháng.



Cô gái kỳ lạ cùng bố, mẹ

Căn nhà rộng rãi, cửa mở tứ bề, nhưng gọi mãi chẳng thấy ai thưa. Lát sau, một cô gái mặc bộ quần áo hồng đẩy cửa phòng ngủ, rồi lổm ngổm bò ra bằng hai đầu gối một cách khó nhọc. Vừa bò, cô gái vừa nhăn mặt ra vẻ đau đớn lắm. Cô gái bấm điện thoại, cố rướn họng nói giọng méo mó, một lát sau, người đàn ông trung tuổi về tiếp khách.

Ông là Phùng Văn Đượng, chủ nhà, cũng là cha đẻ của cô gái mắc căn bệnh kỳ lạ. Biết tôi nhà nhà báo, dẫn theo một bác sĩ đông y, khuôn mặt ông Đường từ tò mò chuyển sang niềm nở. Giọng ông thổn thức, đôi khi nước mắt cứ chực tràn ra, khi kể về người con gái đã có số phận đau khổ, lại phải chịu bao điều tiếng oan nghiệt.

Ông Đượng bảo: “Ngày xưa, dân trong vùng cũng thương xót, chia sẻ với hoàn cảnh của cháu lắm. Cháu nó đâu đến nỗi, mà mắc bệnh lạ thế này, ai chẳng thương cơ chứ. Thế nhưng, từ hồi tôi mời thầy cúng về, thầy nào cũng phán bị ma nhập, ma ám, là con ma... thành thử nhiều người không dám đến gần, rồi xa lánh nhà tôi. Bạn bè nó nghe đồn cũng sợ hãi, không dám qua lại nữa, thành thử cháu nó cứ lủi thủi trong nhà, chẳng dám đi ra ngoài nữa”.



Ông Phùng Văn Đượng rất rầu lòng vì người con gái

Ông Phùng Văn Đượng sinh năm 1962, là người Tày, quê ở xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì). Vợ là bà Hoàng Thị Tiêm, cũng là người Tày, cùng xã Ngàm Đăng Vài.

Năm 1986, gia đình ông chuyển ra huyện Bắc Quang sinh sống. Đến năm 1991, cuộc sống khó khăn, ông dắt díu vợ con về xã Thông Nguyên, mua mảnh đất, xây nhà, rồi sống đến bây giờ. Vợ chồng ông có 4 người con, hai trai, hai gái.

Cô con gái út tên Phùng Như Tiến, sinh năm 1991, sinh ra tại xã Thông Nguyên, là cô gái mắc căn bệnh lạ lùng.

Theo lời ông Đượng, hồi sống ở Bắc Quang, ông hành nghề đồ tể mướn. Ai thuê giết mổ con gì, ông làm tuốt, từ mổ trâu, mổ bò, dê, lợn, đến mổ gà, vịt cho các đám hiếu, hỉ, ông đều làm. Hiện giờ, mỗi ngày ông vẫn thịt một con lợn, để vợ bán. Trâu, bò, dê trong vùng, ai thuê, ông vẫn làm để kiếm thêm thu nhập. Công việc mang tính sát sinh của ông, đã gây ra lời đồn ác ý, đổ lên đầu con gái ông.

Cô gái Phùng Như Tiến lúc sinh ra hoàn toàn bình thường, đủ tháng, nặng 3,2kg. Tiến lớn nhanh, trắng trẻo, khá thông minh, hoạt bát.



Cô gái Phùng Như Tiến cố gắng quỳ gối bò ra tiếp khách

Hồi 6 tuổi, cuối năm học lớp 1, lúc 11 giờ trưa, bé Tiến từ trong trường đi ra, cứ vừa đi vừa khóc. Gặp bố đón ở cổng trường, Tiến mếu máo bảo: “Bố ơi, con mỏi chân không đi được bố ạ. Tay con cũng mỏi lắm, không xách nổi cặp nữa”.

Nghĩ con bị ốm, ông Đượng dỗ dành, bế con về nhà. Ngay đêm ấy, bé Tiến sốt cao, co giật, cứ kêu đau toàn thân. Sáng hôm sau, bé Tiến nằm liệt, một nửa người không cử động được.

