.
Sự cố Singapore
và sự tử tế của người Việt

Thật không công bằng khi chúng ta quy kết cho một cá nhân nào đó phải chịu trách nhiệm đại diện cho hình ảnh đất nước mình và rằng anh ta không được quỳ xuống để xin lại tiền của mình vì anh ta là người Việt.

Câu chuyện một du khách Việt Nam bị lừa và chiếm đoạt tiền khi mua chiếc Iphone 6 tặng người yêu tại TT Thương mại Sim Lim ở Singapore hiện không chỉ còn là mối quan tâm của riêng cộng đồng các nước Đông Nam Á mà đã lan ra khắp thế giới. Với sự năng nổ của giới truyền thông và sự trợ giúp hiệu quả của công nghệ, người dân Singapore đang thực sự lo ngại về ảnh hưởng có thể là rất nặng nề cho ngành du lịch của đất nước này.

Trên các diễn đàn tiếng Anh, nhiều người Singapore đã lên tiếng xin lỗi về sự cố này - một sự cố mà nếu xảy ra tại Việt Nam thì thường được chúng ta gọi là "con sâu làm rầu nồi canh". Bên cạnh sự cảm thông của một số ít người về sự cố do một "con sâu" gây ra này, thì đa số dư luận bày tỏ sự thất vọng và kêu gọi tẩy chay du lịch Singapore.

Khoan bàn đến hậu quả sẽ như thế nào đối với ngành du lịch và nền kinh tế của đảo Quốc Sư Tử này, chỉ cần nhìn qua một số hành động thiết thực và sự cầu thị của nhiều người dân Singapore trong vài ngày qua chúng ta có thể tin tưởng rằng họ sẽ vượt qua được sự cố này bằng bản lĩnh và khả năng giải quyết khủng hoảng truyền thông một cách thấu đáo.

Lướt qua hàng trăm bình luận trên các báo nước ngoài (bằng tiếng Anh), thật khó để có thể tìm thấy một ai đó có ý chê trách sự thiếu hiểu biết hay hành vi của vị khách du lịch Việt Nam. Thay vào đó chính là sự thông cảm và chia sẻ quan tâm với những gì anh này đã phải trải qua do sự bất cập của luật pháp và thực thi luật pháp tại nơi đây. Đặc biệt hơn, thay vì đổ lỗi cho một cá nhận cụ thể là cửa hàng Mobile Air về việc làm xấu đi hình ảnh của đất nước mình, đa số người dân Singapore trên các diễn đàn đều có những lời nói và hành động thực tiễn với mong muốn giảm bớt đi những nhìn nhận tiêu cực về đất nước mình và cụ thể nhất đó là việc quyên góp ủng hộ nạn nhân của vụ lừa đảo này.




Jover Chew, chủ của cửa hàng Mobile Air
lừa đảo du khách Việt

Trái với những gì chúng ta nên làm là gây sức ép truyền thông lên Chính quyền Singapore với mong muốn đem lại sự công bằng cho đồng bào của mình trong sự kiện này, rất nhiều (tuy không phải đa số) người Việt chúng ta có xu hướng phê phán và đổ lỗi cho sự thiếu hiểu biết và tính thích chơi trội của người nhà mình - khó mà hiểu nổi. Thật không công bằng khi chúng ta quy kết cho một cá nhân nào đó phải chịu trách nhiệm đại diện cho hình ảnh đất nước mình và rằng anh ta không được quỳ xuống để xin lại tiền của mình vì anh ta là người Việt. Giả sử nếu anh ta là một công dân TQ hay Ấn Độ thì chúng ta có suy nghĩ như vậy không! Tôi nghĩ là không.

Trong sự kiện hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị đánh giá và xếp hạng thấp trong khu vực vài tuần trước, sự ồn ào của dư luận trên các diễn đàn dường như đã dừng lại mà không thể gợi ý được một giải pháp hay hành động cụ thể nào khả dĩ có thể giúp giải quyết các bất cập trong quản lý và vận hành các sân bay này. Những ý kiến cảm thông hay chỉ tríchanh công nhân "chơi trội" này rồi cũng chỉ dừng lại mà không thể đưa ra một thông điệp hay chiến dịch hành động nào có tính khả thi từ phía cộng đồng mạng Việt Nam. Điều này một lần nữa củng cố cho một luận điểm vẫn đang gây tranh cãi, đó là Người Việt chúng ta thích kêu ca, chỉ trích hơn là hành động.

