.

“Không, tôi không phải là Charlie”
Hưng Việt (Brisbane)

Vụ khủng bố xảy ra trong tuần qua giữa thủ đô Paris đã gây chấn động dữ dội trên toàn thế giới vì nhiều lý do. Thứ nhứt, nó diễn ra ngay giữa một thành phố được xem như cái nôi của chế độ dân chủ và là biểu tượng của văn minh hiện đại. Thứ hai, các đoạn videos cho thấy sự tính toán cẩn thận của các hung thủ dẫn đến cách hành xử ung dung như chỗ không người cùng thái độ lạnh lùng, tàn nhẫn của chúng. Thứ ba, số nạn nhân lên rất cao, gồm đến 12 người trong đó có vị tổng biên tập cùng nhân viên của một tòa báo châm biếm nổi tiếng ở Pháp, Charlie Hebdo.

Có lẽ điểm sau cùng nói trên đã gây ra phẩn nộ nhiều nhứt vì nó đã đụng chạm đến điều mà người ta thường gọi là Đệ Tứ Quyền: quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Trong nhiều năm qua, Charlie Hebdo đã từng là mục tiêu của những tay Hồi giáo quá khích vì những bức biếm họa chế diễu giáo tổ Mohammed. Khởi đầu từ việc đăng lại các bức biếm họa của báo Jylland Posten ở Đan Mạch, tờ báo Charlie Hebdo đã đi xa hơn với các bức tranh khác của chính các cộng sự viên của họ, ngay cả việc vẽ Mohammed trần truồng.

Bài viết này không phải để bênh vực các tay khủng bố. Người viết cực lực lên án các hành vi bạo động, dù xảy ra ở Martin Place, Sydney hay thủ đô Pháp quốc hoặc ở Nigeria tận Phi châu xa xôi do nhóm Boko Haram gây ra. Mỗi cái chết của một nạn nhân vô tội là một bản án cho những người chủ trương dùng vũ lực và súng đạn để cướp đoạt quyền tự do của người khác.

Đó cũng là lý do trong chuyến viếng thăm Sydney trong kỳ nghỉ lễ vừa rồi, chúng tôi đã có ý định đến quán cà phê Lindt ở quãng trường Martin Place để vào uống ly nước, trước nhứt để tỏ ý ủng hộ và tấm lòng phân ưu với doanh nghiệp này sau cơn thảm kịch, và thứ hai , cùng với các người dân Úc khác, để chứng tỏ với các tay khủng bố, bạo lực không đe dọa được người dân. Đáng tiếc là quá Lindt vẫn còn đóng cửa để sửa sang.





Quán cà phê Libdt ở Martin Place, Sydney,
vẫn còn đóng cửa trong ngày cuối năm 2014


Bài viết này chỉ muốn tập trung vào sự liên đới giữa Tự do và Trách nhiệm.

Quân bình giữa Tự do và Trách nhiệm.

Hơn ai hết, chúng ta, những người Việt tỵ nạn, hiểu rõ và trân quý giá trị của hai chữ Tự do. Cũng vì Tự do, chúng ta phải lìa bỏ quê hương, đất nước. Nhưng song song bên cạnh đó, chúng ta cũng hiểu bên cạnh Quyền hạn luôn đi kèm hai chữ Trách nhiệm.

Tự do đi lại không có nghĩa là chúng ta có quyền xâm nhập gia cư của người khác. Tự do sở hữu không cho phép chúng ta được tồn trữ cần sa, ma túy hay trong trường hợp ở Úc, Pháp và nhiều quốc gia khác trừ Hoa Kỳ, vũ khí trong nhà mà không có giấy phép. Và tự do ngôn luận không có nghĩa là chúng ta được quyền viết, nói hay phát biểu bất cứ điều gì chúng ta thích để phỉ báng, mạ lỵ người khác.

Đó là điều người viết bài không đồng ý với những người biểu tình ở Paris và vài nơi khác trên thế giới trong những ngày qua với tấm bảng “Je suis Charlie” “Tôi là Charlie”.

Vâng, chúng ta cần phải biểu tình để lên án các tay sát nhân. Nhưng không, quý vị không thể nào là Charlie được. Cũng như quý vị không bao giờ muốn là Charlie Hebdo.




Người biểu tình ở Pháp với biểu ngữ cầm tay “Je suis Charlie”

Ở Úc, sự kiện chúng ta không phải là Charlie Hebdo là một điều đáng hãnh diện. Chúng ta không chấp nhận lối trào phúng làm tổn thương tín ngưỡng, tinh thần và tình cảm của người khác.

Ở Pháp, Charlie Hebdo không phải là tờ báo châm biếm duy nhứt. Người viết bài đã từng được biết đến báo Le Canard Enchainé từ thuở còn mài đủng quần ở các lớp tiểu học qua sự giới thiệu của phụ thân. Ra đời từ năm 1915, “Con Vịt Bì Xiềng Chân” hàng tuần loan tải các nguồn tin bị rò rỉ từ chính trường cùng thương trường của Pháp kèm theo những chuyện tếu và những bức tranh biếm họa. Nhưng tuần báo này tồn tại đến ngày nay vì họ biết giới hạn của quyền tự do báo chí và tạo được sự nể phục trong lòng dân chúng Pháp, ngay cả những người thường bị họ châm biếm.