Ngày đó, đường sá còn khó khăn, vùng đất Hoàng Su Phì rừng rú hoang rậm, trình độ bác sĩ còn hạn chế, nhưng ông Đượng vẫn tìm mọi cách để chữa bệnh cho con.

Ông đưa con đi bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, rồi xuống cả Hà Nội, nhưng vẫn không ăn thua gì. Ở đâu có bác sĩ đông y, thầy lang, ông đều đến bốc thuốc, mời thầy đến khám, hoặc cõng con đến.

Đến giờ, ông Đượng cũng không nhớ nổi đã cho con uống bao nhiêu thuốc, của bao nhiêu ‘thần y’. Các phương pháp điều trị đông, tây y, kết hợp cúng bái, ông đã làm đầy đủ, nhưng tình trạng con gái vẫn không cải thiện gì.



Phải khó khăn lắm Tiến mới lết đi được bằng đầu gối

Đột nhiên đi lại


Điều lạ lùng, không biết đáng mừng hay đáng lo, đó là, vào năm 2006, khi cô con gái của ông, lúc tròn 15 tuổi, bỗng dưng đứng dậy mở cửa, đi vào nhà vệ sinh. Vệ sinh cá nhân xong, thì cô lại đi vào giường ngủ, như không hề có chuyện gì xảy ra.

Mấy đêm liền, cô con gái của ông đều có hành động như vậy, đều đặn mỗi tối 1-2 lần, vào lúc nửa đêm về sáng.

Vợ chồng ông Đượng thường ngủ từ sớm, đặt đồng hồ báo thức, để thay nhau quan sát con. Hễ thấy con tự động bật dậy, đi ra nhà vệ sinh, là ông bà đánh thức nhau dậy, đi theo quan sát con, xem sự tình thế nào.

Lúc đầu, bà Hoàng Thị Tiêm, vợ ông, còn run bần bật, không hiểu là con mình, hay là ma quỷ nhập vào, mà nằm liệt gần 10 năm, bỗng dưng bật dậy đi lại như bình thường. Tuy nhiên, riết rồi thành quen, bà không sợ nữa.



PV động viên kiểu gì, cô gái này cũng không thể đứng ra khỏi chiếc xe lăn

Điều kỳ quặc nữa, đó là khi con gái ông bà đột nhiên đứng dậy đi lại ban đêm, thì đôi mắt nhắm nghiền. Mặc dù nhắm mắt, nhưng Tiến vẫn đi đúng đường, không va chạm vào đâu và mọi hành động đều diễn ra chính xác. Sau tìm hiểu, ông Đượng mới biết đó là hội chứng của người mộng du.

Lúc ấy, ông Đượng cũng mới nhận ra một điều lạ lùng nữa ở con gái mình, ấy là cô bé nằm liệt tới 9 năm tròn, mọi sinh hoạt, từ ăn, uống, vệ sinh, đều do bố mẹ làm giúp, song tay chân cô con gái không hề teo tóp, vẫn phát triển bình thường, mông, ngực cũng nở nang như các thiếu nữ khác.

Và điều lạ lùng hơn nữa, là chỉ lúc nửa đêm về sáng, khi buồn đi vệ sinh cá nhân, Tiến mới trở dậy đi được. Còn lúc tỉnh táo, mở mắt, nói chuyện với mọi người, Tiến lại trở về trạng thái bại liệt.

Mang theo hy vọng cứu con, vợ chồng ông Đượng lại tiếp tục hàng loạt hành trình đưa con đi khám, chữa, nhưng vẫn vô phương. Các bác sĩ vẫn không thể tìm ra được bệnh gì trong cơ thể thiếu nữ Phùng Thị Tiến.


Sau rất nhiều hành trình chữa bệnh thất bại, vào tháng 12/2008, một chút hy vọng lại lóe lên trong lòng vợ chồng ông bà Phùng Văn Đượng và Hoàng Thị Tiêm, khi cô con gái của ông bà không cần mộng du mới đi được nữa, mà cứ vào ban đêm, sau một giấc ngủ, dù ngắn dù dài, khi trở dậy, cô đều đi lại, sinh hoạt, cười nói với mọi người như một người bình thường.

