Được công an đưa ra tòa sau khi bị đánh liệt cả hai chân



Việc phạm nhân bị công an đánh đập trong thời gian tạm giam là điều không còn lạ ở Việt Nam. Rất nhiều người đã bị chết do công an đánh. Những nạn nhân do công an bạo hành đã tố cáo tội ác phi nhân của lực lượng được mệnh danh là “thanh kiếm của đảng” này. Cho dù Việt Nam đã ký kết công ước chống tra tấn nhưng xem ra công an vẫn không thay đổi được thói quen dùng vũ lực để ép cung nghi can.
Cali Today News - Bị liệt hai chân sau vài ngày tạm giam

Câu chuyện thương tâm sau đây xảy ra tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Anh Tuấn. Theo cáo trạng tại tòa, anh Tuấn thừa nhận vào ngày 16/11/2012 đã dùng xẻng, gạch để gây thương tích cho anh Dương Trung Tín. Sau đó, vào ngày 17/8/2013, Tuấn lại cùng Trần Hữu Bảo (sinh năm 1994, Kon Tum) trộm con trâu của ông Triệu Văn Thuần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) rồi sau đó bỏ trốn.

Sau vài ngày bị tạm giam, anh Nguyễn Văn Anh Tuấn đã chẳng thể nào đứng lên bằng đôi chân teo tóp của mình. Ảnh: Báo Giao Thông.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu-mẹ của nạn nhân Tuấn cho biết trong thời gian bỏ trốn, Tuấn đã sống lang thang, không về nhà. Sau một thời gian, Tuấn đã về nhà để nhờ mẹ đưa đến công an huyện Ngọc Hồi đầu thú vì không thể chịu cảnh sống chui lủi. Bà Diệu không ngờ rằng, vào ngày 9/6/2014 khi bà đưa con đến công an đầu thú lại chính là ngày định mệnh nghiệt oan cho đứa con trai của mình.

Vào ngày 15/9, trong lúc đi làm rẫy, bà được người trong làng báo con trai mình đang bị còng tay và nằm bất tỉnh ở Bệnh viện Đa khoa Ngọc Hồi. Chỉ có mấy ngày sau khi bị tạm giam, từ một chàng trai cao hơn 1m70, nặng trên 60kg, Tuấn đã chẳng còn sức lực để đứng dậy, không thể nói và cũng chẳng thể đi vệ sinh, khi tiểu phải có ống thông tiểu. Chẳng những thế, Tuấn còn bị còng 1 tay, 2 chân tay kia chuyền dịch. Dù bị nặng, thảm thương đến như vậy nhưng sau đó công an huyện Ngọc Hồi vẫn mang Tuấn về để tiếp tục tạm giam.
Mắt không thể mở, miệng không thể nói sau khi bị công an đánh, anh Tuấn đã viết để tố cáo công an đánh đập mình. Ảnh: Đời sống pháp luật.
Mặc dù không thể nói, hai mắt nhắm nghiền nên Tuấn phải dùng viết để ghi vào giấy tố cáo công an đánh đập mình. Nội dung được báo Đời Sống Pháp Luật trích lại như sau: “Ngày 10, bị cán bộ Nam đánh vào đầu và ngực. Ngày 12, bị cán bộ Nam, Tiến và một cán bộ có đeo lắc ở tay đánh mạnh vào đầu, ngực và bụng. Ngày 14, khoảng 11 đến 12 giờ đêm bị cán bộ Tiến và cán bộ đeo lắc bạc ở tay đánh mạnh vào đầu, ngực, bụng và đá mạnh vào bộ hạ. Đến 2h sáng thì máu mũi chảy ra, mọi người cùng phòng thấy vậy thì đập cửa kêu cán bộ. Nhưng cán bộ vào chỉ bảo lấy khăn lau máu đi rồi đi ngủ. Sáng mai thì con nghe cán bộ nào đó vào kêu ông Minh ở cùng phòng ra dặn là “Nếu có ai hỏi thì nói là không ai đánh hết”. Một lúc sau (khoảng 8-9h sáng ngày 14/6), con được cán bộ Yên vào đưa đi viện Ngọc Hồi”.

Sự tàn bạo của công an còn chưa dừng ở đó, trong tờ giấy mà Tuấn ghi lại cho mẹ mình, anh còn cho biết thêm: “Con nghe mấy cán bộ đi nhậu về rồi nói ‘thằng Tuấn đâu, đi xả tức với tao’. Rồi mấy người kéo vào đánh con”.

Công an bao che cho tội phạm

Trước tình cảnh con mình như vậy, gia đình bà Diệu đã yêu cầu công an huyện Ngọc Hồi đem anh Tuấn đi giám định thương tật tại nhiều nơi, như: Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum nhưng ngạc nhiên là mọi kết quả giám định đều… bình thường, tỷ lệ thương tật là 0%.
Không thể đi được, nạn nhân Nguyễn Văn Anh Tuấn được dìu đến tòa án. Ảnh: Người Lao Động

Vì chẳng thể tin tưởng vào bác sỹ, vì nghi ngờ đã bị công an áp lực và mua chuộc nên gia đình đã gửi đơn cho cơ quan báo chí. Trả lời với phóng viên, Đại tá Lê Văn Minh-Trưởng công an huyện Ngọc Hồi cho biết: “Chúng tôi xác nhận bị can Tuấn vẫn chỉ có nằm, không thấy đi lại. Không biết như vậy thật hay là giả. Bởi vì, công an đã giám định thương tích nhưng vẫn không xác định gì. Hiện, chúng tôi nghi Tuấn có vấn đề về thần kinh, vì trên đầu có 1 vết sẹo bị chém rất dài. Chúng tôi chưa giám định tâm thần nữa thôi”.

Mặc dù rũ bỏ mọi trách nhiệm nhưng Đại tá Minh vẫn cho phóng viên biết, hiện nay đã kỷ luật 2 công an đã đánh anh Tuấn là Hoàng Văn Tuấn, Nguyễn Văn Tiến. Theo ông Minh, 2 người này là những “công dân phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an” và đã bị quyết định rời quân ngũ trước thời hạn.

Theo tờ Phunuonline, thông báo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao gửi đến cho bà Diện xác định: “Các đối tượng có hành vi đánh con bà tại nhà giam giữ công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum không phải là cán bộ điều tra hoặc điều tra viên được phân công điều tra các vụ án mà con bà bị khởi tố”. Điều đó khẳng định rằng, con trai bà Diệu đã bị đánh đập tại trại tạm giam khiến cho bị liệt cả hai chân. Cho dù công an có bao che đến đâu vẫn để lộ ra những kẻ hở.

Vào ngày 11/11/2014, sau khi bị công an đánh đập đến bại liệt cả hai chân, nạn nhân Nguyễn Văn Anh Tuấn đã được hai cán bộ công an dìu đến tòa và phải ngồi cả ngày không thể tự đứng lên.

Nguyễn Văn Anh Tuấn sẽ phải ngồi tù để trả giá cho những việc làm sai trái của mình. Vậy nhưng ai sẽ là người sẽ chịu trách nhiệm trong việc đánh anh Tuấn trong trại tạm giam dẫn đến liệt cả hai chân? Câu hỏi ấy chúng ta đều có được câu trả lời, thế nhưng công lý sẽ rất khó để có thể được thực thi trong một chế độ độc tài, công an được giao nhiều quyền lực và bao che từ đảng cầm quyền.

Người Quan Sát