Charlei Hebdo thì khác. Báo này không phân biệt nạn nhân, chế giễu chẳng những tín đồ Hồi giáo mà còn cả Thiên chúa giáo, Judai giáo, tài tử, lực sĩ quốc gia, chính trị gia. Chủ trương của họ là muốn thử xem biên giới của quyền tự do báo chí có thể kéo dài đến bao xa bằng cách khiêu khích một cách có có chủ đích, đôi khi nham nhở và thách thức.

Điều luật 18C.

Ở Úc, chúng ta biết là phải tôn trọng tín ngưỡng và văn hóa của người khác. Đây không phải là chuyện hành xử theo “lề phải” hay “lề trái” mà là cung cách căn bản.

Luật pháp quốc gia này quy định chặt chẻ những phương thức để bảo vệ các quy ước xã hội không bị tấn công một cách trắng trợn.

Đó là lý do chúng tôi đã lên tiếng báo động khi dự luật bải bỏ điều khoản 18C của đạo luật Chống Kỳ thị Chủng tộc được manh nha đem ra quốc hội liên bang bàn thảo. Điều 18C bảo vệ người dân không bị “làm đau lòng, mạ lỵ, sỉ nhục hay đe dọa”. May mắn là chính phủ Liên đảng đã trông thấy được nguy cơ bất ổn xã hội nên vẫn giữ nguyên điều khoản nói trên
Nước Úc vẫn tự hào với nền văn hóa “fair go” nôm na là mọi người đều bình đẳng. Muốn được như thế, dân chúng cần có những đạo luật cứng rắn để bảo vệ họ khỏi bị các sự lăng mạ vì hận thù, hay tệ hơn, chỉ vì sự khác biệt, cho dù đó là về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc hay ngôn ngữ.

Đa số dân chúng hiểu được tính cách quan trọng của sự quân bình giữa một bên là quyền tự do báo chí và một bên là giá trị và danh dự của người dân, những điều không thể bị xúc phạm.

Do đó, khi bỉnh bút nổi tiếng Andrew Bolt viết những lời bình luận xúc phạm đến những người gốc Thổ dân khiến quan tòa Mordecai Bromberg phán xét là đã “sỉ nhục họ”, ông Bolt đã bị tòa án liên bang kết tội theo điều khoản 18C.

Hận thù trong xã hội.

Hãy thử tưởng tượng nếu ông ký giả này đã được tha bổng. Bao nhiêu bài mạ lỵ khác sẽ được tự do phóng bút, chẳng những chỉ bởi ông Bolt mà còn từ nhiều cây viết khác đang chực chờ trong bóng tối. Và không chỉ bài bình luận trên báo, mà còn trên đài phát thanh, truyền hình, các trang mạng xã hội. Không chỉ văn xuôi, tranh biếm họa mà còn âm nhạc, phim ảnh. Không chỉ người thổ dân mà các sắc tộc thiểu số khác trong đó có người Á châu bao gồm người Việt chúng ta ? Để cuối cùng, xã hội này đi về đâu nếu không ngoài một sự hổn loạn, vô trật tự dẫn đến hận thù, bài bác lẫn nhau.

Ngay sau khi vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo xảy ra, tay biếm họa chính trị nổi tiếng nước Úc David Pope cho biết ông đã ngủ không được nên ông lấy giấy bút vẽ ngay cảnh tay khủng bố Hồi giáo với cây súng còn bốc khói nói về nạn nhân đang nằm sóng soài trên sàn nhà “He drew first”.



Bức hí họa “He drew first” của David Pope

“Drew” là thời quá khứ của động từ Draw. Và động từ này có hai nghĩa: thứ nhứt là “Vẽ” và thứ hai là “Rút súng”. Bức tranh hàm ý nạn nhân đã “vẽ” trước, khiến hung thủ phải “rút súng”.

Xin khẳng định một lần nữa là chúng tôi không bênh vực hành vi bạo lực của các tay khủng bố mà ngược lại còn cực lực lên án bọn chúng. Việc các nhà báo Charlie Hebdo vẽ các bức biếm họa không thể được dùng làm lý do để bào chữa cho hành vi tàn ác, giết người một cách không gớm tay của hai anh em Said và Cherif Kouachi như thế.

Đồng thời, chúng tôi cũng tôn vinh quyền tự do ngôn luận với quyền tự do báo chí đi kèm.

Nhưng chúng ta không muốn đi quá xa với quyền hạn này, không thể dùng nó để làm tổn thương, đau lòng cho người khác.
Trong tinh thần đó: non, je ne suis pas Charlie Hebdo.
HƯNG VIỆT (Brisbane)
10/01/2015

https://hungvietbrisbane.wordpress.c...ai-la-charlie/