.
Những lý do khiến du khách phàn nàn
ở Việt Nam

Nạn chặt chém khi mua sắm, vệ sinh an toàn thực phẩm kém và ăn xin đầy đường là những hình ảnh khiến du khách ngần ngại trở lại Việt Nam. Nhiều người yêu mến đất nước Việt Nam, nhưng cũng có vô số du khách cho rằng đến đây một lần thôi là đủ, không cần thiết phải quay lại. Lý do khiến một số du khách quay lưng với Việt Nam được chia sẻ trên các diễn đàn nước ngoài:

1. Cái gì cũng quy ra tiền

Du khách nước ngoài đến Việt Nam luôn là "miếng mồi béo bở" bị nhiều người nhòm ngó. Những người bán hàng luôn tìm cách lôi kéo họ mua đồ với cái giá đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba so với mức người bản địa phải trả. Ngay cả khi chỉ chụp một tấm hình, họ cũng bị vòi vĩnh đưa tiền. Trang Empty Rucksack Travelers thậm chí còn cảnh báo du khách rằng đến Việt Nam nên chuẩn bị sẵn tinh thần vì người dân sẽ cố gắng lấy càng nhiều tiền của bạn càng tốt.




Nếu không cải thiện nhiều yếu tố, lượng khách nước ngoài
có thể sẽ giảm trong tương lai.
Ảnh: Nguyễn Dưỡng


Trên diễn đàn của Lonely Planet, một du khách tên Nathalie chia sẻ:

"Tôi đến Việt Nam được hai lần. Tôi thật sự rất yêu thích thiên nhiên, bãi biển, đồ ăn và lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, ở lần thứ hai, tôi không muốn quay lại đây nữa. Tôi không thích họ nghĩ rằng tôi ngu xuẩn và vì tôi là khách du lịch nên phải trả tiền gấp 10 lần cho một chai nước suối".

2. Giao thông kinh khủng

Hình ảnh khách tây bước xuống vạch trắng qua đường, nhưng cứ định bước tới thì hoảng hốt giật lùi không hề xa lạ với nhiều người Việt Nam. Vài người Việt thấy cảnh đó còn tỏ ý buồn cười, nhưng thực tế với người nước ngoài, lưu thông trên đường phố Việt Nam giống như đang chơi trò tử thần. Mọi luật lệ đều bị phá vỡ, cảnh vượt đèn đỏ, lạng lách đều khiến họ sợ hãi.

Du khách Johnny Vagabond trên trang cá nhân của mình thì cảm thán:

"Giao thông kinh khủng lắm! Tôi biết nơi nào cũng có kẹt xe, nhưng ở đây tệ hơn rất nhiều. Tài xế xe buýt hoặc xe tải lái ẩu, chẳng ngần ngại hất bạn ngã. Lưu thông trên đường là những giờ phút căng thẳng nhất tôi từng phải trải qua khi lái xe máy".




Tham gia giao thông tại Việt Nam đã trở thành nỗi ám ảnh của du khách.
Ảnh: Hoàng Hà

3. Cảnh ăn xin đáng thương

Người vô gia cư ở nước ngoài thường biểu diễn nhạc cụ, ca hát hoặc hóa trang thành tượng để xin chút tiền lẻ từ du khách. Gặp những hình ảnh đó, du khách sẵn lòng bỏ ra những số tiền nho nhỏ vì cảm phục nhiều hơn là thương xót. Tại Việt Nam thì khác, người ăn xin thường chèo kéo du khách, cố tình lộ rõ những vết thương của mình, quỳ lạy, ẵm trẻ nhỏ ngủ thiếp trên tay ngồi giữa nắng hay thậm chí lê lết trên đường để xin tiền.

Những điều đó thường ám ảnh du khách, phần nhiều họ đều cho tiền nhưng mang trong mình cảm giác bất lực nên quyết định không trở lại Việt Nam để chứng kiến thêm lần nào nữa.

4. Môi trường ô nhiễm

Do quá quen với môi trường sống nên chúng ta không nhận ra tình trạng ô nhiễm hiện nay đã đến mức báo động. Ở hai thành phố lớn, khói bụi từ xe cộ nhả ra dày đặc, vào giờ cao điểm bạn còn có thể thấy những tòa nhà cao tầng chìm trong lớp bụi. Chưa dừng lại đó, du khách còn hứng chịu thêm loại ô nhiễm khác là tiếng ồn. Chỉ cần ra đường, tiếng còi xe inh ỏi sẽ vang lên liên hồi cho đến khi dòng xe bắt đầu di chuyển.




Sau trận mưa, đường phố bỗng chốc biến thành sông.
Ảnh: An Nhơn

Các loại rác rến vương vãi mọi ngóc ngách cũng là điều khiến du khách rùng mình. Những bức tường nhuốm màu vàng với mùi khai ngấy. Đặc biệt vào mùa mưa, nếu chúng ta cũng đang loay hoay tìm cách đối phó tình trạng ngập nước, thì khách nước ngoài thường chụp ảnh lại và ngạc nhiên như thể đất nước này là thành phố trên sông Venice của Italy.

5. Thái độ phục vụ tồi tệ

"Không ai lại muốn quay trở lại nơi mà họ bị đối xử chẳng ra gì. Khi tôi ở Việt Nam, tôi liên tục bị làm phiền, bị gạt, phải trả tiền nhiều và đối xử tệ bạc. Tôi chưa bao giờ có cảm giác được chào đón",
...tác giả Matt Kepnes nhận định trên báo Huffington Post.

6. Vệ sinh thực phẩm kém

Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, tuy nhiên tình trạng vệ sinh lại gây bất an cho nhiều du khách. Đặc biệt đối với những món ăn đường phố, nhiều người bán chế biến thức ăn không đeo bao tay, cứ thế bóc trần. Nơi bán lại được đặt kế bên hệ thống ống cống, thùng rác đầy ắp. Nhìn thấy hình ảnh đó đủ khiến cho các du khách không đủ can đảm thử qua các món ăn cho dù chúng có ngon lành đến thế nào đi nữa.
Thảo Nghi
VnExpress -
30/10/2014