Người Triều Tiên vượt biên sẽ bị Nga trao trả về nước

Người Triều Tiên vượt biên sẽ bị Nga trao trả về nước, theo tinh thần một dự thảo thỏa thuận cấp chính phủ giữa Nga với CHDCND Triều Tiên.


Nữ bộ đội biên phòng Triều Tiên

Dự thảo đề ngày 2.9 nhưng còn phải chờ Cục di trú liên bang Nga xem xét, theo báo Moscow Times. quan này cùng văn phòng báo chí Điện Kremlin không bình luận, dù báo Moscow Times đã đề nghị bình luận từ ngày 13.11. Dự thảo này có đăng tải trên trang web của chính phủ Nga, nêu rõ các quy định trục xuất người Triều Tiên vượt biên: nếu bị phát hiện không có giấy tờ hợp lệ sẽ bị bắt, bị yêu cầu khai báo và nếu là nhập cư trái phép thì sẽ bị Nga trục xuất trong vòng 30 ngày. Cũng có những quy định nhập cảnh hợp pháp, thủ tục điều tra và mức phí phải nộp. Các quy định này cũng áp dụng với công dân Nga nhập cư trái phép vào Triều Tiên, dù các chuyên gia nói chưa có ví dụ nào về chuyện dân Nga trốn qua Triều Tiên. Tài liệu có các điều kiện để mỗi nước có quyền bác yêu cầu trục xuất về nước,nếu nhận thấy đối tượng có thể “bị tra tấn,bị đối xử phi nhân văn, hạ nhục nhân cách hoặc bị trừng phạt, bị kết án tử hình” một khi đối tượng về nước. Dù có những bảo đảm này, người vượt biên Triều Tiên từng kể những vụ bị ngược đãi, dẫn đến nỗi lo người bị về nước sẽ bị tù, bị ngược đãi.
Các chuyên gia nói dự thảo chưa chính thức, nhưng Nga từng trao trả những người chạy trốn chế độ Bình Nhưỡng.

