Tại sao ăn xin đêm giàu hơn ban ngày?

“Ban ngày tôi và các con ở nhà nghỉ vì đi xin cũng không được nhiều. Ăn xin vào ban đêm mát mẻ và rất nhiều người cho tiền. Ăn xin đêm giàu hơn ban ngày nhiều”.



Ăn xin thường đi ban ngày để có nhiều thời gian và kiếm nhiều tiền từ những tấm lòng hảo tâm. Nhưng vẫn có một số người chỉ ăn xin vào ban đêm. Khi màn đêm buông xuống là thời gian đánh dấu sự hoạt động của họ.


"Nhiều người hảo tâm hơn"

Cứ mỗi chiều, tầm 6h là có một người phụ nữ tay xách, nách mang dẫn hai đứa con của mình ra ngã tư Bảy Hiền ngồi xin tiền. Nhiều người thấy hoàn cảnh của chị nên dừng xe lại cho tiền. Những đồng tiền ít ỏi của từng người, nhưng góp lại được rất nhiều.


Chị Châu thường ngồi ngã tư Bảy Hiền từ chiều tối đến 1h sáng hôm sau

Được biết chị này tên Châu, quê tận Cà Mau. Chị cho biết vì gia cảnh nghèo khổ, chồng bỏ đi, nên mình phải lên Sài Gòn để ăn xin nuôi hai đứa con nhỏ.
Hai đứa con của chị, mặt mày lấm lem và đen thui. Đứa lớn chỉ mới năm tuổi, đứa nhỏ thì mới lên ba. Hai đứa trẻ như là "công nghệ" để chị kiếm ăn hàng ngày. Ai nhìn hai đứa trẻ đang ngủ ngoài đất cũng thương cảm nên tới để ủng hộ giúp đỡ.
"Xin ban đêm như thế này rất nhiều nhà hảo tâm dừng xe lại cho. Còn ban ngày không dám đi ra ngoài xin vì nắng lắm. Hai đứa nhỏ không chịu được. Nó sẽ khóc hoài và dễ bệnh. Tiền đi xin không có bao nhiêu mà phải tốn tiền thuốc nữa", chị Châu tâm sự.


Anh Dưa đang miệt mài xin khách qua đường
Không chỉ có mình chị Châu nói vậy, mà anh Dưa (người đứng ăn xin hằng đêm tại ngã tư Út Tịch - Cộng Hòa) cho biết thêm: "Đêm xuống xin tiền được nhiều vì có nhiều đôi trai gái đi qua lại. Những người trẻ tuổi cho nhiều hơn người lớn. Đôi lúc, họ cho rất nhiều tiền nữa. Tôi mừng lắm. Từ Thanh Hóa vào đây ngày bán vé số, đêm ăn xin như thế này để kiếm tiền gửi về quê. Ban ngày mà đi xin bị người ta la mắng cực lắm anh ơi".
Có thể kiếm bạc triệu mỗi đêm
Ngã tư Bảy Hiền người qua lại rất đông. Rất nhiều người tỏ ra thương cảm và sẵn sàng giúp chị Châu rất nhiều tiền.
Chỉ trong một đêm ngồi đó chứng kiến, chị Châu được các tấm lòng hảo tâm cho gần một triệu. Có người cho dăm ba ngàn, nhưng cũng có tay hào phóng bỏ vào nón chị Châu vài chục, thậm chí vài trăm.



Khách đi đường cảm thương hoàn cảnh chị Châu
Trong vai một nhân viên công ty, tôi đến hỏi thăm chị rất vui vẻ đón tiếp và kể về cuộc đời ăn xin của mình mà không hề xấu hổ hay ngại ngùng. Chị cho biết mình đã dẫn con lên này ăn xin được nữa năm nay rồi.
"Hôm nay may lắm anh, em đã được người ta cho gần triệu rồi. Đi ăn xin ban đêm sướng hơn ban ngày và rất nhiều tiền. Số tiền này lo cho hai đứa nhỏ được cả tuần. Tụi nó lớn rồi ăn nhiều", chị Châu nói.


Mỗi đêm cũng được vài trăm và có khi đến cả triệu đồng
Qua trao đổi với anh Dưa, tôi cũng hiểu thêm tại sao họ thích đi ăn xin ban đêm mà không đi xin vào ban ngày. Cuộc sống của những người ăn xin còn nhiều điều thú vị. Đi xin ăn cũng phải chọn đúng địa điểm thời gian để có nhiều tiền.
"Ban đêm thế này, ăn xin đến 1h sáng rồi về nhà ngủ một giấc sướng hơn ngày đi xin. Mình không có thì mình đi ăn xin đâu có gì mà xấu hổ. Ăn xin cũng có cái giá của ăn xin. Mình không trộm cắp, không làm trái pháp luật là được", anh Dưa hồn nhiên nói.


Tranh thủ gom tiền xin được bỏ vào túi
Đến 1h sáng, chị Châu dọn đồ và đánh thức hai đứa con dậy rồi nhanh chân bước qua bên đường lẻn vào một con hẻm tối và như mất tích. Còn anh Dưa thì từng bước đi về phòng trọ để ngủ lấy sức mai còn đi bán vé số.
Đây là một trong số ít những cá nhân hoạt động về đêm. Họ đã chọn cho mình một góc tiếp cận mới để kiếm tiền. Cuộc sống khổ cực, những tiếng la mắng đã xa rồi khi màn đêm buông xuống, và chỉ còn lòng thương cảm của mọi người.
Cuộc sống về đêm có nhiều cung bậc cảm xúc. Ba ngày làm quen và trò chuyện cùng chị Châu, anh Dưa để lại cho tôi nhiều suy nghĩ về cuộc sống và sự ồn ào náo nhiệt của một thành phố lớn nhất cả nước. Phải chăng đi xin ăn cũng cần phải có đầu óc suy nghĩ và tính toán kĩ lưỡng mọi việc?!

Theo Thái Minh - Gia đình Việt Nam