Tình hình Ukranie: Mỹ lại đe dọa Nga để... cứu vãn

Tình hình Ukraine nóng lên từng ngày sau cuộc bầu cử Lugansk, Donetsk. Để ngăn chặn kết quả bầu cử này, Mỹ đang để ngỏ khả năng gia tăng trừng phạt Nga.


Tổng thống DPR Zakharchenko tuyên thệ nhậm chức

Lời đe dọa của nước Mỹ
Tình hình Ukraine ngày càng căng thẳng, khởi nguồn từ việc hai tỉnh Donetsk và Lugansk bầu cử và tuyên bố hình thành một quốc gia mới. Các bên có liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đều kịch liệt phản đối cuộc bầu cử này, chỉ trừ Nga là ủng hộ.
Chính sự hậu thuẫn từ phía Nga đã khiến Mỹ cho rằng Moscow đang là thế lực gây chia rẽ Ukraine. Và để gia tăng sức ép với Nga, Mỹ đang để ngỏ khả năng sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt.
Trả lời báo giới tại Paris (Pháp) sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, ông Kerry nói rằng "Nga sẽ quyết định liệu" có thực thi thỏa thuận Minsk hay không - thỏa thuận được cho là sẽ đem lại hòa bình cho khu vực miền Đông của Ukraine.
Ông Kerry nêu rõ: "Tổng thống (Ukraine) và tôi đã nhiều lần nói rằng nếu thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được dỡ bỏ, nếu không sức ép (trừng phạt) sẽ ngày càng tăng lên."
Với lời tuyên bố này, Mỹ đang ngầm thể hiện những gì Nga đang theo đuổi ở Ukraine sẽ chỉ mang lại một điều chắc chắn là các biện pháp trừng phạt nhằm vào kinh tế sẽ gia tăng.
Hậu thuẫn cho lời đe dọa từ nước Mỹ, ngày 5/11/2014, chính quyền Ukraine đã tuyên bố cắt những khoản ngân sách cho các khu vực đối lập ở hai tỉnh miền đông là Donetsk và Lugansk.
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Ukraine cho biết hiện các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng đòi độc lập vẫn đang cần ngân sách từ trung ương, tổng cộng khoảng 2,6 tỷ USD, tuy nhiên khi lực lượng này còn kiểm soát khu vực thì Kiev sẽ không cấp ngân sách.
Theo ông, các chi trả xã hội sẽ được nối lại khi nào những khu vực này được "giải phóng". Bên cạnh đó, Thủ tướng Ukraine nhấn mạnh, Kiev sẽ tiếp tục cung cấp điện và khí đốt cho người dân ở vùng Đông Nam trong mùa đông này
Song song với việc cắt ngân sách, Kiev cũng thông qua việc bãi bỏ quy chế đặc biệt cho các tỉnh miền Đông Ukraine.
Những quyết sách của Kiev cho thấy họ đang dần cô lập các tỉnh đòi ly khai, đặc biệt về tiền tệ và an sinh xã hội. Điều này sẽ tác động trực tiếp vào tâm lý của những người dân Ukraine đang ủng hộ phong trào ly khai thân Nga. Nó tương tự như cách làm của Mỹ, trừng phạt kinh tế nhằm làm kiệt quệ khả năng tài chính của Nga và những thiếu thốn của cuộc sống sẽ khiến người dân mất niềm tin vào Tổng thống.
Mỹ có thể gia tăng trừng phạt Nga?
Tất nhiên, đây là quyền của nước Mỹ, họ muốn trừng phạt kinh tế, cấm vận, hay làm gì với bất kỳ quốc gia nào là quyền của họ. Nhưng ở đây là cuộc đấu giữa hai người khổng lồ Nga, Mỹ.

Có thể kinh tế của Nga thua Mỹ, nhưng để dễ dàng chiếm thế thượng phong, Washington cần đến những người đồng minh EU.


Những dân quân ly khai núp dưới hào công sự ở một điểm chốt gần làng Frunze ngày 4/11.

Mỹ cần có EU trong cuộc trừng phạt kinh tế ấy, bởi EU và Nga là hai đối tác chiến lược về kinh tế.
Tiêu biểu trong câu chuyện tàu Mistral của Pháp. Nga vừa tuyên bố nếu ngừng bàn giao Mistral cho họ, Pháp phải trả họ các thiết bị gắn với con tàu và phần đuôi tàu, nói cách khác, Mistral sẽ bị phá hủy, không bán cho Nga thì cũng chẳng thể bán cho ai.
Và vi phạm hợp đồng này, Pháp sẽ mất khoản giá trị 1,6 tỷ USD, mất đi công ăn việc làm cho 1.000 lao động, và nhiều thiệt thòi khác, chưa kể các thiệt hại khi bị Nga kiện vi phạm hợp đồng. Pháp là đồng minh thân cận của Mỹ, đó là lý do vì sao họ còn chùng chình chưa thể hạ quyết tâm được với nước Nga.

Đoàn xe bọc thép chở các binh sĩ Ukraine di chuyển trên đường.
Nhưng cả châu Âu thì lại khác. Đức - đầu tàu kinh tế châu Âu chưa bao giờ ủng hộ việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga. Các quốc gia Đông Âu đang khốn khổ vì nông sản không thể xuất khẩu sang Nga. Gia tăng trừng phạt Nga lúc này sẽ không phải là lựa chọn tốt cho họ.
Quay trở lại tình hình Ukraine, việc Tổng thống Poroshenko bãi bỏ quy chế đặc biệt cho miền đông đã khiến đặt hai bên vào tình trạng đối đầu như chưa hề có cuộc đàm phán ở Minsk về thỏa thuận ngừng bắn. Chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt, bất chấp những nỗ lực giàn xếp hay chèn ép nhau từ các bên.


theo baodatviet