Tại sao Mỹ vắng mặt trong cuộc diễn hành lịch sử của Pháp?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông sẽ đến Pháp sau khi chính phủ Hoa Kỳ bị dèm pha vì đã không tham gia vào một sự kiện lớn diễn ra ngày hôm qua để lên án các vụ tấn công khủng bố ở Pháp.



Hơn 40 nhà lãnh đạo trên thế giới đã đến Pháp để tham gia cuộc diễn hành tưởng nhớ các nạn nhân của hai vụ tấn công khủng bố tại Pháp, chỉ trừ đại diện chính thức của chính quyền Washington. Photo Courtesy: dailymail.co.uk

Cali Today News - Được biết trong sự kiện ngày hôm qua còn có sự tham dự của hơn 40 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ngoài ra còn có hơn một triệu những người dân.

Một điều đáng ngạc nhiên là trên toàn nước Pháp có đến 3.7 triệu người đã tập trung cùng nhau tại nhiều nơi trong ngày thứ Hai để tiếp tục cuộc diễn hành tưởng nhớ 17 nạn nhân đã bị thiệt mạng trong các cuộc vây hãm con tin tuần trước.

Tại một cộc họp báo, ông Kerry cho biết rằng quan chức Hoa Kỳ đã gửi lời chia buồn đến chính quyền Paris ngay sau vụ tấn công đầu tiên xảy ra, và còn hỗ trợ tình báo cho chính phủ Pháp để truy lùng những kẻ khủng bố đang trốn thoát. Và để giải thích cho việc các phương tiện truyền thông đưa tin rằng không có một quan chức cấp cao nào của Hoa Kỳ có mặt trong sự kiện ngày hôm qua tại Pháp, ông Kerry nói:

"Tôi nghĩ người ta đang cố gắng lấp liếm đi sự thật rằng trong sự kiện ngày hôm qua có sự tham dự của Trợ lý Ngoại trưởng Victoria Nuland, đại sứ của Hoa Kỳ cũng có mặt ở đó, và rất nhiều người từ Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đã đến tham gia vào đoàn người diễn hành đó. Như mọi người đã biết, tôi vốn đang ở Ấn Độ để tham gia một sự kiện đã được lên lịch trước, đó là lý do tôi không thể tham gia trong cuộc diễn hành ngày hôm qua tại Paris. Cá nhân tôi rất muốn có mặt tại đó, nhưng tôi không thể làm khác được vì tôi đã cam kết rằng tôi phải thực hiện những gì là trách nhiệm của một Ngoại trưởng."

Ông Kerry đã đến thành phố Ahmedabad, Ấn Độ vào hôm Chủ Nhật vừa qua để tham dự một hội nghị đầu tư quốc tế có lịch trình kéo dài. Chuyến đi này của ông được xem là để chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Ấn Độ vào tháng tới. Nhưng báo giới lại chỉ ra rằng không chỉ có ông Kerry vắng mặt, mà Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cũng có mặt tại Paris vào ngày Chủ Nhật vừa qua nhưng lại không thấy sự có mặt của ông này trong sự kiện. Hiện vẫn chưa rõ tại sao ông Holder lại vắng mặt.
Hôm thứ Sáu, ông Obama đã gọi Pháp là đồng minh lâu năm nhất của mình, ông Obama nói:

"Tôi muốn người Pháp hiểu rằng Hoa Kỳ sẽ luôn bên cạnh các bạn, dù đó là ngày hôm nay hay sau này."
Nhưng chỉ hai ngày sau khi tuyên bố điều này, Hoa Kỳ thậm chí còn không cử lấy một quan chức cấp cao chính thức đến Pháp như những quốc gia khác. Theo một quan chức chính quyền, ông Obama đã dành một phần thời gian của buổi chiều ngày Chủ Nhật để xem một trận bóng của National Footbal League trên truyền hình.

Trang tin DailyMail.com đã gửi yêu cầu đến Toà Bạch Ốc để yêu cầu thông tin chi tiết về các hoạt động của Tổng thống Hoa Kỳ trong ngày Chủ Nhật vừa qua, nhằm chứng thực cho thông tin nói trên. Nhưng phía Toà Bạch Ốc vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Hơn 40 nhà lãnh đạo thế giới từ châu Âu, châu Phi, đến Trung Đông và ngay cả Nga cũng đã có mặt tại cuộc diễu hành lịch sử ngày hôm qua ở Paris. Người vắng mặt duy nhất là ông Barack Obama, Tổng thống Hoa Kỳ. Ngay đến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng để những hiềm khích cá nhân sang một bên và cùng bắt tay trong cuộc diễu hành. Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng hành động tương tự khi tham gia cuộc diễn hành nhằm lên án tình trạng khủng bố tấn công bạo lực nhắm vào thành phố của Pháp trong tuần qua.

Tại buổi họp báo, ông Kerry tuyên bố ngày hôm nay ông cũng sẽ đến Pháp để tái khẳng định mối quan hệ đồng minh quân sự lâu năm của Hoa Kỳ và Pháp:

"Ngay khi nghe về sự kiện hôm Chủ Nhật, tôi đã hỏi các nhân viên rằng khi nào thì tôi có thể đến Pháp sớm nhất. Đó là lý do tại sao tôi đến Pháp ngay trên đường quay về Mỹ. Tôi không nghĩ rằng người Pháp sẽ nghi ngờ về sự chia xẻ của Hoa Kỳ đến những mất mát của họ, và về sự cam kết luôn là đồng minh của Hoa Kỳ với người dân Pháp."

Khi đến Paris, ông Kerry sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius để chia xẻ những mất mát của quốc gia này. Ông Kerry được biết đến là một người giỏi tiếng Pháp, kể từ khi ông nắm chức Ngoại trưởng Mỹ đến nay, tổng cộng ông đã đến thăm Pháp cả chục lần. Ông sẽ đến Pháp vào ngày thứ Năm sau khi dừng chân tại Islamabab, Pakistan và Sofia, Bulgaria và Geneva, Switzerland. Ông Kerry sẽ là quan chức cấp cao đầu tiên của Hoa Kỳ chính thức đến thăm Pháp sau khi quốc gia này bị khủng bố tấn công.

Linh Lan (Theo Dailymail)