Tôi nhớ một lần đi xe ôm ở Hà Nội, anh lái xe vừa đi vừa phàn nàn rằng dân mình rất thiếu ý thức, cứ có bất kỳ chỗ trống nào là "ngoi" lên khiến cho tình trạng tắc đường ngày thêm trầm trọng. Khi tôi đang mải gật đầu tán thưởng thì cũng vừa lúc gặp một xe ô tô đi ngược chiều trong cái ngõ nhỏ khiến cho giao thông bị dồn ứ lại, ngay lập tức anh xe ôm chở tôi đánh lái điệu nghệ và lách lên để chèn vào chỗ trống bên cạnh chiếc oto đang vất vả tiến lên. Lúc đó tôi chỉ biết thở dài và tự nhủ "tại cái nước mình nó thế", cho nên nhiều người vẫn hành xử theo lối "không ai được phép sai, trừ tôi".

Đã sai thì nên sửa, nhưng chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu và với quy mô nào? Xin được đưa ra một vài gợi ý:

Thứ nhất, một vấn đề cần được nhìn nhận khách quan từ nhiều góc độ. Thông tin đa chiều là cần thiết để giúp chúng ta thoát ra khỏi lối mòn trong tư duy và các nhận định mang tính chủ quan. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, mỗi cá nhân sẽ có những cách ứng xử và hành vi khác nhau. Trong trường hợp người đàn ông mua Iphone 6 kia, tôi dám chắc không có mối liên hệ nào giữa quyền lợi cá nhân với "hình ảnh đất nước" khi anh ta quỳ xuống để được xin trả lại tiền cả.

Thứ hai, thay vì kêu ca, chỉ trích (kể cả cấp vi mô và vĩ mô), chúng ta nên tạo cho mình một lối sống "tử tế" hơn, các "tiêu chuẩn kép" trong đời sống nên được loại bỏ. Bạn không thể khuyên con bạn đừng hút thuốc khi bản thân mình lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc trên môi. Bạn không thể trông đợi một cộng đồng thượng tôn pháp luật khi bản thân thường hay và cho mình cái quyền được vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Một khi mọi công dân đều xác định sống tử tế và có trách nhiệm với cộng đồng thì "bộ mặt Quốc gia" tức khắc được nâng cao mà không cần đến những khẩu hiệu đao to búa lớn.

Thứ ba, trong bất kỳ bối cảnh xã hội nào, thì sự đoàn kết, tương thân tương ái đều vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh đất nước ta đang rất cần củng cố lại sức mạnh đoàn kết này, tinh thần tương thân, tương ái và sự bao dung - không chỉ đối với kẻ thù mà ngay đối với đồng bào mình (các giá trị Việt địch thực) cần được phát huy triệt để. Một lời khuyên chân thành cộng với tình thương có giá trị hơn ngàn lần so với những lời chỉ trích.

Trên hết thay vì các chỉ trích, chúng ta nên bắt đầu thể hiện tình đoàn kết, sự chia sẻ và tinh thần xây dựng từ chính thái độ của từng cá nhân, qua những hành động cụ thể.
Trần Văn Tuấn

***

"Khóc vì Iphone 6":
Cú sốc lộ những rạn nứt

Hàng ngày, chúng ta không ngừng chỉ trích, "nói xấu" nhau, nhưng hễ có ai đó trong chúng ta gây ra ấn tượng xấu với bên ngoài, thì lập tức tất cả đều quay ra đồng thanh chống lại "kẻ tội đồ".

Thú thật là tôi không thể vờ như mình không quan tâm và không thấy sốc khi đọc câu chuyện và nhìn hình ảnh người du khách Việt quỳ khóc trong một trung tâm thương mại ở Singapore. Anh xin cửa hàng cho anh trả lại chiếc Iphone 6, mà vì hạn chế ngôn ngữ, anh không biết nó được bán kèm theo gói bảo hành với giá cắt cổ.

Giữa bao nhiêu chuyện to tát hàng ngày, ban đầu vụ việc hiện lên chỉ như một góc cận cảnh rất nhỏ của đời thường, mà thông điệp phát đi có chăng là lời cảnh báo về lối làm ăn dối trá của một cửa hàng ở đảo Quốc sư tử.

Vậy nhưng, chứa đựng trong câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ đó, là những từ khóa dễ khiến chúng ta mở rộng hậu cảnh: "du khách Việt", "Iphone 6", "Singapore", "quỳ gối khóc lóc". Và chúng buộc tôi phải trả lời cho mình nhiều câu hỏi xác đáng, nếu không muốn bị đẩy vào cãi vã, dễ xa nhau.