Chỉ cần ngủ một lát buổi chiều, khi màn đêm buông xuống, tỉnh lại, Tiến lập tức nhổm dậy đi chơi. Tiến làm mọi việc giúp bố mẹ, như đun nước, hỗ trợ bố mổ lợn, làm lòng phèo lợn cùng mẹ.



Lương y Phạm Văn Thanh động viên đủ kiểu, song Phùng Như Tiến vẫn không đứng dậy nổi


Tiến hoạt động bình thường cho đến khoảng 6-7 giờ sáng, khi bóng đêm biến mất, ánh mặt trời ló lên khỏi rặng núi, thì toàn thân Tiến lại cứng đờ, đôi chân mất hết sức lực, em lại khụy xuống. Lúc đó, phải cố gắng lắm em mới lết đi được bằng hai đầu gối của mình.

Hôm nào trời nắng, hoặc trời mưa, thì cứ đúng thời điểm đó em trở nên bại liệt. Hôm nào trời đẹp, mát, không nắng, không mưa, thì Tiến sống cuộc sống bình thường đến khoảng 9 giờ sáng.

Bắt “ma”, trừ “tà”




Lương y Pham Văn Thanh (nhà thuốc Hoàng Liên Sơn, TP. Lào Cai): “Sau khi thăm khám, bấm huyệt, tôi khẳng định em Phùng Thị Tiến không có bệnh gì cả. Thể trạng em hoàn toàn bình thường, các cơ không teo. Cơ thể em khá cân đối, cao 1,55m, nặng 49kg.

Tôi nghĩ, em đã bị tổn thương vùng nào đó của não bộ. Trong khoa học thần kinh, thì đây là dạng ám ảnh. Có thể bộ phận chỉ huy vận động hai chân ngừng hoạt động vào ban ngày, nên em không đi lại được. Cái này giống như bóng đè, dù trí não tỉnh táo, mắt mở, nhận thức được xung quanh, nhưng cơ thể lại bất động, hoặc nửa người vận động được, nhưng nửa còn lại thì bất động.

Việc điều trị cho Tiến không chỉ là thuốc men, vật lý trị liệu, mà phải điều trị lâu dài bằng tâm lý”.


Hành vi của em Tiến quá kỳ lại, khiến vợ chồng ông Đượng càng thêm lo lắng. Lời đồn Tiến bị “ma ám” càng thêm nặng nề. Suốt mấy năm trời, hễ nghe ở đâu có thầy cúng giỏi bắt “ma”, trừ “tà”, ông Đượng đều rước về “trừ ma, trục quỷ”.

Đủ các loại thầy, từ người Mông, Dao, Tày, Nùng, đến Cờ Lao, La Chí… đều đã giở các thủ thuật, song không ăn thua gì.

Thầy cúng người Dao kết luận do vía của Tiến yếu, không chỉ đạo được cơ thể, nên phải cúng để “cái vía” của em khỏe lên.

Thầy cúng người Tày cũng bảo do thần linh ám vào, làm mất vía, nên phải cúng ở trong rừng.

Trong cuộc cúng bái kéo dài nhiều ngày, thầy cúng người Tày yêu cầu gia chủ trồng rất nhiều cây trên rừng, rồi ông cúng ở những gốc cây mới trồng đó. Theo ông thầy cúng này, thì nếu những cây do gia đình trồng mà sống được, lên khỏe, thì linh hồn của em Tiến sẽ khỏe lên.

Thế nhưng, những cái cây ông Đượng trồng đều đã xanh tốt, cao đến nóc nhà, nhưng Tiến vẫn không đi nổi vào ban ngày.

Thầy cúng người Nùng khẳng định bị “ma rừng” ám hại, nên phải mổ rất nhiều dê, lợn để cúng trong rừng, nhờ thần rừng đến bắt “con ma”. Suốt mấy ngày thầy cúng làm lễ, dê, lợn chết la liệt. Dân trong vùng kéo vào rừng ăn uống no say suốt mấy ngày diễn ra lễ cúng bái. Thế nhưng, cũng như các thầy cúng khác, chẳng để lại kết quả gì.



