Chủ tịch TQ: Các nước theo đuổi vũ lực đều thất bại

Trước cáo buộc của các nước láng giềng rằng, TQ đang tiến hành các hoạt động khiêu khích quân sự ở những vùng biển tranh chấp, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã cam kết nước ông sẽ không sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu.


Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Quốc hội Australia

Lời của ông Tập đưa ra hôm qua trong một bài phát biểu dài trước Quốc hội Australia sau hội nghị thượng đỉnh G20. Theo giới phân tích, phát biểu mang tính chất ’hòa bình’ này của ông có vẻ trái ngược với thực tế quân đội TQ không bác bỏ khả năng xảy ra xung đột trong tranh chấp biển.
“Nhìn nhận lịch sử cho thấy, các nước cố theo đuổi vũ lực trong quá trình phát triển đều thất bại", ông Tập nói. "Hòa bình là quý giá và cần được bảo vệ. Quan điểm lâu dài của TQ là giải quyết hòa bình các tranh chấp với các nước có liên quan, giải quyết tranh chấp về lợi ích hàng hải thông qua đối thoại và tham vấn".
Tuy nhiên, ông Tập cũng nhấn mạnh đến ưu tiên giám sát và phòng thủ ở khu vực Biển Đông, Hoa Đông. "Phải luôn đề cao cảnh giác chống lại các yếu tố có thể lấy đi hòa bình của chúng ta".
Trong khi đó, theo giới phân tích, những diễn biến của quân đội TQ - với ngân sách ngày càng lớn - cho thấy, họ đang tự trang bị các khả năng để xử lý vấn đề nhiều hơn là chuyện phòng thủ hay giám sát các biên giới hàng hải.
Một báo cáo gần đây của Diplomat nhấn mạnh rằng, các lực lượng vũ trang Đông Á (bao gồm TQ) đang mở rộng khả năng tấn công đổ bộ, gia tăng can dự vào các tranh chấp lãnh thổ có liên quan đến TQ. Bắc Kinh hiện có nhiều tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam ở Biển Đông và Nhật Bản ở Hoa Đông.
Một số học giả cứng rắn của TQ cũng tán thành quan điểm "sức mạnh quân sự quy mô lớn" cần được phát triển để ngăn chặn việc bị "lâm vào thế bị động" bởi các nước khác.
Trước đó, ngày 15/11, tờ Straitstimes dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết, Singapore bác bỏ một giải pháp quân sự trong giải quyết căng thẳng ở Biển Đông. Thay vào đó, các nước có tranh chấp chủ quyền nên sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết bất đồng hàng hải.
"Càng ít sự tham gia của quân đội chúng ta càng tốt hơn cho tất cả. Đây là vấn đề không đòi hỏi một giải pháp quân sự. Không bao giờ cần một giải pháp quân sự. Thực tế là, quân đội càng nên tránh xa càng tốt, và để cho ngoại giao cũng như các giải pháp khác", ông nói với báo giới trong chuyến công du TQ kéo dài một tuần lễ.


theo vietnamnet.