Sợ hóc ở Biển Đông, Trung Quốc quay sang xin phần ở Bắc Cực

Trong cơn khát năng lượng, Trung Quốc đang nhòm ngó Bắc Cực cho dù nước này không có milimet lãnh thổ nào giáp với Bắc băng dương. Động thái của Trung Quốc khiến Mỹ và Canada khó chịu.



Trung Quốc đưa người lên Bắc cực “nghiên cứu“

Lợi ích của Trung Quốc ở Bắc Cực

Trung Quốc đang tiêu thụ năng lượng trên một quy mô chưa từng có và cơn khát của nó được dự báo sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Điều này làm cho Bắc Cực trở thành mối quan tâm của Trung Quốc. Trong năm 2008, cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ước tính rằng, Bắc Cực chiếm 13% dầu, 30% khí đốt, 20% khí tự nhiên dạng lỏng chưa được khai thác trên thế giới. Những tỷ lệ này lần lượt tương đương với khoảng 90 tỷ thùng dầu, 1.670 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên, và 44 tỉ thùng khí tự nhiên dạng lỏng. Ngoài ra, nguồn dầu khí từ Bắc Cực có thể giúp Trung Quốc đa dạng về an ninh năng lượng. Họ đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu dầu từ Trung Đông vốn đầy bất ổn. Dòng dầu của Trung Quốc mà phải đi qua các điểm nút của eo biển Malacca ở Đông Nam Á (85%) và Trung Quốc rất sợ viễn cảnh bị chặn đường chảy ở đây khi có xung đột trên Biển Đông. Nguồn năng lượng ở Bắc Cực sẽ giúp Trung Quốc bớt lo hơn về an ninh. Ngoài ra tuyến hàng hải đi qua Bắc Cực cũng sẽ làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển sang thị trường châu Âu. Khoảng cách từ Thượng Hải đến Hamburg dọc theo con đường biển phía Bắc nước Nga ngắn hơn 1/3 so với các tuyến đường biển thông qua kênh đào Suez. Rút khoảng cách và thời gian vận chuyển sẽ mang lại tiết kiệm lớn về nhiên liệu và tăng năng xuất lực khẩu của Trung Quốc sang châu Âu.

Trong năm 2013, 71 tàu Trung Quốc đã vận chuyển 1.355.897 tấn hàng qua ngả Bắc Cực, ấn tượng hơn nhiều so với 4 tàu hồi 2010. Trung Quốc hy vọng sẽ đẩy khối lượng vận chuyển quốc tế của mình thông qua Bắc Cực vào năm 2020 lên 15%.

Chi tiền để mon men ngồi chung mâm
Trong việc theo đuổi các cơ hội ở Bắc cực, Trung Quốc đã có những bước đáng kể hướng tới thiết lập một sự hiện diện tại đây. Trung Quốc đang chi xấp xỉ 60 triệu USD mỗi năm cho nghiên cứu địa cực (nhiều hơn Mỹ, nước có phần Bắc Cực thông qua bang Alaska). Họ còn duy trì Viện quản trị Nam cực, Bắc Cực, mở trung tâm nghiên cứu Bắc Cực tại Thượng Hải vào cuối năm 2013. Sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Cực cũng đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Năm 2003, hoàn thành trạm Hoàng Hà, một cơ sở nghiên cứu lâu dài trên đảo Spitsbergen của Na Uy ở Bắc cực. Trung Quốc cũng đang sở hữu một tàu phá băng có tên Tuyết Long chuyên hoạt động ở vùng cực và sẽ có thêm một chiếc nữa vào năm 2016. Trong lĩnh vực hội thảo quốc tế, Trung Quốc luôn tham gia như một học sinh chăm chỉ dự các buổi thảo luận của giới khoa học quốc tế về chuyện Bắc Cực. Năm 2013, Trung Quốc đã trở thành một quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực gồm tám thành viên chính thức (Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển). Trung Quốc đã chủ động “ve vãn” các quốc gia trong hội đồng. Họ đạt được tiến bộ đáng kể với cả Iceland và Đan Mạch. Sau khủng hoảng kinh tế của Iceland hồi 2008, Trung Quốc đã tung các gói viện trợ lớn cho băng đảo nhỏ bé này. Năm 2012, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Ôn Gia Bảo đã thăm Iceland dọn đường cho một thỏa thuận thương mại tự do Trung Quốc-Iceland được ký kết vào năm 2013. Trung Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm các dự án năng lượng tại Greenland (đảo tự trị của Đan Mạch) bằng việc cầu thân với giới lãnh đạo Đan Mạch. Kết quả là, Iceland và Đan Mạch đã rất ủng hộ Trung Quốc có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề và chính sách Bắc Cực. Tuy nhiên, các nước lớn và có nhiều lợi ích tại Bắc Cực như Mỹ và Canada lại rất cảnh giác chuyện này.


Theo motthegioi.