Ban ngày, Phùng Như Tiến phải ngồi xe lăn để di chuyển

Trong số hàng chục thầy cúng, thì ông Phùng Văn Đượng ấn tượng nhất với thầy cúng người Mông. Ông thầy cúng người Mông kết luận rằng, em Phùng Thị Tiến bị “ma tổ tiên” hành hạ bằng cách trói lại, nên không đi được.

Nghĩ thầy cúng này phán chuẩn, ông Đượng ngả mấy con lợn, vô số gà, rượu, cúng bái suốt ngày đêm. Ông Đường còn dựng rạp, mổ thêm lợn, gọi đội kèn trống đến nhà làm lễ cúng rất lớn cho tổ tiên kéo dài suốt một ngày một đêm, những mong tổ tiên động lòng tha thứ.

Lễ cúng tổ chức xong, thầy cúng người Mông gieo quẻ và phán rằng, tổ tiên đã đồng ý “cởi trói” cho em Tiến, nhưng phải đúng 12 ngày sau Tiến mới đi được.

Thế nhưng, bao trông mong, ngóng đợi của vợ chồng ông Đượng đã đổ xuống suối, khi 12 ngày sau, Tiến chẳng có biểu hiện tiến triển gì. Khi mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi, Tiến lại quỵ xuống, bò lê bò càng như con cua.



Hai chân của em Tiến hoàn toàn bình thường, không teo cơ, nhưng ban ngày cứ cứng đơ, không đi lại được

Mối tình kỳ lạ


Vợ chồng Tiến và Như ở với nhau một năm, thì Tiến mang bầu, sinh bé trai kháu khỉnh. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi bé trai được 4 tháng, bỗng lên cơn sốt cao, rồi co giật. Các bác sĩ ở trạm xá cứu chữa hết sức, song cháu đã qua đời.

Điều đặc biệt hơn những hành vi kỳ lạ của cô gái Phùng Thị Tiến, đó là, đùng một cái, vào một ngày cách nay 3 năm, Tiến đòi… cưới chồng.
Việc Tiến đòi cưới chồng khiến vợ chồng ông Đượng… ngã ngửa, mặc dù, trước đó, ông thấy một cậu thanh niên thi thoảng lui tới vào buổi tối, sau bữa cơm, trò chuyện với con gái ông, hoặc con gái ông ra ngoài với chàng trai lạ.

Khi chúng tôi đang trò chuyện với Tiến và ông Đượng, thì anh chàng Hoàng Văn Như đi từ phía trong căn nhà ra. Tiến ngồi trên xe lăn giới thiệu là chồng cô. Chúng tôi cũng khá ngỡ ngàng, bởi Như là chàng trai hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh, thậm chí, khá điển trai.

Hoàng Văn Như sinh năm 1987, hơn Tiến 4 tuổi, quê ở xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, cũng là người Tày. Như có 5 anh em, Như là thứ 4.

Gia cảnh khá nghèo, nên cậu phải nghỉ học sớm, đi làm thuê làm mướn. 4 năm trước, vào huyện Xín Mần làm công nhân xây dựng, trong một lần đi đám cưới buổi tối ở Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), Như quen cô gái người Tày khá bắt mắt.

Hai bên trao đổi số điện thoại của nhau. Thế là, hàng đêm, đôi trai gái chuyện trò, hò hẹn qua điện thoại.


Phùng Như Tiến và chồng

Hoàng Văn Như kể: “Bọn em gọi điện cho nhau nhiều lắm. Tối nào cũng nói chuyện, nhắn tin với nhau. Điều em thấy lạ là Tiến có thể chát chít, gọi điện suốt đêm, nhưng ban ngày em gọi thì rất ít khi bắt máy. Về sau em mới biết, ban đêm Tiến thức, còn ban ngày thì ngủ”.

Để “người trong mộng” bất ngờ, một ngày, Như đã phóng xe máy từ Xín Mần ra Thông Nguyên để gặp người yêu.

Vào phòng trong, thấy người yêu ngủ, Như lay người yêu dậy. Nhìn thấy Như, Tiến ú ớ, nói không nên lời, cơ thể cứng như khúc gỗ, không sao nhấc lên được. Phải rất khó khăn, Tiến mới lồm cồm bò dậy được.

