.

Cái Đẹp và Nhà Nghệ Sĩ
Hỏi :

- Tôi thường tự hỏi:

" Nhà nghệ sĩ là cái gì?" .

Đó đây, bên bờ sông Hằng, trong không gian tối mờ của căn buồng nhỏ, có chàng kia ngồi dệt tấm áo khoác bằng lụa dát vàng đẹp tuyệt vời, và tại kinh đô Paris, một anh khác đang cặm cụi trong xưởng để vẽ bức tranh mà anh ta hy vọng sẽ đem cho anh ta danh tiếng. Đâu đó, một nhà văn đang nặn óc trau chuốt từng câu để mô tả những mẩu tâm tình rắc rối cũ hơn trái đất giữa những chàng và nàng; rồi nào là những khoa học gia trong phòng thí nghiệm và người chuyên viên ráp nối lại hàng triệu mảnh vụn để chiếc hỏa tiễn có thể bay lên mặt trăng. Và tại nước Ấn Độ kia, có chàng nhạc sĩ sống một cuộc đời quá ư khắc khổ, để tận tụy truyền đạt vẻ đẹp thanh khiết của nhạc trong sự say mê. Rồi nào là bà nội trợ sửa soạn bữa cơm gia đình, chàng thi sĩ một mình lững thững trong rừng tìm thi hứng. Phải chăng họ đều là những nhà nghệ sĩ theo cung cách riêng? Tôi nghĩ rằng cái đẹp nằm trong tầm tay của tất cả mọi người, nhưng họ không biết. Người chế tạo những bộ quần áo đẹp lộng lẫy hay những đôi giầy xuất sắc, hoặc người đàn bà chưng bày bình hoa trên bàn của ông, dường như tất cả đều làm việc vì cái đẹp.

Tôi thường tự hỏi tại sao những họa sĩ, nhà điêu khắc, soạn nhạc gia, văn sĩ -- những người được gọi là nghệ sĩ sáng tạo -- lại được đánh giá quan trọng vượt bực trong cái thế giới này, mà những thợ giầy, những đầu bếp lại không được như vậy? Họ chẳng cũng sáng tạo sao? Nếu ông coi tất cả những cung cách diễn đạt khác nhau đó đều là phục vụ cái đẹp, vậy thì chỗ nào có thể dành riêng cho người nghệ sĩ chân chính và ai là nhà nghệ sĩ chân chính?

Người ta thường nói cái đẹp là phần rất thiết yếu của cuộc đời . Vậy thì cái tòa nhà cao từng kia, vốn được coi như là rất đẹp, xin hỏi sự phô diễn của nó có thiết yếu không? Tôi sẽ rất cảm kích nếu ông có thể nói về toàn bộ vấn đề cái đẹp và nhà nghệ sĩ này.

J. Krishnamurti đáp:
- Chắc chắn rằng nhà nghệ sĩ là người tinh tế, nhuần nhuyễn trong hành động. Hành động này là từ đời sống nội tâm tỏa ra chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài. Vì thế, sống một cách hài hòa hiển nhiên làm cho con người thành nghệ sĩ. Sự hài hòa nghệ thuật này có thể chỉ biểu lộ vài giờ trong một ngày, khi anh ta chơi nhạc, làm thơ, hoặc vẽ tranh, hay anh ta có thể làm nhiều hơn, nếu như anh ta giỏi về nhiều mặt, như những đại danh tài thời Phục Hưng đã hoạt động trong nhiều môi trường khác nhau.

Nhưng vài giờ chơi nhạc hoặc viết văn có khi lại mâu thuẫn với chuỗi thời gian còn lại của anh ta vốn đầy dẫy những chuyện lộn xộn và rối beng. Vậy thì người như thế có thể coi như là nghệ sĩ không? Người chơi vĩ cầm một cách nghệ thuật nhưng lại chú tâm vào danh tiếng của anh ta thì không phải là người say mê vĩ cầm, anh ta chỉ sử dụng ngón đàn với mục tiêu nổi danh, cái "TÔI" của anh ta còn quan trọng hơn nhiều so với âm nhạc, và điều này thì ngay cả đối với văn sĩ hay họa sĩ cũng như vậy mà thôi, nếu họ chỉ quan tâm đến danh tiếng.

Người nhạc sĩ đồng hóa cái "TÔI" của anh ta với cái mà anh ta coi là vẻ đẹp của âm nhạc, nhà tôn giáo đồng hóa cái “TÔI” của anh ta với cái mà anh ta cho là hùng vĩ, tôn nghiêm. Tất cả đều hành sử có nghệ thuật trong khu vực cá biệt, nhỏ bé, nhưng lại bỏ quên cả cái mảng lớn của cuộc đời. Vậy chúng ta hãy tìm coi thế nào là có nghệ thuật trong hành động, trong đời sống, không phải chỉ trong lúc vẽ, trong lúc viết hoặc trong ngành kỹ thuật. Nhưng làm sao người ta có thể sống cả một cuộc đời trong sự hài hòa và đẹp đẽ. Sự hài hòa và cái đẹp có giống nhau không? Có thể nào một người -- bất kể họ là nghệ sĩ hay không --, sống cả một cuộc đời trong sự hài hòa và đẹp?

