Hiệu trưởng xin thôi chức sau tố cáo ăn chặn học bổng của học sinh

Bị tố cáo có nhiều tiêu cực trong thu chi tài chính và điều hành hoạt động Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, lại không đủ số phiếu tín nhiệm, bà Phạm Thị Hà xin xuống làm hiệu phó và được chấp thuận.


Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, nơi bị tố cáo xảy ra nhiều tiêu cực trong thời gian bà Phạm Thị Hà điều hành. Ảnh: Lê Hoàng.

Ngày 23/1, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch tỉnh đã ra quyết định không bổ nhiệm lại chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đối với bà Phạm Thị Hà, nguyên hiệu trưởng trường này.

Bà Hà không được bổ nhiệm lại chức vụ hiệu trưởng do uy tín cá nhân thấp và không đủ điều kiện theo quy định.

Cuối năm 2014, do hết nhiệm kỳ, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa làm quy trình lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm lại chức vụ hiệu trưởng đối với bà Hà. Kết quả bà này chỉ đạt 24/71 phiếu tín nhiệm (chiếm 33,8%), phiếu không tín nhiệm là 47 (chiếm 66,2%).

Sau đó, bà Hà viết đơn xin xuống làm hiệu phó theo nguyện vọng cá nhân và được chấp thuận. Hiện việc điều hành Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa được giao cho ông Đinh Chương Hòa, Phó hiệu trưởng.

Trước đó nhiều cán bộ, giáo viên công tác tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa tố cáo, thời gian điều hành nhà trường, bà Hà để xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động thu chi tài chính gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh.

Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 109/2009 về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc, học sinh đạt thành tích xuất sắc hàng năm sẽ được thưởng 800.000 đồng, giỏi là 600.000 đồng và khá là 400.000 đồng mỗi em.

Tuy nhiên, suốt 5 năm làm hiệu trưởng (từ 2009 đến nay), bà Phạm Thị Hà đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn chỉ chi thưởng 10-30% trên tổng số tiền Nhà nước chi trả cho học sinh. Cá biệt, có năm học sinh xếp loại khá trường này không được thưởng. Tổng cộng, 5 năm qua, riêng khoản tiền thưởng cho học sinh giỏi, tiên tiến, bà Hà và thuộc cấp bị cáo buộc đã “ăn chặn” hơn 850 triệu triệu đồng.

Ngoài ra, theo quy định, học sinh học tại trường dân tộc nội trú đều được cấp tiền tư trang quần áo, cặp sách, giấy bút… Số tiền chi mua các vật dụng này được tính trong ngân sách chi giáo dục đào tạo hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước. Song trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hoá vẫn bắt học sinh đóng góp bằng cách trừ thẳng vào học bổng.

Sở GD&ĐT, Ban Nội chính và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang xác minh vụ việc tiêu cực tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.

Theo vnexpress.