Trung Quốc bắt tay Mỹ, Úc mở rộng chiến dịch “săn cáo”

Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ theo đuổi tới cùng chiến dịch mang tên "Săn cáo" nhằm vào quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp tham nhũng cùng tài sản của những người này ở nước ngoài.


Trung Quốc mở rộng chiến dịch “săn cáo”

Tuy nhiên, các nước phương Tây vẫn còn do dự trong việc ký thỏa thuận dẫn độ với Bắc Kinh, phần vì lo ngại về tính minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc và cách đối xử với tù nhân của nước này, tờ China Daily ngày 29-12 dẫn nguồn tin từ Bộ Tư pháp Trung Quốc cho biết.
Thời gian qua Bắc Kinh tuyên bố sẽ mở rộng chiến dịch “săn cáo” ra ngoài biên giới để truy lùng quan chức, lãnh đạo công ty tham nhũng và tài sản của họ.
China Daily cho biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang thảo luận với Mạng lưới chống tội phạm tài chính thuộc Bộ Tài chính Mỹ nhằm chuẩn bị ký một thỏa thuận nhắm vào tài sản bất chính ở nước ngoài.
Bắc Kinh cũng sẽ ký một thỏa thuận tương tự với Úc, ông Zhang Xiaoming, phó giám đốc bộ phận các vấn đề nước ngoài và hỗ trợ luật pháp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết.
"Sau khi ký kết các thỏa thuận, Trung Quốc sẽ chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ và Úc, trong đó cũng sẽ cung cấp thông tin cho các cơ quan thực thi pháp luật của họ để điều tra thêm" - ông Zhang nói trên China Daily.
"Một khi cán bộ thực thi pháp luật ở Mỹ và Úc xác định các quỹ bất hợp pháp, họ sẽ ngay lập tức bắt đầu các thủ tục pháp lý để đóng băng và tịch thu số tiền ở nước họ”.
Hơn một nửa quan chức tham nhũng của Trung Quốc tẩu tán tài sản và trốn sang Mỹ, Canada và Úc để tránh bị bắt.
Trong thời gian từ năm 1990-2011, hơn 18.000 quan chức Trung Quốc đã trốn ra nước ngoài, mang theo khoảng 800 tỉ nhân dân tệ (khoảng 128,5 tỉ USD).
Tính đến ngày 4-12, cảnh sát Trung Quốc bắt về 428 tội phạm kinh tế nhưng tài sản thu hồi không đáng kể.
"Mặc dù Cục Điều tra liên bang Mỹ hoặc cảnh sát Úc đã thu thập đủ bằng chứng để xác định chúng là những khoản lợi bất chính, họ không thể lập tức đóng băng và tịch thu do thiếu yêu cầu khống chế tài sản từ tòa án Trung Quốc" - ông Zhang giải thích.
Trong khi đó, theo cơ chế luật hình sự của Trung Quốc, tòa án thường không kết án nghi can và tài sản bất chính nếu họ không ra tòa.


Theo Tuổi Trẻ