Cảnh báo chủ nghĩa khủng bố mới


An ninh trên đất Pháp đang được siết chặt song các chuyên gia an ninh vẫn lo ngại rằng, những “mầm mống” khủng bố đang len lỏi đâu đó mà chưa thể phát hiện.


Pháp đang siết chặt an ninh sau những gì đã xảy ra

Hơn một tuần đã trôi qua, nhưng cảnh tượng vụ khủng bố đẫm máu diễn ra tại tòa soạn báo Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng vẫn khiến cả thế giới bàng hoàng. Hai ngày sau đó là vụ bắt cóc con tin, giết người tại siêu thị Kosher ngay giữa thủ đô Paris… An ninh trên đất Pháp đang được siết chặt song các chuyên gia an ninh vẫn lo ngại rằng, những “mầm mống” khủng bố đang len lỏi đâu đó mà chưa thể phát hiện.


Tấn công “phi truyền thống”

Hai kẻ khủng bố thực hiện vụ thảm sát đẫm máu tại tòa soạn báo Charlie Hebdo là người Pháp gốc Algeria: Said và Cherif Kouachi. Nhiều người đặt câu hỏi, làm thế nào mà Said và Cherif Kouachi có thể vào trung tâm Paris trên chiếc xe được trang bị súng trường tự động và tiến thẳng đến tòa soạn báo Charlie Hebdo mà không bị phát hiện. Hai tên khủng bố này đã nghiên cứu rất kỹ quy luật hoạt động của tòa soạn để “ra tay”. Chúng chọn đúng thời điểm tòa soạn tiến hành họp giao ban định kỳ nên có mặt đầy đủ lãnh đạo của báo. Cuộc tấn công diễn ra nhanh chóng, hai tên khủng bố gọi tên các nạn nhân, bắn vào nạn nhân nhiều lần, cướp xe ôtô và chạy trốn mà không bị bắt giữ.

Vụ bắt có con tin, giết người diễn ra ở siêu thị Kosher cũng vậy. Mọi thứ đều diễn ra hết sức nhanh chóng và mau lẹ. Tính đến thời điểm này, nữ nghi can khủng bố Hayat Boumeddiene, 26 tuổi, vẫn chưa bị bắt giữ. Theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, đoạn phim trên máy quay an ninh cho thấy, Hayat Boumeddiene đã đến sân bay Istanbul và có thể nữ nghi can này đang lẩn trốn ở Syria. Hayat Boumeddiene được cảnh sát Pháp xác định là nghi can thứ 4 trong chuỗi các vụ khủng bố diễn ra tuần trước. Theo các nhà chức trách, Boumeddiene đã trao đổi hơn 500 cuộc điện thoại với vợ của nghi can Cherif Kouachi trong năm 2014.

Những gì xảy ra ở Pháp cảnh báo về hình thái mới của chủ nghĩa khủng bố. Các phần tử khủng bố đang chĩa mũi tấn công vào những thành phố lớn có ý nghĩa tượng trưng, đô thị có mật độ dân số cao hay sự kiện đông người tham dự. Để tiến hành khủng bố, tội phạm không cần nhiều thời gian để chuẩn bị và xây dựng kế hoạch tấn công như trước đây. Những tên khủng bố không tiến hành đánh bom tự sát mà thay vào đó, sát thủ máu lạnh được đào tạo tại các trại tập trung ở Trung Đông. Trong những trại huấn luyện, chiến binh được rèn luyện thể chất, học sử dụng các loại vũ khí hiện đại.

Những “mầm mống” khủng bố

Sau những vụ khủng bố đẫm máu, Pháp đang duy trì cảnh báo an ninh ở mức cao nhất. Chính phủ Pháp đã triển khai khoảng 10.000 binh sĩ cùng với lực lượng cảnh sát và an ninh tại các “điểm nóng”. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cảnh báo, đề nghị công dân Mỹ tiếp tục nêu cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo an ninh cho bản thân.

Các quan chức Pháp thừa nhận, hàng ngàn phần tử cực đoan sống trong xã hội Pháp là những “mầm mống” khủng bố khiến các cơ quan chức năng “đau đầu”. Những kẻ cực đoan này là thế hệ thứ hai và thứ ba của những người chuyển đổi quốc tịch Pháp. Họ không cảm thấy “thỏa mãn” ở Pháp và vẫn “ôm ấp” một ý thức hệ cực đoan. Các chuyên gia nhận định, xu hướng “địa phương hóa” trong đối tượng khủng bố càng trở nên rõ nét sau vụ tấn công ở Pháp.

Các phần tử khủng bố không chỉ là những đối tượng ở Ảrập hay một số nước Châu Âu như trước mà đang dần hướng sang dân địa phương, con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba của người di dân. Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại vì khả năng phát hiện, phòng ngừa không hề dễ dàng. Trước đó, Mỹ cũng đã từng xác định rằng, mối đe dọa khủng bố không chỉ từ những cuộc tấn công quy mô lớn được lên kế hoạch trước và có sự chỉ đạo từ bên ngoài mà là từ chính những nhóm hoặc cá nhân sinh sống ở Mỹ.


Theo dantri.com