Lính biên phòng ở cầu hữu nghị Triều-Xô
Hạ nhục nhân phẩm trong trại cải tạo lao động
Nga từng ký những thỏa thuận tương tự với nhiều quốc gia và các khối, gồm Ukraine và EU. Nhưng thỏa thuận với Triều Tiên gây chú ý, vì Liên Hiệp Quốc (LHQ) khuyến cáo không nên ép buộc trao trả người Triều Tiên về nước, do họ có thể bị ngược đãi, bị tra tấn, bị kết án tù, thậm chí bị xử tử hình vì tội “trốn chạy khỏi tổ quốc”.
Trong tuần này, tổ chức nhân quyền Memorial, thành công trong việc kêu gọi Cục di trú liên bang Nga hủy quyết định bác đơn xin tỵ nạn của một di dân Triều Tiên có tên họ là Kim Eun-chol. Kim đã trốn khỏi Triều Tiên hai lần. Khi nạn đói nặng ở Triều Tiên bùng phát năm 1997,Kim vượt biên qua Trung Quốc (TQ), sau đó vì sợ bị dẫn độ nên trốn qua Nga. Nhưng ông lại dựa vào một bản đồ cũ vẫn còn mô tả Liên Xô thay vì Nga, nên ông đến Kazakhstan và bị trao trả về nước. Kim là một trong số ít người sống sót trong một vụ “bùng” khỏi một trại cải tạo lao động hồi năm 2013, và ông lại chạy trốn qua Nga, nơi ông bị bắt và không được cho tỵ nạn, rồi Kim bị trả về Triều Tiên. Trong báo cáo đặc biệt về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên của Ủy ban điều tra LHQ (COI), Kim khai đã bị điều tra, tra tấn suốt 6 tháng, rồi bị tống vào trại cải tạo lao động, nơi ông tiếp tục bị ngược đãi. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng bị LHQ cáo buộc phạm tội chống lại loài người, trong khi TQ cũng bị chỉ trích là đuổi người tỵ nạn Triều Tiên về nước, do họ có thỏa thuận trao trả người Triều Tiên “vượt biên” với Bình Nhưỡng,gọi những người này là “di dân vì kinh tế” chứ không phải người xin tỵ nạn chính trị. Chuyên gia về Triều Tiên Andrei Lankov người Nga, giáo sư đại học Kookmin ở Hàn Quốc, nói: dự thảo thỏa thuận trên “rất ghê sớm”.
Bao nhiêu người vượt biên Triều Tiên ở Nga ? Các chuyên gia ước tính trong những năm 2000, ít nhất 10.000 người Triều Tiên hàng năm đến Nga lao động. Nga có đường biên giới 19 km với Triều Tiên ở vùng Primorsky.
Dĩ nhiên số liệu này chỉ gồm người đến Nga hợp pháp. Đa số là lao động Triều Tiên nhập cư, ở các lâm trường và ngành xây dựng. Người nhập cư trái phép từ Triều Tiên thì phải gọi là hàng trăm người, nhưng đấy chỉ là số nhỏ so với 300.000 người Triều Tiên qua TQ kiếm việc làm, theo bà Lyubov Tatarets của tổ chức nhân quyền Memorial. Bà Tatarets, ở thành phố Khabarovsk (vùng Viễn Đông Nga) giúp đỡ pháp lý để giúp người Triều Tiên có đủ tri thức để biết cách xin tỵ nạn chính trị. Bà nói số người xin tỵ nạn chính trị rất ít trong số những người di dân. " Đa số những người này sống lén lút ở đây suốt nhiều năm”,bà nói. Nhưng số di dân Triều Tiên đến Nga càng có trình độ giáo dục, và biết cách tìm sự hỗ trợ pháp lý, theo chuyên gia Lankov. Các chuyên gia nhất trí, rằng xem ra Nga chưa có chủ trương rõ ràng về người tỵ nạn Triều Tiên. Các cơ quan di trú khi trục xuất, lúc lại cho phép những người này lưu lại Nga, hoặc chuyển họ sang các nước thứ ba, dù không có số liệu thống kê cụ thể. Bà Tatarets nói: có thể chính quyền Nga ngại trao quyền tỵ nạn cho người di dân Triều Tiên ồ ạt, vì sợ thông tin về hành động này sẽ chóng được truyền về Bình Nhưỡng.
Ủng hộ tinh thần bé hạt tiêu David chống khổng lồ Goliath
Theo ông Lankov, gần đây cán bộ Bình Nhưỡng mở cuộc truy bắt “bọn vượt biên”, tức những công dân sẵn sàng rời khỏi Triều Tiên ngay khi có cơ hội. Ông nói: sự trừng phạt việc chạy trốn khỏi Triều Tiên đã nhẹ hơn trước. Hồi 20 năm trước, người vượt biên đều bị xử bắn, nay chỉ bị đánh đòn và ở tù một năm, trừ trường hợp người vượt biên thất bại đã công khai đả kích chế độ Bình Nhưỡng. Dự thảo thỏa thuận vào thời điểm Nga củng cố quan hệ với đồng minh địa chính trị Bình Nhưỡng trong vài tháng qua, theo chuyên gia Lankov.
Nga cũng đang muốn củng cố vai trò ở châu Á nên tăng cường quan hệ với Triều Tiên. Hồi tháng 5, Nga xóa hết nợ mà Triều Tiên nợ Liên Xô trước kia. Các tháng sau, Bình Nhưỡng nới lỏng quy định cấp visa cho các nhà đầu tư Nga, thậm chí cho phép sử dụng internet tự do, không bị kiểm duyệt. Và hồi tháng 10, Nga-Triều đạt thỏa thuận trị giá 25 tỷ USD, để Nga hiện đại hóa 3.000 km đường sắt Triều Tiên trong 20 năm tới. Ông Lankov nói liên minh này là cách Nga gián tiếp trả đũa việc Mỹ và phương Tây cấm vận Nga, với lý do Nga sáp nhập đảo Crimea hồi tháng 3, và cáo buộc Nga can thiệp quân sự vào nội chiến Ukraine. Chuyên gia Lankov nói: “Moscow đang chứng tỏ với Mỹ, rằng họ có thể gây ra những vấn đề ở đâu đó, nếu sức ép kéo dài. Đó cũng là một phản ứng cảm tính, ủng hộ một cách chống Mỹ kiểu bé hạt tiêu David chống khổng lồ Goliath”.


theo motthegioi