Những con hẻm miễn phí nổi tiếng ở Sài Gòn

Hẻm chuyên nấu cơm miễn phí, hẻm… thứ gì cũng miễn phí chính là ấn tượng có một không hai về mảnh đất Sài thàn

Hẻm nấu cơm miễn phí

Đều đặn 4 ngày trong tháng, từ 5h30 sáng, những người dân ở trong con hẻm 178 Đoàn Văn Bơ (P.9, Q.4, TP.HCM) lại tất bật chuẩn bị nồi cháo từ thiện cho người nghèo, bệnh nhân tàn tật, người vô gia cư…



Người dân cùng nấu những suất ăn miễn phí.

Người phát động nấu ăn từ thiện là chị Quách Thị Tố Nga, nhà ở cuối con hẻm. Ban đầu, chị Nga tự mình liên hệ với các bệnh viện để đăng ký nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân tàn tật. Chị tự trích tiền của mình, rồi vận động bà con cùng xóm tham gia. Lâu dần, được sự tín nhiệm của bà con nơi đây, chị mạnh dạn đi quyên tiền để nấu ăn ngay tại một góc rộng ở hẻm 178 Đoàn Văn Bơ.

Mỗi tháng, vào các ngày mùng 1, 14, 15, 30 âm lịch những người dân trong hẻm đều mang khoảng 200 suất ăn phát cho mọi người. Tại thời điểm này, mỗi đợt người dân trong hẻm đã nấu 400 – 500 suất ăn với nhiều thực đơn đa dạng như cơm, cháo, bánh mì... mang ra bệnh viện Nhi Đồng, bệnh viện Ung Bướu,... để phát cho người bệnh.

Không dừng lại ở đó, những ngày không nấu cơm, người dân trong hẻm còn đi vận động quyên góp tiền từ thiện cho hoàn cảnh khó khăn tại trại trẻ mồ côi, người già neo đơn, hay đi đến vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên, Phan Thiết, Đồng Tháp… để giúp đỡ bà con.

Một con hẻm, 4 dịch vụ miễn phí

Những người ghé qua con hẻm 96 trên đường Phan Đình Phùng (Quận Phú Nhuận, TP.HCM) không khỏi bất ngờ trước những dịch vụ miễn phítại đây. Từ thùng nước miễn phí, tủ thuốc, xe ôm, dịch vụ mai táng đều được những người dân trong hẻm chung tay nhau thực hiện.





Tủ thuốc, bình nước miễn phí. Ảnh: Khánh Ly.

Tủ thuốc miễn phí đã được bà con trong hẻm chung tay nhau đóng góp đã 10 năm nay. Tủ thuốc nhỏ, nhưng đầy đủ các loại thuốc thông thường để những người vô gia cư, hay những người không may bất ngờ gặp tai nạn đều có thể sơ cứu được đúng lúc.

Còn thùng nước uống miễn phí đã được ông Út, một người dân trong hẻm duy trì từ mấy chục năm nay. Thùng nước đã giúp những người lao động nghèo có được những cốc nước miễn phí mát lành giữa thời tiết oi bức. Bên cạnh đó, ông Út còn vận động người dân tổ chức dịch vụ mai táng miễn phí cho những gia đình có hoàn cảnh nghèo, những người lang thang cơ nhỡ.

Việc làm tốt cứ thế được người dân truyền tai nhau, và ông Nguyễn Văn Phúc – một người chạy xe ôm cũng không nằm ngoài số đó. Ông đã chạy xe ôm hơn 30 năm nay, và chở hàng nghìn chuyến miễn phí cho người nghèo, người già, người khuyết tật.

Con hẻm… chung tay nuôi heo đất

Bất cứ ai khi ghé vào con hẻm 60 đường Lý Chính Thắng (Quận 3, TP.HCM) đều cảm thấy một cảm giác bình yên đến lạ kì. Bởi những con người trong hẻm này đều chung một tấm lòng thiện nguyện, luôn mong muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống.


Cô Dương Thị Kim Hương góp tiền nuôi heo cùng bà Cúc (phải).

Người khởi xướng phong trào thiện nguyện tại con hẻm này là bà Nguyễn Thị Bạch Cúc (71 tuổi). Bà thường ngồi bán bánh mì đầu hẻm và kêu gọi mọi người nuôi heo đất giúp người nghèo.

Nhờ có bà Cúc mà những người trong con hẻm này như có được một sợi dây gắn kết với nhau.

Tính đến hôm nay, bà Cúc đã có 40 năm "gom tiền lẻ". Những người dân khi đi qua hàng bánh mì của bà đều có thói quen bỏ những đồng tiền lẻ mình có trong túi nuôi chú heo. Tới khi heo đất đầy, bà Cúc sẽ cùng những người dân trong hẻm góp tiền giúp những người đang gặp khó khăn.

Việc làm nhân văn, nhiều ý nghĩa này đã trở thành thói quen mấy chục năm qua của những người dân trong hẻm 60 đường Lý Chính Thắng.

Theo TiinNews