Sống là hành động và khi mà cái hành động đó tạo ra nỗi phiền muộn thì thế là đã hết nghệ thuật rồi. Vậy thì người ta có thể sống không buồn phiền, không kèn cựa, không ghen ghét và tham lam, không xung đột về mọi mặt chăng?

Vấn đề không phải ai là nghệ sĩ, ai không là nghệ sĩ, nhưng làm sao cho mỗi người, bạn hoặc bất cứ ai, có thể có cuộc sống không bị hành hạ và biến dạng.

Chắc chắn sẽ là phàm tục nếu chúng ta nhạo báng hoặc hạ thấp giá trị của âm nhạc, điêu khắc, thi ca hoặc khiêu vũ, đó là hành vi thiếu tế nhị. Nhưng nghệ thuật và vẻ đẹp trong hành động phải được duy trì suốt ngày chứ không phải chỉ có vài giờ trong một ngày. Đó chính là sự phấn đấu đích thực, không phải chỉ đơn giản trong việc chơi đàn cho hay. Dĩ nhiên đã sờ vào cái đàn thì bạn phải chơi cho hay, nhưng như thế chưa đủ. Đó mới chỉ như bạn vun xới một góc nhỏ mà bỏ rơi cả cánh đồng mênh mông.

Chúng ta quan tâm tới cả cánh đồng, và cánh đồng đó tượng trưng cho đời sống của chúng ta . Chúng ta thường bỏ bê cả cánh đồng mà chỉ chú tâm vào một mẩu nhỏ, của chúng ta hoặc của tha nhân. Sống có nghệ thuật là luôn luôn tỉnh thức, sáng suốt, có như thế mới hành sử một cách thiện xảo trong suốt một đời, đó chính là cái đẹp.

Hỏi :

- Thế trường hợp nhân viên xưởng máy hay văn phòng thì sao? Anh ta có là nghệ sĩ chăng? Phải chăng việc làm của anh ta đã ngăn trở sự hài hòa trong hành động do đó làm giảm hoặc làm mất đi tính cách nghệ thuật của họ trong cả những việc khác nữa. Bộ anh ta không bị việc làm điều kiện hóa mất rồi sao?

J. Krishnamurti đáp:

- Chắc chắn là anh ta bị rồi. Nhưng nếu anh ta tỉnh ngộ, anh ta sẽ hoặc là bỏ việc hoặc chuyển hóa cho nó thành có nghệ thuật. Điều quan trọng không phải là công việc, nhưng là sự tỉnh thức trong công việc. Điều quan trọng không phải là sự điều kiện hóa của công việc, nhưng là sự thức tỉnh.

Hỏi :

- Ông nói “thức tỉnh” có nghĩa là gì?


J. Krishnamurti đáp :

- Vậy bạn chỉ thức tỉnh tùy theo trường hợp, vì phải phấn đấu, hoặc vì tai họa hoạc vui mừng chăng? Hay là có một trạng thái tỉnh thức không cần có lý do. Nếu bạn tỉnh thức do một sự kiện, một lý do nào đó, thì rồi bạn sẽ bị lệ thuộc vào nó, và khi mà bạn đã lệ thuộc vào cái gì – dù là thuốc kích thích, tình dục, hội họa hoặc âm nhạc – là bạn đã để cho bản thân bạn bị mê đi. Vậy thì, bất cứ loại lệ thuộc nào cũng sẽ dẫn người ta đến chỗ chấm dứt sự hài hòa, chấm dứt tính chất nghệ thuật.

Hỏi :

- Thế còn trạng thái tỉnh thức không có lý do là cái gì? Ông đang nói đến cái trạng thái trong đó không có nguyên nhân và hậu quả. Có thể có một trạng thái tâm không là kết quả của lý do nào đó chăng? Tôi không hiểu điều này vì chắc chắn rằng mỗi điều chúng ta nghĩ , hoặc chúng ta là như thế nào, thì đều là kết quả của một nguyên nhân nào đó, phải không ạ? Lại còn cái chuỗi dây nguyên nhân và hậu quả vô tận này.

J. Krishnamurti đáp :

- Chuỗi dây nguyên nhân và hậu quả này vô tận vì cái kết quả lại sẽ trở thành nguyên nhân mới và nguyên nhân lại sinh ra kết quả nữa, cứ thế mà vận hành.

Hỏi :

- Vậy thì hành động nào có thể ra ngoài chuỗi dây này?

J. Krishnamurti đáp :

- Chúng ta biết rằng hành động với lý do, có động cơ thúc đẩy, thì hành động đó đã là kết quả. Chỉ có lòng nhiệt thành, thương yêu, là không có nguyên nhân, đó là tự do, đó là cái đẹp, đó là sự tế nhị, và đó là nghệ thuật. Khi người nghệ sĩ say sưa trình diễn, lúc đó không có cái “TÔI” ngự trị, chỉ có tình cảm và cái đẹp, đó là nghệ thuật. Đó là sự hài hòa trong hành động. Hài hòa trong hành động là sự vắng mặt của cái “TÔI”.

Nhưng khi bạn bỏ phế cả cánh đồng mênh mông của cuộc đời, chỉ chú trọng vào một mẩu nhỏ – mặc dù lúc đó cái “TÔI” có thể vắng mặt, thì bạn cũng vẫn đang sống không hài hòa và do đó, bạn không là nhà nghệ sĩ của cuộc đời.

J. Krishnamurti -- The Urgency of Change
Người dịch: Danny Việt (ĐPK)