Trung Quốc lộ rõ "ý đồ quân sự lâu dài và nguy hiểm" ở Biển Đông


Việc Trung Quốc gần đây liên tiếp công khai hình ảnh xây dựng ở đá Chữ Thập, Trường Sa, cho thấy ý đồ khai thác, kiểm soát thực tế cũng như tham vọng quân sự 'lâu dài và nguy hiểm' của Bắc Kinh ở Biển Đông.



Trung Quốc được cho là triển khai khoảng 2.000 lính ở đá Chữ Thập. Ảnh: CRI
Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Hoàng Khắc Nam, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá việc bồi đắp các đá ở Trường Sa cho thấy rõ hơn ý đồ của Trung Quốc. Nếu như trước đây Bắc Kinh thường thực hiện các hành động mang tính phi quân sự như đánh bắt cá, cắt cáp, đặt giàn khoan, mang tính phép thử ngắn hạn, thì việc xây dựng căn cứ quân sự ở các đá này cho thấy ý đồ rõ ràng của họ.

Ông Nam phân tích, ý đồ của Trung Quốc là khai thác thực tế và kiểm soát thực tế ở Biển Đông, sau đó tìm cách mở rộng ra các khu vực khác như eo biển Malacca. Việc triển khai căn cứ quân sự ở Trường Sa cho thấy khả năng Trung Quốc tính đến việc sử dụng biện pháp quân sự ở khu vực này.

"Trước đây Bắc Kinh có thể có ưu thế về hải quân nhưng không có lợi thế về không quân ở Biển Đông, một khi hoàn thành các căn cứ quân sự, Trung Quốc có thể khắc phục hạn chế này. Ý đồ quân sự mang tính lâu dài và nguy hiểm", ông Nam nói.

Trong vòng chưa đầy một tháng qua, sau khi công bố hình ảnh các binh sĩ luyện tập và các cơ sở quân sự tại đá Chữ Thập, truyền thông Trung Quốc còn đăng tải các bức ảnh về quá trình đưa nguyên vật liệu và nhân sự ra đá này thực hiện việc xây dựng.

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, viện phó Viện Biển Đông, nói việc "Trung Quốc lại công bố các hình ảnh cho thấy họ đang bồi đắp ở Chữ Thập, đá lớn nhất ở Trường Sa, chứng tỏ Bắc Kinh đang công khai thách thức dư luận".

Ông Sơn cũng cho rằng các hình ảnh vệ tinh và số liệu của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế cho thấy khả năng Trung Quốc xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Trường Sa để sử dụng vào mục đích quân sự là rất cao. Đang có những lo ngại rằng Bắc Kinh xây dựng đường bằng dài đến 3.000 m ở đá Chữ Thập, nơi có vị trí chiến lược ở Biển Đông, biến nơi này thành căn cứ không quân cho máy bay tầm trung cất và hạ cánh. "Điều đó có thể thay đổi nghiêm trọng nguyên trạng và cân bằng lực lượng ở khu vực phía nam Biển Đông", ông Sơn nói.

Từ giữa năm ngoái, sau khi Philippines công bố các hình ảnh vệ tinh về thực trạng Trung Quốc cải tạo hàng loạt đá ở Trường Sa, các chuyên gia quân sự của tạp chí quốc phòng IHS Jane's cũng khẳng định Bắc Kinh đang đẩy nhanh tốc độ nạo vét, xây dựng đê chắn sóng và các doanh trại ở các đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven, Ken Nan, đá Lạc. Những đá này đều thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Một tướng của Trung Quốc cuối năm ngoái còn thừa nhận hoạt động xây dựng ở Trường Sa là nhằm "hỗ trợ hoạt động của radar và thu thập thông tin tình báo".

Trong trao đổi với các đối tác Mỹ mới đây, các quan chức quốc phòng và ngoại giao Philippines miêu tả việc cải tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông là "đồ sộ", "rất nghiêm trọng".

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn dự báo không thể loại trừ có những bất ổn ở Biển Đông trong năm nay nếu nhìn vào những việc làm, hành vi của Trung Quốc trong vài năm gần đây.

Tiến sĩ Nam cảnh báo trong năm 2015 này, bên cạnh việc tiếp tục tôn tạo các đá ở Biển Đông, Trung Quốc có thể đẩy mạnh "chiến tranh ngư trường", tăng cường sự hiện diện các tàu cá với sự hỗ trợ của hải quân. Bắc Kinh cũng có thể có những hành động ngăn chặn các tàu tiếp tế của các nước cùng có tranh chấp ra các đảo thuộc Trường Sa. Bắc Kinh cũng có thể lập khu vực Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông trong năm nay.

Ông Nam suy đoán Trung Quốc sẽ có những hành động mới ở Biển Đông thời gian tới, nhưng sẽ thận trọng hơn nếu thực hiện những sự vụ có tầm nghiêm trọng như giàn khoan Hải Dương 981. "Bắc Kinh vẫn sẽ có các hoạt động để chứng tỏ với dư luận trong nước và với các thành viên ASEAN là họ không từ bỏ tham vọng ở Biển Đông".

Việt Anh