Phát hiện thực phẩm bẩn đừng có dại mà kiện công ty, phải ngồi tù đó



Các đồng chí công an phục vụ cộng sản đang trưng cầu giám định con ruồi để đưa một người dân lành vào tù, chỉ vì người này phát hiện con ruồi.


Bà Nguyễn Thị Ánh - phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang, cho biết, cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định xem con ruồi đó có sẵn trong chai Number One hay không.

Chiều 5/2, bà Nguyễn Thị Ánh - phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang - cho biết cơ quan này đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Võ Văn Minh (ngụ xã An Cư, H.Cái Bè, Tiền Giang) về hành vi cưỡng đoạt tài sản theo điều 135 Bộ luật hình sự, thời gian tạm giam là 111 ngày (đã trừ thời gian tạm giữ khi bị bắt quả tang ngày 27/1).
Từ ngày chồng bị bắt, chị Luyến (vợ Minh) vừa lo mưu sinh vừa chạy đôn chạy đáo lo cho chồng.

Liên quan đến chai nước ngọt Number One có ruồi, bà Ánh cho biết cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định xem con ruồi đó có sẵn trong chai trước khi Minh đem về bán và phản ảnh với Công ty Tân Hiệp Phát để vòi tiền hay là có tác nhân bên ngoài đưa vào.
Từ kết quả giám định này cơ quan điều tra mới có hướng xử lý tiếp theo.
Trong ngày 5/2, luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn luật sư TP.HCM) - luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị can Võ Văn Minh - cùng các luật sư đồng nghiệp đã đến Công an tỉnh Tiền Giang để xin cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Minh.
Tuy nhiên, dù đã nộp các giấy tờ cần thiết từ ngày 3/2 nhưng đến ngày 5/2 (sau khi anh Minh bị bắt chín ngày) luật sư Thi cho biết vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Minh.
Xung quanh câu chuyện “con ruồi trong chai nước ngọt Number One” đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc với hàng trăm ý kiến gửi về chia sẻ, tranh luận. Chúng tôi giới thiệu thêm một số ý kiến về câu chuyện này.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai (tổng giám đốc Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu - GIBC):

Gặp sự cố, đừng bưng bít

Câu chuyện này là bài học cho các doanh nghiệp: không nên thỏa hiệp bất cứ vấn đề gì mà hãy chạm trán sự việc.
Nếu thỏa hiệp thì những câu chuyện con ruồi và 500 triệu đồng như vậy sẽ còn xảy ra nữa.
Từng ở cương vị giám đốc của một hãng nước giải khát, tôi không phủ nhận đôi lúc cũng có sản phẩm bị lỗi nhưng so với hàng triệu triệu sản phẩm chất lượng trên thế giới mà hãng đã cung cấp thì một vài sản phẩm “khuyết tật” có thể thông cảm được.
Nếu không may gặp sự cố, doanh nghiệp cần kiểm tra, xác định có phải lỗi của mình hay không, nếu đó là sản phẩm bị lỗi thì doanh nghiệp phải nhận, đừng bưng bít hay thỏa hiệp.
Cứ nói thật, dù sự thật xấu xí cũng nên công khai thông tin và cho truyền thông hiểu được quá trình xử lý của mình, cho họ hiểu đó chỉ là sự cố, nhà sản xuất không cố tình làm điều đó.
Cứ thuyết phục người tiêu dùng bằng quy trình quản lý chất lượng an toàn, đảm bảo vệ sinh mà mình đang có. Như vậy công chúng dễ tha thứ hơn.
Bưng bít hay chống chế chỉ làm giảm uy tín doanh nghiệp và kéo theo những cách xử lý thiếu minh bạch khác.
Đừng để việc “đi đêm” như vậy trở thành văn hóa xử lý khủng hoảng của doanh nghiệp, 500 triệu đồng đó làm tổn thương người tiêu dùng, làm xấu đi môi trường xã hội.
Ông Nguyễn Văn Việt (chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN):

Nên giải quyết theo hướng nhân văn

Với trường hợp đã xảy ra của Tân Hiệp Phát, nếu các bên cùng chọn một cách nghĩ có văn hóa, từ đó lựa chọn cách giải quyết vấn đề bằng một tinh thần nhân văn hơn thì chuyện đáng tiếc có lẽ đã không xảy ra.
Lẽ ra khi người tiêu dùng chưa am hiểu hết quy định, vốn đã được ghi trong Luật bảo vệ người tiêu dùng, thì nhà sản xuất - vốn có những lợi thế nhất định hơn về việc tiếp cận các quy định của pháp luật - cần kiên trì giải thích cho họ hiểu thêm, hiểu đến khi nào đi đến được các thỏa thuận hợp tình, hợp lý thì tốt biết mấy.
Vì trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm hiện nay, luôn có một quy trình chuẩn để xử lý cho các tình huống sản phẩm lỗi, hư hỏng xảy ra trong quá trình sản xuất.
Là doanh nghiệp, đương nhiên phải nắm rõ quy trình này. Là doanh nghiệp có hiểu biết thì càng không thể chọn giải pháp “hứa hẹn” với người tiêu dùng để giải quyết vấn đề khi có sự cố xảy ra.

Ông Đỗ Ngọc Chính (phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN):
Sẽ theo dõi để hỗ trợ người tiêu dùng

Khi gặp những trường hợp như mua phải thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh... người tiêu dùng có quyền khiếu nại để đòi bồi thường thiệt hại đối với nhà sản xuất, phân phối.
Việc thương lượng, đền bù vật chất, tiền bạc bao nhiêu thuộc về cách giải quyết của hai bên. Trong đó, người tiêu dùng có quyền đưa ra giá trị bồi thường đối với nhà sản xuất, phân phối, còn chuyện đồng ý hay không là do hai bên quyết định.
Qua vụ anh Võ Văn Minh ở Tiền Giang bị Công an Tiền Giang bắt, có chút chưa rõ ràng là khi gặp những trường hợp như vậy thì người tiêu dùng được quyền đòi thương lượng với nhà sản xuất, phân phối là bao nhiêu?
Cá nhân tôi và Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN sẽ phải tìm hiểu rõ hơn ở mọi góc độ.
Liên quan đến vụ việc trên, cơ quan chức năng cũng cần đứng ở góc độ tại sao người tiêu dùng (trường hợp anh Minh) lại đòi giá cao như thế, có thể việc đòi bồi thường cao như vậy người tiêu dùng cũng có cơ sở.
Trong trường hợp này, lẽ ra anh Minh nên đến Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN nhờ hỗ trợ thì hội sẵn sàng tham gia. Hội sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này để có hướng giải quyết cho người tiêu dùng.

Theo Tuổi Trẻ