Tưởng Tiến bị trúng gió, Như bổ đi gọi mọi người đưa Tiến đi… cấp cứu! Nghe tiếng kêu la thất thanh, ông Đượng ở nhà hàng xóm chạy về.

Lúc đó, Như mới biết người trong mộng của mình mắc căn bệnh quái lạ. Tiến xấu hổ vì giấu người yêu, ôm mặt khóc rưng rức.

Tưởng Như sẽ cao chạy xa bay, nhưng không ngờ, ngay hôm đó, anh chàng Như đã nói chuyện với ông Đượng, bà Tiêm, xin cho hai đứa được yêu nhau và tổ chức cưới vào một ngày gần nhất.

Ông Đượng thấy hai đứa yêu nhau, lại hy vọng có chồng, căn bệnh của con gái sẽ tiến triển, nên đồng ý liền.

Và rồi, mặc cho gia đình nhà trai phản đối, Như về ở với Tiến. Nhà ông Đượng có nghề giết mổ, lại bán hàng cơm, phở, tạp hóa, khá bận rộn, nên Như bỏ luôn nghề xây dựng, ở nhà chăm vợ, giúp bố mẹ vợ một tay.

Ngay khi cưới xong, Như đã đưa vợ xuống Bệnh viện Hà Giang để khám, điều trị. Bệnh viện Hà Giang không tìm ra bệnh gì, cậu lại đưa vợ xuống Bệnh viện Bạch Mai, khám chuyên khoa thần kinh.

Suốt 15 ngày chiếu chụp, hội chẩn, song các bác sĩ thần kinh hàng đầu ở Bệnh viện Bạch Mai cũng không tìm ra nguyên nhân chứng bại liệt ban ngày của Tiến.

Các cuộc hội chẩn cũng đều khẳng định cơ thể, thần kinh Phùng Thị Tiến hoàn toàn bình thường. Rốt cuộc, thuốc mang về cũng chỉ là thuốc an thần như Bệnh viện Hà Giang kê đơn.

- Từ nãy đến giờ, anh nói chuyện với mọi người, Tiến có biết anh trao đổi về chuyện gì không?
Mọi người nói chuyện gì, em biết rõ hết mà. Em hoàn toàn bình thường. Chỉ khác là bây giờ đôi chân em như hai cục sắt, nặng chịch mà không có tác dụng gì.
- Anh không tin em bị bệnh gì cả. Chắc chắn em không bại liệt, vì chân tay em hoàn toàn bình thường, không teo cơ. Nhận thức em cũng bình thường. Không có ma quỷ gì cả. Em đừng tin em bị bệnh, hay bị ma ám nhé…
Em cũng không biết nữa. Ai cũng bảo em bị ma làm, nhưng em có thấy con ma nào đâu. Lúc nào em cũng nói chuyện với mọi người được, em suy nghĩ bình thường.
- Anh hỏi tế nhị một chút, buổi tối vợ chồng em “sinh hoạt” bình thường chứ?
Thì vợ chồng em cũng như những cặp vợ chồng khác thôi. Chỉ khác một chút, là ban ngày thì em ngủ, chồng thức, còn ban đêm thì em thức, chồng ngủ. Chỉ có vài tiếng ban đêm chúng em thực sự là của nhau.
- Chồng có giúp đỡ em nhiều trong việc chữa bệnh không?
Các bác sĩ cũng không biết em bị bệnh gì. Họ bảo em không có bệnh. Vậy thì chồng em cũng không thể chữa bệnh cho em được. Tuy nhiên, có chồng, em thấy đỡ vất vả hơn. Ban ngày, em khó ngủ, hoặc ngủ đủ rồi, thì có chồng để trò chuyện. Nhiều hôm chồng đỡ em lên xe lăn, đẩy em đi dạo. Chồng cũng dìu em tập đi suốt, nhưng em không thể đi được, vì hai cái chân cứ co lên, nặng như cục đá.
- Em hãy chịu khó rèn luyện nhé. Anh tin rằng, em sẽ hết bệnh nếu có niềm tin và chịu khó tập luyện.

THeo VTnews