Thứ nhất, là đàn ông, tôi không thể vờ như mình không giận dữ với anh, ngay cả khi tôi biết điều này khiến tôi trở nên một kẻ đạo đức giả. Và mọi phán xét đều có thể bất công, khi mà vụ việc đã bị tước khỏi bối cảnh đầy đủ, để chỉ còn hiện lên hình ảnh người thanh niên với hình ảnh quỳ khóc và những giọt nước mắt.

Trong tư cách những người đàn ông, chúng ta được dạy rằng không được phép yếu hèn, quỳ gối trước bất công. Dẫu thế nào, tôi cũng không tìm được lý do giải thích việc anh quỳ vì một sự cố hoàn toàn có thể mạnh mẽ để giải quyết theo cách tự tôn. Nhất là khi nó xảy ra tại nơi công cộng xứ người, và trước mặt bạn gái.

Nhưng tôi cũng không thể vờ như tôi không quý trọng anh, ở cách anh muốn dành tặng cho người yêu món quà tốt nhất mà anh có thể.

Cả hai cảm xúc trên đồng thời làm tôi rơi vào mâu thuẫn, mà bằng sự rạch ròi phân định, tôi không thể đứng về một phía để chống lại phía khác của chính tôi.




Ảnh từ clip


Thứ hai, là người Việt, tôi không thể vờ như hành động của anh đã không làm tôi chạnh buồn, bởi dù thế nào, ít nhiều nó cũng khoét sâu thêm ấn tượng không mấy hay ho về chúng ta.

Không ai có quyền bắt anh gánh trên vai Thể diện Quốc gia. Nhưng mặt khác, anh cũng không thể "bắt" những người ngoại quốc nghĩ rằng anh chỉ là anh, mà không gắn với bất cứ bổn phận nào với hai chữ Việt Nam khi đi ra nước ngoài. Ít nhất là trong mắt của tay phóng viên người Singapore - mà có lẽ đã nương theo cái nhìn thành kiến trịch thượng - để đem cả câu chuyện nhỏ nhặt, riêng tư của anh trên báo.

Nhưng mặt khác, chuyện của anh cũng khiến tôi không thể vờ như không thấu hiểu và cảm thông cho anh, cho chính tôi và chúng ta, vì những gánh nặng phải mang khi sống trong một cộng đồng còn chưa hoàn thiện những chuẩn mực, phép tắc ứng xử nơi công cộng.

Hàng ngày, chúng ta không ngừng chỉ trích, "nói xấu" nhau, nhưng hễ có ai đó trong chúng ta gây ra ấn tượng xấu với bên ngoài, thì lập tức tất cả đều quay ra đồng thanh chống lại "kẻ tội đồ". Giống như người dù biết mình vẫn còn những điều chưa hoàn thiện, nhưng lại không sẵn sàng để bất cứ ai chỉ trích, bêu xấu chúng ta vì điều ấy.

Đến đây, tôi lại tự hỏi, nếu là người nước khác, như Mỹ chẳng hạn, liệu họ có vội vàng "nâng cấp" hành vi riêng lẻ của một công dân của họ ở nước ngoài lên tầm thể diện quốc gia hay tự tôn dân tộc hay không? Còn chúng ta, tôi ngờ rằng trong cơn giận dữ dễ đâm ra hồ đồ, nhanh chóng phán xét bất công với anh, và cũng là cũng đang bất công với chính chúng ta.

Tự cao và tự ti hóa ra là hai phía đối lập không loại trừ, mà có thể đang cùng nằm ngay trong chính mỗi chúng ta hôm nay. Và một khi, tôi chưa cảm thấy mình làm được gì cho Thể diện Quốc gia, tôi biết mình không có quyền chỉ trích bất cứ ai đã góp phần gây hại cho giá trị chung đó.

Tôi cũng biết, ngay cả việc mọi người "ném đá" anh cũng chẳng khiến Thể diện Quốc gia được đảm bảo hơn. Nếu không muốn nói là còn gây hại khi bất cứ ai cũng có thể làm hành động này một cách tùy tiện chỉ vì đối tượng "nhận đá" chẳng liên quan gì đến lợi ích hay tình cảm thiết thân với mình.

Câu chuyện nhỏ chừng như đang nhắc với chúng ta về vết thương lớn. Mà sự chữa lành chắc chắn không đến từ cách chúng ta đứng về những phía đối lập để tiếp tục chỉ trích nhau, để giành về phần mình những mảnh ghép lại của một sự thật chung và lớn nhất.

Minh Chánh
vietnamnet online